27/11/2024

Dẹp máy tính bảng, xây lớp học thông minh

Chương trình mỗi trẻ một máy tính bảng (OTPC) mà chính phủ cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra khởi xướng đã bị chính quyền quân đội dẹp bỏ sau cuộc đảo chính hồi tháng 5-2014.

Dẹp máy tính bảng, xây lớp học thông minh

Chương trình mỗi trẻ một máy tính bảng (OTPC) mà chính phủ cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra khởi xướng đã bị chính quyền quân đội dẹp bỏ sau cuộc đảo chính hồi tháng 5-2014.

Học sinh dùng máy tính bảng trong một lớp học ở miền bắc Thái Lan – Ảnh: AFP 

Theo TechInAsia, thực hiện chương trình này, nhà nước trang bị cho mỗi học sinh lớp 1 (và sau này là lớp 7) ở các trường công một máy tính bảng với mục tiêu khuyến khích các em học hành tốt hơn. Các em học sinh được cấp máy tính bảng miễn phí bằng tiền do nhà nước cấp.

Mỗi trẻ một máy tính bảng

 

Nhiều câu hỏi đặt ra

Ngay từ khi OTPC bắt đầu đã có ý kiến đặt câu hỏi liệu chương trình này có giúp giải quyết được những vấn đề về giáo dục còn tồn tại hay không, khi mà khoảng cách trong giáo dục vẫn còn, nghèo khó vẫn là trở ngại cho việc tiếp cận và tham gia học hành của các em?

Ở Thái, áp lực học hành của học sinh là để vượt qua các kỳ thi và các bậc phụ huynh thường buộc phải gửi con em đến các lớp học thêm để hi vọng đạt điểm số cao. Ai giàu hơn thì con họ có điều kiện học nhiều hơn.

Một bài bình luận trênBangkok Post năm 2011 đặt ra nhiều câu hỏi như nội dung gì sẽ được đưa lên thư viện điện tử để các em tải về, rồi những thông tin này sẽ được cập nhật sao cho hợp thời, liệu những thông tin trên thư viện điện tử có miễn phí không hay phải trả phí bản quyền, game có được phép tải về không, những giáo viên lớn tuổi có theo kịp công nghệ để dạy các em không…

 

Bangkok Post cho hay mỗi máy tính bảng cho học sinh lớp 1 có giá xấp xỉ 85USD, là loại có màn hình 7 inch với dung lượng lưu trữ 8GB, bộ vi xử lý lõi kép 1,5GHz.

Trong năm 2012 khoảng 860.000 học sinh lớp 1 của Thái Lan đã nhận được máy tính bảng. Các em được cầm máy về nhà nhưng nếu hỏng hóc thì gia đình phải chịu trách nhiệm thay thế hoặc sửa chữa.

Trong năm 2013 dự kiến hơn 400.000 máy tính bảng được cấp cho các em nhưng việc này bị đình trệ.

Các ưu điểm mà chính quyền của bà Yingluck đưa ra đối với OTPC là máy tính bảng có thể chứa được nhiều thông tin và kiến thức trong khi nhiều trẻ em ở nước này không đủ tiền mua sách in. Ngoài ra OTPC còn hạn chế được việc tham nhũng trong in sách, sách lậu, sách kém chất lượng.

Chính quyền khi ấy nói thêm rằng máy tính bảng sẽ giúp các em truy cập Internet, chơi các trò chơi tương tác mang tính giáo dục, nâng cao khả năng viết và nghệ thuật trong thời đại kỹ thuật số.

Khởi động từ năm 2011 sau khi bà Yingluck thắng cử, đến đầu năm 2014 OTPC gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, từ vấn đề tham nhũng cho đến những thiết bị chất lượng kém.

Đó là chưa kể các vấn đề mới nảy sinh như nhà sản xuất máy tính bảng ở Trung Quốc đòi huỷ hợp đồng sau khi chính họ chậm trễ trong việc giao hàng.

Cụ thể, như Bangkok Post cho biết, Công ty Shenzhen Yitoa Intelligent Control của Trung Quốc, bên thắng thầu trở thành nhà sản xuất máy tính bảng cho OTPC ở Thái, đã đóng cửa hoạt động kinh doanh ở Thái Lan sau khi từ chối trả khoản tiền phạt 67.000 USD/ngày vì giao hàng chậm.

Đại diện công ty này đã gửi đại diện đến huỷ hợp đồng với Chính phủ Thái Lan. Chính phủ sau đó đã thu hồi tài sản của công ty này, trị giá khoảng 3,5 triệu USD.

Mô hình bị xoá bỏ

Sau cuộc đảo chính ngày 22-5, chính quyền quân đội ở Thái Lan đã cải tổ mọi mặt trong xã hội nước này. Trong đó các chính sách của chính phủ trước cũng bị điều chỉnh hoặc xoá bỏ.

