27/11/2024

Giải đáp phụng vụ: Ưu tiên trong các Kinh Chiều

Hỏi: Tôi là một người Dòng Ba Cát-Minh OCDS, phụ trách phụng vụ cho cộng đoàn của tôi. Tôi cần cha giúp làm sáng tỏ về Kinh Chiều trong cộng đoàn.

 


Giải đáp phụng vụ: Ưu tiên trong các Kinh Chiều

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. 

Hỏi: Tôi là một người Dòng Ba Cát-Minh OCDS, phụ trách phụng vụ cho cộng đoàn của tôi. Tôi cần cha giúp làm sáng tỏ về Kinh Chiều trong cộng đoàn. Khi lễ Thánh Têrêsa thành Avila hay Thánh Gioan Thánh Giá rơi vào ngày thứ Hai, thì trong Kinh chiều Chúa Nhật, liệu chúng tôi đọc kinh chiều 2 của ngày Chúa Nhật hay đọc Kinh Chiều 1 của lễ thánh Dòng chúng tôi? Cộng đoàn chúng tôi lấy bổn mạng là thánh Giuse. Vấn đề như thế cũng xảy ra cho ngày lễ của Ngài. Ngoài ra, giáo xứ của tôi có thánh bổn mạng là lễ Nữ Vương các thánh Nam Nữ. Trong Kinh Chiều ngày 21-8, liệu chúng tôi đọc Kinh Chiều cho thánh Giáo hoàng Piô X, hay đọc Kinh Chiều 1 cho lễ Nữ Vương các thánh Nam Nữ mừng ngày 22-8? Thưa cha, chúng tôi muốn đọc các Giờ Kinh Phụng Vụ cho đúng, và cũng để huấn luyện cho các thỉnh sinh dòng Cát-Minh nữa. – C. F., Ville Platte, bang Louisiana, Mỹ.


Đáp: Câu trả lời cho câu hỏi này tùy thuộc vào bậc của lễ mừng trong lịch phụng vụ của gia đình Cát-Minh.

Điều này là chưa rõ ràng, vì một số lịch của Cát-Minh ghi bậc của lễ của Thánh Têrêsa Avila và Thánh Gioan Thánh Giá là lễ trọng, trong khi các lịch khác lại ghi là lễ kính.

Cũng có thể có sự khác biệt giữa các Dòng khác nhau của Cát-Minh, khi một lễ là lễ trọng cho các cộng đoàn đan sĩ và Dòng kín, nhưng lại là lễ kính cho Dòng Ba Cát-Minh.

Lịch phổ quát có các quy định sau đây cho các sự trùng hợp như vậy trong Dẫn nhập cho Các Giờ Kinh Phụng Vụ:

“59. Ưu tiên trong các ngày phụng vụ liên quan đến việc cử hành chỉ được ấn định bởi Bảng các Ngày Phụng vụ dưới đây.

“60. Nếu nhiều lễ rơi vào cùng một ngày, lễ nào có bậc cao nhất trong Bảng các Ngày Phụng vụ được tuân giữ. Nhưng một lễ trọng, khi bị cản trở bởi một ngày phụng vụ được ưu tiên hơn, được chuyển sang ngày gần nhất không được liệt kê trong các số 1-8 trong bảng thứ tự ưu tiên; luật của số 5 vẫn còn hiệu lực. Các lễ khác được bỏ qua trong năm đó.

“61. Nếu trong cùng một ngày, có việc đọc Kinh Chiều của ngày lễ hôm ấy và Kinh Chiều 1 của ngày hôm sau, Kinh Chiều của ngày lễ với bậc cao hơn trong Bảng các Ngày Phụng vụ sẽ được ưu tiên; trong trường hợp hai ngày có cùng bậc ngang nhau, Kinh Chiều của ngày hôm ấy sẽ được ưu tiên”.

Chúng tôi xin trích dẫn một vài số trong Bảng các Ngày Phụng vụ có liên quan đến câu trả lời của chúng tôi như sau:

“2. Lễ Giáng sinh, Lễ Chúa Hiển Linh. Lễ Thăng Thiên và Lễ Hiện Xuống. Các Chúa Nhật của Mùa Vọng, Mùa Chay và mùa Phục Sinh.

