Nhớ thùng mì ấm áp ngày 20-11
Mười hai năm trôi qua tôi vẫn luôn nhớ về em, hình ảnh tự vươn lên trong học tập của em cứ theo chân tôi hết giảng đường này đến giảng đường khác.
Nhớ thùng mì ấm áp ngày 20-11
Mười hai năm trôi qua tôi vẫn luôn nhớ về em, hình ảnh tự vươn lên trong học tập của em cứ theo chân tôi hết giảng đường này đến giảng đường khác.
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Tôi thường khuyên học trò của mình hãy học và sống như em.
Từ miền Trung cát trắng xa xôi một mình em lặn lội vào TP.HCM mưu sinh. Không người thân họ hàng, em phải ở nhà trọ và xin vào làm hãng mì để sống qua ngày và mong được đi học.
Tôi gặp em sau ca dạy từ 18g-20g, em xin học luyện thi khối A vào một trường cao đẳng và chỉ học một mình. Tôi từ chối.
Lần thứ hai em đến vẫn nguyện vọng cũ, có điều giờ học phải là sau giờ tan ca 20g30 theo ý của em.
Nhìn thân hình đen đúa, đầu tóc bù xù của em, tay chân chai sần, có lẽ em đã dạn dày sương gió, tôi cũng chưa biết sức học của em thế nào, nửa muốn dạy nửa muốn không. Lúc này mẹ tôi mới nói thêm vô: “Dạy người ta làm phước đi con”. Tôi nhận em vào học.
Thật ra mà nói dạy em từ 20g30 – 22g quả là mệt mỏi, tẻ nhạt và thiếu sự cuốn hút. May mắn thay em học rất chăm, mau tiếp thu, bài tập về nhà đều hoàn thành, làm tôi có cảm tình với em dần dần.
Em đi bộ đến xưởng làm, rồi lại đi bộ đến nhà tôi học, vẫn một mình lững thững bước về nhà trọ trên con đường dài.
Em thiếu tiền mua sách để học, chỉ học sách photo của tôi cho thôi. Em thiếu ăn, thiếu uống, thiếu cả quần áo để mặc, người em càng xanh xao và hốc hác, chỉ có ý chí vươn lên là mãnh liệt. Để giúp em, hằng tháng tôi chỉ lấy của em một nửa học phí mà thôi.
Hai tháng học trôi qua, ngày nhà giáo VN đã đến.
Ngày ấy tôi được rất nhiều quà cáp từ học trò cũ cũng như học trò mới, có em mang đến cho tôi từng lẵng hoa to đùng, từng giỏ trái cây hái từ vườn nhà của mình thật là ý nghĩa.
Trong cả ngày ấy, tôi tưởng chừng em không đến chúc mừng tôi. Nhưng không, 8g tối hôm ấy em đến và nói: “Hôm nay em không có gì để tặng thầy cả, công ty mới cho em thùng mì, em biếu thầy, thầy nhận cho em vui”.
Nhận thùng mì gói trên tay em giá trị không cao nhưng giá trị tinh thần, giá trị về lòng tôn sư trọng đạo của em thật là sâu sắc.
Thú thật tôi đã nghẹn lời và rưng rưng nước mắt, bởi lẽ tôi biết em quá khổ với đồng lương 600.000 đồng/tháng, đóng học phí học luyện thi 300.000 đồng, nhà trọ 100.000 đồng, tiền ăn, điện nước, sinh hoạt…
Tôi thiết nghĩ mình nhận thùng mì là đã lấy đi phần ăn của em rồi. Tôi từ chối. Em kiên quyết để thùng mì lại.
Em vẫn đi bộ đến học tôi đều đặn. Thấm thoắt ngày thi tuyển sinh cũng đến. Sáng mai là ngày thi, 8g tối hôm nay em đến nói với tôi trong nước mắt: “Thầy à, em vò rách nát từng mảnh giấy báo dự thi rồi, mai em không đi thi đâu thầy”.
Tôi hỏi: “Tại sao lại rách?”. Em đáp: “Em bỏ giấy ấy trong túi quần, vì em chỉ có duy nhất một cái quần tây nên phải giặt để sáng mai có quần mặc đi thi”.
Nghe đến đây tôi thương em vô cùng. Công lao em bỏ ra quá nhiều cho việc học, không thi được kỳ này em sẽ mất niềm tin trong học tập. Tôi hỏi em: “Những mảnh giấy báo thi rách đó ở đâu rồi?”. Em nói: “Em bỏ sọt rác luôn rồi”.
Tôi nói: “Em về lượm lại những mảnh rách đó đem đến cho thầy, sáng mai thầy sẽ đến trường xin cho em dự thi”.
Và đúng như vậy, tôi đã xin hội đồng cho em được dự thi vào Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM. Ngày em báo tin đã đỗ vào ngành điện tử của trường, tôi chúc mừng và động viên em cố gắng hết mình trong học tập.
Hằng ngày tôi vẫn thấy em đạp xe cọc cạch từ Hóc Môn đến Tân Bình để học. Tôi cũng vui lây và vô cùng tự hào về người học trò của mình.
Em học đến năm thứ hai. Một lần trên đường đi học về em đã bị một người say rượu chạy xe gắn máy đụng từ phía sau. Em đã ra đi mãi mãi. Trong khi tôi đang dõi theo sự thành công của em thì em đã vĩnh viễn về quê.
Tôi tiếc cho em, một con người ham học, cầu tiến, quyết vượt lên khó khăn để thay đổi hình ảnh của mình…