22/10/2024

Sống chung với người “ưa kiện cáo”

Trong cuộc sống, chúng ta sống chung với một số người “ưa kiện cáo”. Họ không mắc bệnh loạn tâm thần, họ chỉ có những tính nết không bình thường.

Sống chung với người “ưa kiện cáo”

Trong cuộc sống, chúng ta sống chung với một số người “ưa kiện cáo”. Họ không mắc bệnh loạn tâm thần, họ chỉ có những tính nết không bình thường. 

 

 

Các nhà tâm thần học gọi đây là rối loạn nhân cách.

Những nét tính nết không bình thường hay rối loạn nhân cách khiến con người mất sự thích nghi giữa cá nhân với môi trường, mất mối quan hệ bình thường với những người xung quanh. Nét tính nết hay nhân cách bất thường này tương đối ổn định, dai dẳng và hầu như tồn tại suốt cuộc đời người đó.

Có nhiều loại biểu hiện của tính nết bất thường. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến tính nết bất thường của những người có đặc điểm “ưa kiện cáo”.

Liên tục đi kiện

 

Đa nghi, thiếu niềm tin

Đặc điểm của những người có tính nết bất thường hay rối loạn nhân cách thể kiện cáo như sau: những người “ưa kiện cáo” này là người tốt chứ không phải người xấu, theo ý nghĩa tốt mới tìm ra cái xấu để đấu tranh, để kiện cáo.

Tuy nhiên, họ có tính vị kỷ nặng, tự cao, hay đa nghi, thiếu niềm tin. Họ có tư duy phiến diện, bảo thủ, dần chuyển sang bướng bỉnh, thiếu mềm dẻo nên dễ sa lầy trong những ý nghĩ và cảm xúc nhất định.

Những người có nhân cách này hay để bụng, nhìn ai cũng sẵn sàng cho là có ý xấu, có ác ý và có thể là người không tốt.

Với tính đa nghi, họ có khuynh hướng làm méo mó sự kiện bằng cách giải thích các việc làm vô tư và hữu nghị của người khác như sự thù địch hay xấu xa.

Họ ít có được mối quan hệ tốt với ai trong một thời gian dài.

Ở đâu có mặt họ là ở đó có xung đột liên tục, có sự rầy rà, có đấu tranh.

Họ có ý thức đấu tranh dai dẳng cho quyền lợi cá nhân, không tương xứng với hoàn cảnh thực tế.

Họ có khuynh hướng kiện cáo chống lại chủ, lãnh đạo, láng giềng, bác sĩ, công chức.

 

Một phụ nữ trên 30 tuổi, làm nghề tự do. Sự việc bắt đầu từ một vụ tranh chấp đất đai trong nội bộ họ hàng. Sau một thời gian, chị ta cho rằng chính quyền địa phương giải quyết tranh chấp không thỏa đáng.

Chị dai dẳng kiện chính quyền địa phương. Chị thường đến quấy rầy ở uỷ ban, làm ồn ào, mất trật tự tại các cuộc họp tổ dân phố. Chính quyền địa phương cho rằng chị đã vi phạm trật tự an ninh khu phố, bèn họp dân phố để đóng góp cho chị và xử phạt hành chính. Chị không chấp nhận và kiện tiếp lên chính quyền cấp trên.

Cùng thời điểm này, có những người dân tập trung trên hè phố để kiện lên UBND TP chuyện đất đai. Chị nhập vào các đoàn khiếu kiện này một cách “hồn nhiên” và “vô tư”: khuyến khích mọi người đấu tranh, giúp họ làm đơn và tập trung nhiều chữ ký trong đơn để kiện. Có lần chị chặn cả xe của lãnh đạo cấp cao để đòi hỏi, yêu sách.

Công an quận đã vào cuộc, tạm giữ và đưa chị đi giám định sức khỏe tâm thần tại một trung tâm thuộc thành phố. Trung tâm kết luận chị mắc bệnh “tâm thần phân liệt”. Chị kiện trung tâm này lên chính quyền vì cho rằng kết quả giám định là sai.

Chị lấy chứng cứ rằng mình mới được tặng thưởng giải nhất trong một cuộc thi nên không thể bị bệnh này. Công an đã phải đưa chị đi giám định lại tại đơn vị giám định cấp trung ương.

Tại nơi giám định cấp trung ương, chị được đưa vào một khu bệnh để các bác sĩ và nhân viên theo dõi, giám định. Được vài ngày, chị cho rằng nhân viên bệnh viện đối xử với bệnh nhân không công bằng, đời sống bệnh nhân thiếu thốn…

Chị đã viết một lá đơn khiếu tố tập hợp trên 20 chữ ký của bệnh nhân tâm thần, gửi lên giám đốc bệnh viện, phê phán, tố cáo trưởng khoa và nhân viên trong khoa.

Bệnh viện Tâm thần trung ương đã giám định lại, xác nhận chị không mắc bệnh tâm thần phân liệt mà chỉ rối loạn nhân cách thể kiện cáo. Chị lập tức kiện giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương vì cho rằng giám định chị bị rối loạn nhân cách là sai.

Theo lý giải của chị, chị là người có nhân cách tốt, chị luôn đấu tranh cho lẽ phải nên không thể là rối loạn nhân cách. Chị đã hiểu cụm từ “rối loạn nhân cách” theo nghĩa thông thường của chị chứ không theo ý nghĩa khoa học của tâm thần học.

Từ miền Nam, chị ra Hà Nội, chờ chực ở cổng Bộ Y tế để gặp bộ trưởng nhiều lần nhằm kiện Bệnh viện Tâm thần trung ương…

Chấp nhận, bỏ qua

Trên đây là một trong những trường hợp rối loạn nhân cách thể kiện cáo chúng tôi đã tiếp xúc. Kết cục cuộc sống và sự nghiệp của người này có thể theo những chiều hướng như sau: ở những người rối loạn nhẹ, họ vẫn sống trong cơ quan. Trong tập thể đó, vẫn có sự đấu tranh, xung đột do người này khởi sự.

Đôi khi tập thể bị phân hóa: một số người cho là người này chính trực, dám đấu tranh; một số khác cho người này là phần tử gây rối, mất đoàn kết. Nói chung, mọi người chịu đựng, chấp nhận, bỏ qua như kiểu “sống chung với lũ”.

Ở những người rối loạn nặng hơn, không thể thích nghi với những người xung quanh và ảnh hưởng lớn đến công việc và môi trường hòa thuận của cơ quan, thường được giám định sức khỏe để cho nghỉ việc.

Có những trường hợp cơ quan không cần đưa đi giám định mà căn cứ vào những hành vi mang tính chống đối, phá hoại sự ổn định và đoàn kết của đơn vị để buộc thôi việc.

Ở những trường hợp nặng hơn nữa, có khi tới mức phá rối an ninh trật tự xã hội, vi phạm pháp luật thì cần xử lý vi phạm theo pháp luật. Những người này được coi là có năng lực chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Tuy nhiên, trên thực tế đa số những người rối loạn nhân cách kiểu này không vi phạm pháp luật, và mặc dù họ gây nhiều phiền hà, rắc rối cho xung quanh, chúng ta vẫn phải chấp nhận và chung sống với họ.

PGS.TS NGUYỄN VĂN THỌ