23/12/2024

8 lý do Malala Yousafzai truyền cảm hứng cho thế giới

Ngày 10-10, cô gái 17 tuổi Malala Yousafzai đã trở thành người trẻ nhất trên thế giới và là người Pakistan đầu tiên đoạt giải Nobel hoà bình. Báo Huffington Post của Mỹ đã liệt kê tám nguyên nhân giải thích tại sao Malala đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta:

 

8 lý do Malala Yousafzai truyền cảm hứng cho thế giới

Ngày 10-10, cô gái 17 tuổi Malala Yousafzai đã trở thành người trẻ nhất trên thế giới và là người Pakistan đầu tiên đoạt giải Nobel hoà bình.

 

Học sinh trường nữ ở thành phố Mingora với bức ảnh Malala Yousafzai trước khi cắt bánh mừng sự kiện Malala đoạt giải Nobel hòa Bình - Ảnh: Reuters
Học sinh trường nữ ở thành phố Mingora với bức ảnh Malala Yousafzai trước khi cắt bánh mừng sự kiện Malala đoạt giải Nobel hòa Bình – Ảnh: Reuters

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Malala bị Taliban bắn vào đầu năm 2012 vì dám yêu cầu quyền tiếp cận giáo dục dành cho tất cả mọi người. Kể từ đó, cô gái người Pakistan đã khiến thế giới đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi liên tục đấu tranh cho giáo dục trẻ em và quyền lợi của các cô gái khắp thế giới, bằng lòng dũng cảm và niềm đam mê vô tận.

Báo Huffington Post của Mỹ đã liệt kê tám nguyên nhân giải thích tại sao Malala đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta:

1. Lòng dũng cảm vô biên

Đầu năm 2008, Malala đã bắt đầu đấu tranh cho quyền giáo dục. Theo Toronto Star, cha cô dẫn cô đến Peshawar nói chuyện với một câu lạc bộ báo chí địa phương. Cô phát biểu trước đám đông: “Tại sao Taliban dám tước đoạt quyền tiếp cận giáo dục của tôi?”, đồng thời tiết lộ cô đã giấu mấy quyển sách giáo khoa trong quần áo khi đến trường.

Năm đó Malala chỉ mới 11 tuổi. Ngoài ra, Malala bắt đầu viết blog cho BBC lúc 11 tuổi mô tả cuộc sống của mình dưới chế độ Taliban.

Sau khi ám sát Malala thất bại, những kẻ khủng bố tuyên bố sẽ “tấn công” cô một lần nữa nếu có cơ hội nhưng Malala cho biết cô không sợ bị dọa dẫm.

“Thật sự tôi có sợ ma một chút. Nhưng tôi không sợ Taliban. Không hề” – Malala quả quyết với Đài NDTV năm 2013.

2. Đầy lòng trắc ẩn

Malala từng khiến người dẫn chương trình Jon Stewart của The Daily Show không nói nên lời khi cô chia sẻ rằng nếu được gặp trực tiếp một thành viên của Taliban, cô muốn gửi họ thông điệp như sau: “Tôi sẽ nói với ông ấy giáo dục quan trọng với chúng tôi như thế nào, và tôi thậm chí muốn con cái ông ấy cũng được đến trường”.

3. Đấu tranh cho quyền đi học của mỗi trẻ em

Ngày 12-7 năm ngoái, khi Liên Hiệp Quốc công bố ngày sinh nhật của Malala là Ngày Malala, cô gái phát biểu với đám đông rằng cô sẽ đại diện cho 57 triệu trẻ em không được đến trường trên khắp thế giới.

“Ngày Malala không phải là ngày của riêng tôi – cô phát biểu trong một bài diễn văn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York – Ngày hôm nay là ngày dành cho mọi phụ nữ, mọi bé trai và bé gái lên tiếng về các quyền lợi của họ”.

“Một đứa trẻ, một giáo viên, một quyển sách và một cây viết có thể thay đổi thế giới – Malala phát biểu thêm – Giáo dục là giải pháp duy nhất. Giáo dục luôn phải được đặt ưu tiên hàng đầu”.

4. Truyền cảm hứng cho hàng triệu người khác

Trong những tuần lễ sau khi bị Taliban bắn vào đầu, đặc phái viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về giáo dục trên toàn cầu phát động đơn kiến nghị mang tên cô gái người Pakistan.

Đơn kiến nghị Malala kêu gọi Liên Hiệp Quốc tái cam kết thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ thứ 2: cam kết rằng tất cả trẻ em trên thế giới đều được đến trường trước năm 2015. Đơn kiến nghị này nhận hơn 3 triệu chữ ký. Lá đơn cũng khiến Chính phủ Pakistan nhanh chóng thông qua dự luật quyền tiếp cận giáo dục, bảo đảm cung cấp giáo dục miễn phí cho tất cả trẻ em.

5. Ủng hộ phụ nữ trẻ khắp mọi nơi

“Chúng ta phải giúp các cô gái chống lại những rào cản trong cuộc sống của họ, khuyến khích họ đứng lên và dũng cảm lên tiếng, vượt qua nỗi sợ hãi trong tâm hồn họ”, Malala chia sẻ trong một bữa ăn tối vào tháng 8 năm nay với tạp chí Forbes.

Một tháng trước đó, cô gái đã gặp Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan ở Abuja, Nigeria nhằm bày tỏ sự ủng hộ dành cho 291 cô gái bị nhóm khủng bố Boko Haram bắt cóc. Lúc đó, cô gửi thông điệp đến những kẻ bắt cóc: “Hãy hạ vũ khí của các ông xuống. Hãy phóng thích những chị em của các ông. Thả tự do cho những người con gái của đất nước này. Họ không phạm tội gì cả”.

6. Quỹ Malala thay đổi thế giới

Malala phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến toàn cầu Clinton năm 2014 rằng Quỹ Malala và Tổ chức Echidna Giving sẽ cam kết ủng hộ 3 triệu USD cho các sáng kiến giáo dục ở các quốc gia phát triển, theo ABC News.

Cũng trong năm nay, Malala và những thành viên khác của Quỹ Malala đã giúp đỡ hàng trăm trẻ Syria tị nạn ở Jordan. Malala và tổ chức của cô đã ủng hộ và giúp đỡ hơn 1 triệu trẻ em tị nạn Syria bị mất nhà cửa do chiến tranh và giúp các em đến trường.

7. Không để kẻ thù cản trở mình

Malala có nhiều người ủng hộ khắp thế giới nhưng cũng có người căm ghét và cáo buộc cô là “cái loa tuyên truyền của phương Tây”. Cô nói với BBC năm ngoái liên quan đến những cáo buộc này: “Cha của tôi nói rằng giáo dục không phải là phương Đông hay phương Tây. Giáo dục là giáo dục. Đó là quyền lợi của tất cả mọi người”.

8. Ước mơ lớn và tuyệt vời

Malala nói với nhà báo Christiane Amanpour của CNN vào năm ngoái rằng cô hi vọng một ngày nào đó sẽ trở thành thủ tướng của Pakistan. “Thông qua chính trị, tôi có thể phục vụ toàn bộ đất nước mình”.

 

Cô rất tin tưởng vào ước mơ lớn của mình. “Điều quan trọng là bạn phải luôn yêu cầu thế giới hãy làm cái gì đó. Nhưng thỉnh thoảng có một số thứ không được thực hiện, do vậy bạn phải thử sức và phải hoàn thành những thứ này” – cô gái Pakistan phát biểu vào tháng 8 năm nay.