Hồi tháng 6, chính quyền quân đội tuyên bố hủy bỏ chương trình mua máy tính bảng cho học sinh, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10 tới. Trước mắt, chính quyền quân nhân sẽ hủy việc mua máy tính bảng cho học sinh tiểu học ở miền bắc và đông bắc Thái Lan nhưng tạm thời vẫn cho tiếp tục ở miền trung.

Phó chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ trật tự quốc gia (NCPO) đang điều hành đất nước là đô đốc Narong Pipattanasai hồi tháng 6 nói sau cuộc họp hủy bỏ OTPC rằng học sinh không cần đến máy tính bảng bởi các em chỉ dùng 1-2 giờ một ngày. Hơn nữa, máy tính bảng được coi là tài sản của nhà trường và không thể để các em cầm về nhà.

Đô đốc Narong cũng khẳng định máy tính bảng không phải là công cụ học tập phù hợp mọi lúc mà các em nên học từ giáo viên của mình. Ngoài ra, vì màn hình máy tính bảng nhỏ sẽ khiến các em bị các vấn đề về thị lực lâu dài.

Đó là chưa kể với máy tính bảng giá rẻ, tuổi thọ chỉ khoảng ba năm nên việc sửa chữa, thay thế máy mới không hiệu quả về chi phí.

Chính quyền quân sự nói số tiền 6,97 tỉ baht (khoảng 219 triệu USD) tiết kiệm được từ OTPC sẽ được dùng để hỗ trợ giáo dục bằng nhiều cách khác nhau. Cách gì thì đang được bàn thảo, nhưng trong đó có ý tưởng đáng chú ý và nhận được sự ủng hộ là xây dựng lớp học thông minh của Văn phòng Uỷ ban giáo dục cơ bản (OBEC).

Theo ý tưởng về lớp học thông minh này, số tiền kể trên sẽ được đầu tư vào phát triển hệ thống công nghệ thông tin giáo dục và hệ thống mạng không dây trong trường học.

VIỆT PHƯƠNG

 

 

 

Tại sao lại là học sinh tiểu học?

Câu hỏi này được rất nhiều bạn đọc đặt ra trong tổng số gần 150 phản hồi gửi đến Tuổi Trẻ sau bài viết “Phải sắm 320.000 máy tính bảng”. Nhiều bạn đọc cũng bày tỏ sự lo ngại, băn khoăn đối với đề án “nghìn tỉ” này, trong đó nhiều nhất là về tính cấp thiết, tính khoa học và tính phù hợp của đề án.

Bạn đọc Võ Duy Trinh viết: “Học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 tới trường tập làm quen với con chữ, tập viết, tập đọc, tập làm các phép tính đơn giản là chủ yếu. Ở lứa tuổi này quan trọng là tập cho học sinh biết thương yêu cha mẹ, bạn bè, thầy cô, anh chị em trong nhà; biết tự làm những việc cho cá nhân; làm cho học sinh yêu thích các môn học; rèn luyện nề nếp, giờ giấc… Vậy đầu tư máy tính bảng để làm gì?”.

Bạn đọc có email uyen@… khẳng định: “Không nên cho học sinh tiểu học sử dụng máy tính bảng. Dưới góc nhìn của một phụ huynh tôi thấy việc cho học sinh tiểu học sử dụng máy tính bảng có hại nhiều hơn lợi. Thứ nhất, các em còn nhỏ, khả năng tự chủ chưa cao, dễ bị lôi cuốn vào các tính năng khác của máy như xem phim, chơi game… làm mất tập trung trong lớp học. Thứ hai, lạm dụng thiết bị điện tử sẽ hại mắt, mắt các em còn non dễ cận thị. Thứ ba, tốn chi phí không ít cho phụ huynh, có những phụ huynh lo học phí, dụng cụ học tập cho con đã là một cố gắng lớn, giờ phát sinh thêm thì rất tội nghiệp trong khi chưa biết hiệu quả có xứng đáng với chi phí bỏ ra hay không”.

Bạn đọc Khoa Nguyên so sánh: “Ở các nước Mỹ, Úc khuyến cáo hạn chế trẻ em tiếp xúc thiết bị điện tử, vừa hại sức khỏe, đặc biệt là mắt, vừa hại khả năng tập trung của trẻ. Ngược lại ở VN lại định cho trẻ tiểu học học bằng máy tính bảng! Mỗi lần đọc sách tôi nhìn máy tính bảng khoảng một giờ là nhức mắt lắm rồi, không thể tưởng tượng nổi các em học cả ngày sẽ ra sao?”.

Còn bạn Nguyễn Văn Khôi đề xuất: “Tại sao phải trang bị máy tính bảng cho tiểu học mà không phải học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông hoặc cao đẳng, đại học? Học sinh tiểu học còn quá nhỏ để hiểu được và sử dụng máy. Nếu các em cầm máy tôi nghĩ sẽ không học được gì mà có nhiều hệ lụy kéo theo”. Tương tự, bạn đọc có email nguyenthanhlong19882003@… cho rằng “số tiền đó nên dành để đầu tư không gian vui chơi giải trí cho các bé: công viên, thư viện, vườn thú, bảo tàng…”.

N.HUY tổng hợp