Phải tạo công bằng trong tuyển công chức
Phải quyết tâm xoá bỏ vấn nạn con ông cháu cha để tạo công bằng cho người tài trong tuyển dụng công chức và nâng cao hiệu quả cho bộ máy nhà nước.
Phải tạo công bằng trong tuyển công chức
Người dân xếp hàng nộp hồ sơ dự thi công chức tại Cục Thuế Hà Nội – Ảnh: Nguyễn Khánh
165 ý kiến phản hồi cho bài viết “Cần giải pháp giảm nạn con ông cháu cha” hầu hết đòi hỏi phải quyết tâm xóa bỏ vấn nạn con ông cháu cha để tạo công bằng cho người tài trong tuyển dụng công chức và nâng cao hiệu quả cho bộ máy nhà nước
Người giỏi nản lòng
Đây chính là lý do vì sao nhiều vị trí công chức không tuyển được những người tài giỏi nhất. Sinh viên mới tốt nghiệp trình độ giỏi nếu không phải con ông cháu cha thì họ cũng hiểu và tìm công ty tư nhân nào đó để xin việc, còn hơn là tốn công vô ích xin tuyển vào công chức.
Hi vọng qua sự việc lần này, Bộ Nội vụ sẽ có những chính sách mới và đủ cứng rắn trong việc tuyển công chức để tuyển được những người tài giỏi nhất cho các vị trí. Chỉ có như thế cơ quan nhà nước mới làm việc ngày càng tiến bộ và hiệu quả cao.
LêBaoTrung (trungdhtv@….)
Hoài nghi và bất mãn
Muốn xin việc à? Có quen biết không? Có tiền không?… Đó là lời cửa miệng của công đoạn bắt đầu xin việc mà chúng tôi thường xuyên phải nghe. Hỡi ơi, chúng tôi phải gồng gánh mới tốt nghiệp đại học loại giỏi chứ đâu phải mua bằng tiền. Vậy mà mấy người học kém hơn thì có việc, còn chúng tôi lại không. Bao nhiêu hoài bão, sức trẻ đã tan biến. Trong lòng chúng tôi chỉ còn sự hoài nghi và bất mãn. Đúng, chúng tôi nghèo, nhưng không phải đó là cái tội.
Không có ông bà chú bác làm chức lớn… nhưng chúng tôi có ước mơ đổi đời nên cố gắng học. Mà có lẽ xã hội không cần điều này. Nếu không thì câu nói “Muốn xin việc à? Có quen biết không? Có tiền không?” không “gần gũi” với chúng tôi như vậy! Chỉ cầu mong một sự công bằng thôi, để chúng tôi còn niềm tin vào cuộc sống này nữa.
Trần Thanh Sang
Có quyết tâm làm?
Tôi nghĩ không dễ trừ được nạn con ông cháu cha vì ai cũng muốn con cháu mình sướng chứ không ai muốn con mình khổ. Cách tạo cho con cháu mình có công ăn việc làm tốt, thu nhập khá thì phải tranh thủ tìm nơi tìm chỗ và dùng mối quan hệ và quyền lực của mình để xoay xở.
Tôi biết có con vị giám đốc sở không bằng cấp, thấy bưu điện thu nhập khá đưa vào làm việc, khi ngành bưu điện không còn là chỗ tốt lại tìm cách chuyển qua doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh.
Đó là con và chưa kể đến cháu, chắt của các vị. Muốn công bằng thì tất cả cơ quan, doanh nghiệp nhà nước phải thi tuyển trong tuyển dụng. Nếu thi tuyển công chức thì Bộ Nội vụ sẽ tổ chức thi, công khai kết quả. Hội đồng thi phải là những người như Bao Công và nghiêm cấm việc sử dụng quyền lực hay mối quan hệ để vụ lợi. Dễ thật nhưng mà khó thực hiện vì chúng ta chưa quyết tâm, chưa nghiêm túc.
Dương Văn Tuấn (kibotuan803@…)
Đổi mới cách tuyển dụng
Theo tôi, “con ông cháu cha” cũng là công dân, họ đủ điều kiện để thi tuyển và tham gia bộ máy nhà nước. Tuy nhiên trong thời gian qua, tình trạng đưa con cháu vào làm ở bộ máy hành chính không theo trình tự tuyển dụng, xét năng lực thì một số không thể chấp nhận được nên gây bức xúc cho xã hội.
Để tránh tình trạng này ta nên đổi mới phương pháp thi tuyển: hội đồng coi và chấm thi độc lập, giám sát trong chấm bài và công bố kết quả. Nếu có dư luận thì cần thiết tổ chức kiểm tra trình độ người trúng tuyển bằng chất vấn với sự giám sát của cơ quan độc lập và cơ quan đại diện nhân dân. Có vậy mới tránh dư luận không tốt và chọn được cán bộ đủ tài, đức.
Quang Vũ (quangvudana@…)
Lấy hiệu quả làm thước đo
Nhiều ý kiến, nhiều biện pháp nhưng sẽ không giải quyết vấn đề được nếu hiệu quả công việc không phải là thước đo để đánh giá đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
Chúng ta nên mạnh dạn kiểm điểm, cho ra những người làm việc không hiệu quả. Tất nhiên sẽ có sự phấn đấu, đấu tranh lẫn nhau để tồn tại. Không tính con ông cháu cha hay con nông dân, ai làm được việc vì dân vì nước thì giữ, còn ai không làm được thì xin mời anh đi cho.
Trần Văn Chiến (travachien@…)
Cần trung tâm thi tuyển quốc gia Tôi ủng hộ đề xuất thành lập trung tâm thi tuyển công chức quốc gia vì như vậy mới đảm bảo khách quan, công bằng cho những người có thực tài. Vấn nạn chạy chọt cho người thân của mình thi công chức trúng tuyển không phải là chuyện mới. Có điều chúng ta chỉ làm được ở mức độ phê phán, chứ chưa đưa ra một giải pháp hữu hiệu nhằm xóa bỏ tận gốc. Trong số hàng trăm người thi đậu nhờ thân thế, chạy chọt, thử hỏi được bao nhiêu người có năng lực thật sự? Vừa qua, trước hàng loạt sự cố của ngành hàng không, uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay có liên quan đến các kiểm soát viên không lưu, tôi đã tự hỏi không biết trong số họ có bao nhiêu người được ngồi vào vị trí này nhờ “quen biết”? Đó là chưa kể như một quy luật, những người trở thành công chức do đi bằng “cửa sau”, đương nhiên phải chịu tốn một khoản chi phí tương xứng với vị trí mình có được. Nên khi làm việc họ phải tìm cách “vơ vét” để bù vào vốn liếng đã bỏ ra, thậm chí bất chấp những việc làm phi pháp, miễn sao có tiền để thu hồi vốn bỏ ra. Hãy đảm bảo rằng khi mang hồ sơ đi tìm việc làm, mọi người dân cũng bình đẳng như nhau bằng việc kiên quyết xóa bỏ tình trạng “con vua thì lại làm vua”. HỮU CHƠN |