“3. Lễ trọng của Chúa, Đức Trinh Nữ Maria, và các vị thánh được liệt kê trong lịch chung. 

“4. Các Lễ trọng riêng, cụ thể là:

“a. Lễ trọng thánh bổn mạng của khu vực, nghĩa là thành phố hoặc quốc gia.

“b. Lễ trọng cung hiến của một nhà thờ đặc biệt và kỷ niệm cung hiến nhà thờ ấy.

“c. Lễ trọng tước hiệu, hoặc vị sáng lập, hoặc thánh bổn mạng của một Dòng tu hay Tu hội.

“5. Lễ kính Chúa trong lịch chung.

“6. Các Chúa Nhật của mùa Giáng sinh và các Chúa Nhật mùa thường niên.

“7. Lễ kính Đức Trinh Nữ Maria và các thánh trong lịch chung.

“8. Lễ kính riêng, cụ thể là:

“a. Lễ kính thánh bổn mạng của giáo phận.

“b. Lễ kính kỷ niệm cung hiến nhà thờ chính tòa.

“c. Lễ kính vị thánh bổn mạng chính của một vùng hoặc tỉnh, hoặc một lãnh thổ, hoặc một khu vực rộng lớn hơn.

“d. Lễ kính tước hiệu, vị sáng lập, hoặc thánh bổn mạng chính của một Dòng tu hoặc một Tỉnh Dòng, mà không ảnh hưởng đến các chỉ dẫn trong số 4.

“e. Các lễ kính khác riêng cho một nhà thờ.

“f. Các lễ kính khác được liệt kê trong lịch của một giáo phận hoặc của một Dòng tu hay tu hội.

“9. Các ngày trong tuần của Mùa Vọng từ 17-12 đến 24-12, và cả tuần Bát nhật Giáng Sinh. Các ngày trong tuần của Mùa Chay”.

Vì vậy, nếu một lễ của Dòng tu, chẳng hạn lễ thánh Gioan Thánh Giá (ngày 14-12), có bậc lễ trọng, nó vẫn ở bậc lễ thấp hơn một Chúa Nhật của Mùa Vọng, như xảy ra trong năm nay (2014); nếu nó rơi vào ngày Chúa Nhật, nó được dời qua ngày thứ Hai kế đó.

Các nguyên tắc chung có nghĩa rằng Kinh chiều của ngày Chúa Nhật sẽ là Kinh chiều của Chúa Nhật mùa Vọng, vì nó có bậc cao hơn.

Tuy nhiên, như một số (nhưng không phải tất cả) lịch Cát-Minh mà tôi đã xem xét cho thấy, việc đọc Kinh Chiều 1 của lễ thánh Gioan Thánh Giá giả định rằng điều này là do một đặc quyền riêng hoặc chung, được ban cho Dòng, để dành ưu tiên cho việc mừng lễ riêng.

Ở nơi nào lịch Cát-Minh xếp lễ thánh Gioan Thánh Giá như là một lễ kính thay vì lễ trọng, người ta không đọc Kinh Chiều 1 của lễ này, bởi vì lễ của Chúa có Kinh Chiều 1, và Kinh chiều ấy chỉ được sử dụng khi nó là ưu tiên hơn một Chúa Nhật mùa Thường niên.

Các ngày lễ, như lễ thánh Gioan Thánh Giá, không được chuyển qua ngày khác, nhưng là được bỏ qua trong năm ấy.

Vì vậy, người đặt câu hỏi trên đây nên kiểm tra thứ hạng của các ngày lễ, theo lịch Cát-Minh của đất nước, và tuân theo các quy tắc chung của sự ưu tiên. 

Trong một số trường hợp, có thể có quy định riêng liên quan đến việc dời ngày lễ, do Hội đồng Giám mục công bố, và các qui định này cũng cần được cứu xét. (Zenit.org 25-11-2014)

Nguyễn Trọng Đa