Nguy cơ từ “sói cô độc”
Trong hai ngày liên tiếp nước Pháp hứng chịu hai vụ tấn công theo kiểu “sói cô độc” nhắm vào cảnh sát và người dân khiến ít nhất 14 người bị thương.
Nguy cơ từ “sói cô độc”
Trong hai ngày liên tiếp nước Pháp hứng chịu hai vụ tấn công theo kiểu “sói cô độc” nhắm vào cảnh sát và người dân khiến ít nhất 14 người bị thương.
Cảnh sát thu thập chứng cứ tại hiện trường vụ tấn công ở Dijon – Ảnh: AFP |
Hai vụ tấn công ở Pháp diễn ra trong thời điểm chính phủ các nước phương Tây đang báo động nguy cơ tấn công khủng bố theo kiểu “sói cô độc”, nghĩa là một kẻ cực đoan tự mình hành động.
Siết chặt an ninh
Không nên phản ứng thái quá Các chuyên gia cho rằng chính phủ các nước bị “sói cô độc” tấn công không nên phản ứng thái quá. ”Phản ứng của Úc sau vụ tấn công ở Sydney là rất mẫu mực. Họ không kêu gọi gửi thêm quân đến Iraq và không tỏ thái độ thù địch với Hồi giáo. Vì vậy, vụ tấn công dù là thảm kịch quốc gia đối với Úc nhưng vô nghĩa về chiến lược đối với bọn khủng bố” – chuyên gia Steven Metz thuộc Viện nghiên cứu chiến lược Đại học Lục quân Mỹ bình luận. |
Theo Hãng tin AFP, hôm qua một tài xế bất ngờ lao xe vào khách bộ hành tại thành phố Dijon miền đông nước Pháp. Khi đó người này vừa hét váng lên “Thánh Allah vĩ đại” (câu cửa miệng của người Hồi giáo) vừa lao xe như điên nhắm vào người đi đường tại nhiều địa điểm thành phố trong hơn 30 phút.
Ít nhất 11 người đã bị đâm trúng trước khi người này bị bắt. Hai trong số các nạn nhân bị thương rất nặng.
Cảnh sát Pháp chưa công bố động cơ gây án của nghi can. Tuy nhiên một số nhân chứng khẳng định trước khi bị bắt, người này hét lên rằng mình “hành động vì trẻ em Palestine”. Nhà chức trách nhận định nghi can có lập kế hoạch tấn công và đã thám thính các địa điểm gây án từ trước đó. Ðây là vụ tấn công thứ hai liên tiếp ở Pháp trong hai ngày qua.
Trong một diễn biến khác, hôm 20-12 (giờ Pháp), một thanh niên theo đạo Hồi bị bắn chết ở thị trấn Joue-les-Tours khi dùng dao đâm bị thương ba cảnh sát.
Khi đó hắn cũng hét: “Thánh Allah vĩ đại”. Bộ Nội vụ Pháp tiết lộ hung thủ Bertrand Nzohabonayo có anh trai là một kẻ cực đoan, từng tính sang Syria đầu quân cho nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Gã anh trai cũng từng đăng ảnh cờ đen của IS trên Facebook vài ngày trước khi Nzohabonayo tấn công cảnh sát.
Văn phòng công tố xác định vụ tài xế lao xe vào khách bộ hành không phải là hành động khủng bố. Ở thời điểm này, nhà chức trách Pháp đã tăng cường an ninh nghiêm ngặt tại các đồn cảnh sát, sở cứu hoả, trại lính… để ngăn chặn các vụ tấn công tương tự. Tổng thống François Hollande kêu gọi người dân cẩn trọng tối đa.
Pháp là quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo đông nhất châu Âu. Khoảng 1.200 người Pháp đang tham gia các tổ chức cực đoan như IS ở Iraq và Syria. Mối lo ngại lớn nhất là những kẻ cực đoan này trở về nước và tấn công khủng bố. IS từng nhiều lần kêu gọi tấn công nước Pháp.
Tuần trước, nhà chức trách Pháp mở chiến dịch truy quét khủng bố, bắt giữ 10 nghi can thuộc mạng lưới chuyên tuyển quân cho IS và đưa sang Syria.
Năm của sói
Cùng với sự trỗi dậy của IS, hàng loạt vụ tấn công “sói cô độc” đã xảy ra ở nhiều nước. Mới tuần trước, một giáo sĩ người gốc Iran đã bắt giữ 17 con tin trong một quán cà phê ở trung tâm thành phố Sydney (Úc). Hai con tin đã thiệt mạng khi cảnh sát xông vào quán cà phê giải cứu.
Cuối tháng 10-2014, hung thủ Zale Thompson theo đạo Hồi bị bắn chết sau khi dùng rìu tấn công cảnh sát ở New York (Mỹ). Tay súng người Canada Michael Zehaf-Bibeau táo tợn tấn công toà nhà quốc hội ở Ottawa sau khi bắn chết một lính gác tại đài tưởng niệm chiến tranh gần đó.
Trước đó hai ngày, một kẻ tên Martin Couture-Rouleau đâm xe vào hai binh sĩ ở Montreal làm một người thiệt mạng.
Tại châu Âu, một “sói cô độc” bắn chết bốn người tại một đền thờ Hồi giáo ở Bỉ vào tháng 5-2014. Nhà chức trách Brussels xác định hung thủ từng tham gia huấn luyện và chiến đấu cùng lực lượng cực đoan ở Syria.
Cũng trong tháng 5 đã xảy ra hai vụ tấn công kinh hoàng bằng dao nhắm vào binh sĩ và cảnh sát ở Anh và Pháp. Các vụ khủng bố ở phương Tây trước đây như vụ đánh bom Madrid (Tây Ban Nha) năm 2004 đòi hỏi sự tham gia của nhiều người, có kế hoạch cụ thể.
Các “sói cô độc” hành động đơn lẻ, bộc phát và nhắm vào các mục tiêu ngẫu nhiên, do vậy rất khó đối phó. Sự trỗi dậy của “sói cô độc” khiến các nước phương Tây đau đầu. “Các định nghĩa về khủng bố đang thay đổi. Các định nghĩa từng được chấp nhận trước đó đang phai mờ nhanh chóng” – báo Haaretz bình luận.
Hồi tháng 9-2014, IS tung video kêu gọi tiêu diệt “những kẻ vô đạo” trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước trong liên minh chống IS. Giới phân tích cho rằng không nguồn lực tình báo nào có thể dự đoán chính xác cá nhân nào sẽ trở thành khủng bố. Chuyên gia chống khủng bố Magnus Ranstorp cho rằng cách tốt nhất là tập trung phản ứng nhanh khi các vụ tấn công xảy ra.