27/11/2024

Em không biết nói chuyện với ai

Em đã và đang phải trải qua một thời gian dài khủng hoảng. Hoàn cảnh em quá bất hạnh, không có một chỗ dựa tinh thần, không có một người bạn để có thể chuyện trò.

 

Em không biết nói chuyện với ai

Em đã và đang phải trải qua một thời gian dài khủng hoảng. Hoàn cảnh em quá bất hạnh, không có một chỗ dựa tinh thần, không có một người bạn để có thể chuyện trò.

Em Phạm Ngọc Nga phụ giúp mẹ nấu ăn sau khi đi học về – Ảnh: Xuân An

Tôi đến thăm em Phạm Ngọc Nga vào một trưa cuối tuần. Cô trò nhỏ đang là học sinh lớp 11 chuyên ban A Trường THPT Tân Phước Khánh (P.Tân Phước Khánh, Tân Uyên, Bình Dương).

Em là một tấm gương học giỏi vượt khó đã từng được nhận học bổng của chương trình “Chung một ước mơ” và học bổng “Bạn tôi – người vượt khó” năm học 2012- 2013 của báo Tuổi Trẻ.

Căn nhà nhỏ nằm trong con hẻm bên hông chợ Tân Phước Khánh. Khoảnh sân nhỏ trước nhà loang lổ, bề bộn, ngổn ngang những vật dụng. Mẹ em – người đàn bà áo quần xộc xệch – đứng la lối, chửi bới bâng quơ trước ngõ.

Em mặc cảm không dám ra chào tôi. Mãi thật lâu em mới lầm lũi bước ra, cúi gầm gương mặt đang đầm đìa nước mắt.

Tôi xin phép mẹ em cho em được ra ngoài một lát. Hơn một giờ em vừa khóc vừa trò chuyện với tôi trong nỗi uất nghẹn.

Ba bỏ mẹ con em đi từ những ngày em còn bé. Mẹ mắc chứng bệnh thần kinh. Cả năm nay bệnh mẹ càng trở nặng, ngày nào cũng ra đường chửi bới, la lối. Đứa em trai thi rớt lớp 10, nghỉ học lại nghiện game sau những lần theo em ra tiệm net thuê máy để học.

Khoản tiền trợ cấp của địa phương hằng tháng cho hộ có hoàn cảnh khó khăn và những khoản tiền học bổng em nhận được đều bị mẹ lấy tiêu xài hoang phí hết. Ngoài giờ học chính khoá ở trường em không được phép đi đâu, kể cả học nhóm.

Sau buổi học ở trường về em lầm lũi một mình. Bữa đói, bữa no với cơm chan nước mắt.

“Những lúc buồn, chán muốn nói chuyện cũng không biết nói với ai, hoàn cảnh em vậy nên không có bạn nào dám chơi thân với em” – em nghẹn ngào chia sẻ với tôi.

Tôi không biết giúp được gì cho em, chỉ khuyên em cố gắng học, chỉ còn năm học này, thêm một năm nữa, cố gắng vào đại học mới có thể thay đổi cuộc sống. Em bảo chắc là em không học nổi nữa vì đầu óc giờ không còn có thể nhớ nổi điều gì.

Có lần đau đầu quá em tự đến bác sĩ khám, mua thuốc uống nhưng em bảo uống thuốc cũng chẳng thấy tác dụng gì.

Tôi dúi cho em ít tiền tiêu vặt. Em ngần ngại. Cô bé đi cùng tôi dắt tay em ra ngoài lúi húi giúp em giấu tiền. Em cúi mặt khổ sở như người có lỗi. Vì nếu không như vậy, số tiền đó vào tay mẹ sẽ bị xài hoang, không thì cũng bị đứa em tra khảo lấy hết để đi chơi game.

Tôi không phải là cô giáo của em, cũng không sống gần nơi em ở. Cảm giác như có lỗi vì không giúp được gì cho em. Nên bài viết này tôi muốn gửi một thông điệp đến những người bạn của em, những thầy, cô giáo nơi em đang theo học rằng có một cô trò nhỏ rất đáng thương đang cô độc giữa gia đình, giữa một tập thể bạn bè, trường lớp.

Em đang rất cần một vòng tay nâng đỡ, một chỗ dựa tinh thần và nhất là những người bạn để em có thể chia sẻ, chuyện trò.

 

Vượt khó trong học tập

Cô Nguyễn Thị Ngọc Năm, phó hiệu trưởng Trường THPT Tân Phước Khánh, cho biết Nga là một học sinh hiền lành, ngoan ngoãn, được bạn bè và thầy cô quý mến. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Nga luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Nhà trường đã miễn giảm học phí, tiền đóng góp mỗi năm cho em.

Ngoài ra, mỗi khi có chương trình học bổng do các tổ chức, hội khuyến học tài trợ nhà trường đều trao tặng em một suất để động viên em tiếp tục học tập.

“Thời gian gần đây do hoàn cảnh gia đình nên tình hình học tập của em trên trường nhiều khi không ổn định, nhưng chúng tôi biết em Nga vẫn là một học sinh rất giỏi, chỉ mong em vượt qua được sự mặc cảm từ gia đình” – cô Năm tâm sự.

XUÂN AN