Cuộc chiến chống HIV/AIDS: đã nhìn thấy màu hồng?
Hội nghị thế giới về HIV/AIDS lớn nhất vừa kết thúc ở Melbourne (Úc). Rất nhiều nhà khoa học bày tỏ sự lạc quan về mục tiêu khống chế đại dịch vào năm 2030.
Cuộc chiến chống HIV/AIDS: đã nhìn thấy màu hồng?
Hội nghị HIV/AIDS được tổ chức tại Melbourne, Úc – Ảnh: Reuters |
Nhưng những người lạc quan tin rằng sự kết hợp của các công cụ sẵn có, đặc biệt là các loại thuốc kháng virút (ARV) đang giúp 13 triệu người tiếp tục sống sót, có thể đủ để ngăn virút thế kỷ lây lan. Các nhà dịch tễ học tin rằng có thể đạt được mức Ro<1, tức là mỗi người bị nhiễm HIV trong cuộc đời mình sẽ lây nhiễm cho trung bình dưới một người khác.
Theo UNAIDS, 1,5 triệu người đã thiệt mạng vì căn bệnh này trong năm 2013, so với mức đỉnh 2,4 triệu người năm 2005. Tỉ lệ nhiễm mới cũng đã giảm nhanh, tức mức đỉnh gần 3,8 triệu người vào năm 1998 xuống còn hơn 2 triệu trong năm 2013.
Mục tiêu cho năm 2030 là tham vọng nhưng không hề huyễn hoặc. Tại hội nghị Melbourne, ông Salim Abdool Karim – giám đốc Trung tâm chương trình nghiên cứu AIDS ở Nam Phi – cho biết hiện có rất nhiều biện pháp để ngăn HIV lây lan. Bao cao su, các loại thuốc, cắt bao quy đầu, những lời tư vấn… đều là những vũ khí hữu hiệu. Thuốc ARV cũng giúp giảm lượng virút trong cơ thể người nhiễm và qua đó ngăn ngừa nguy cơ lây lan.
Nhiều loại thuốc mang tính ngăn ngừa cũng đã xuất hiện dù còn ở dạng nghiên cứu như Travuda. Nghiên cứu của giáo sư Robert Grant thuộc ĐH California (Mỹ) cho thấy Travuda giảm rủi ro lây nhiễm khoảng 90% và quan trọng hơn, không cần phải ngày nào cũng uống thuốc, bốn lần một tuần là đủ.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính việc sử dụng rộng rãi những loại thuốc như Travuda trong những người đồng tính có thể giúp giảm 1 triệu ca nhiễm mới trong vòng một thập kỷ nữa.
Một vấn đề là giá thuốc Travuda hiện giờ rất đắt (khoảng 1.300USD cho một tháng sử dụng). Tiền bạc là nỗi lo chính với các chiến dịch phòng chống AIDS trên toàn cầu. Các thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy chi tiêu cho phòng ngừa và điều trị HIV/AIDS hiện khoảng 19 tỉ USD mỗi năm sẽ không tăng thêm trong những năm tới.
“Phân vùng” là một từ khoá quan trọng trong cuộc chiến với AIDS trong tương lai. Trước hết là phân vùng địa lý, theo một báo cáo trên tạp chí y khoa Lancet. Một nghiên cứu ở Kenya trong 15 năm cho thấy nếu tập trung vào những vùng có tỉ lệ nhiễm cao nhất, số ca nhiễm mới sẽ giảm 100.000 mà không cần tăng thêm chi phí.
Phân vùng đối tượng cũng rất quan trọng, với các nhóm chính là người đồng tính, nghiện ma tuý và gái bán dâm. Cũng theo Lancet, việc hợp pháp hoá mại dâm và thúc đẩy các biện pháp tình dục an toàn có thể giúp giảm 1/3 ca nhiễm mới giữa gái bán dâm và khách mua dâm.
HẢI MINH