10/01/2025

Thực phẩm an toàn vô chợ ra sao?

Khách hàng và tiểu thương đều hưởng lợi khi cơ quan chức năng triển khai mô hình chợ an toàn thực phẩm.

 

Thực phẩm an toàn vô chợ ra sao?

 

Khách hàng và tiểu thương đều hưởng lợi khi cơ quan chức năng triển khai mô hình chợ an toàn thực phẩm.


 


Người dân mua thịt heo tại cửa hàng thịt heo Vissan được bày bán ở chợ Bến Thành, Q.1 sáng 8-12 - Ảnh: Thanh Tùng
Người dân mua thịt heo tại cửa hàng thịt heo Vissan được bày bán ở chợ Bến Thành, Q.1 sáng 8-12 – Ảnh: Thanh Tùng

Sau khi một số siêu thị đồng loạt đưa vào hoạt động các điểm bán rau và thịt heo VietGAP, Sở Công thương TP.HCM cũng quyết định chọn chợ đầu mối Hóc Môn và chợ Bến Thành (Q.1) thí điểm triển khai mô hình chợ an toàn thực phẩm.

Dù chợ bán thực phẩm an toàn vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai thí điểm, nhưng nhiều tiểu thương rất hào hứng ủng hộ.

Khách hàng và tiểu thương đều hưởng lợi

Ghi nhận tại chợ đầu mối Hóc Môn, thịt heo đã được giết mổ trước đó, sau đó vận chuyển tới chợ để pha lóc và bán cho tiểu thương các chợ lẻ. Các khâu chế biến tại chợ khá sạch và kiểm tra đầu vào cũng được thực hiện trước khi đem bán.

“Tôi không biết chỗ khác sao chứ dưới chợ này, hàng nhập vào chợ là phải có dấu kiểm dịch rồi mới được đem ra pha lóc, bán cho tiểu thương chợ lẻ” – tiểu thương tên Sơn, chợ thịt heo đầu mối Hóc Môn, cho hay.

Với nhiều tiểu thương, việc áp dụng mô hình chuỗi thực phẩm an toàn tại chợ đem lại nhiều lợi ích.

“Hồi nào giờ nhiều khách lấy sỉ, chưa sờ miếng thịt heo đã sợ siêu nạc, tôi nói bằng cách nào họ cũng bỏ đi, không tin. Bây giờ mà hàng rõ ràng nguồn gốc nuôi ở đâu, kiểm dịch ra sao thì tốt cho tụi tui chứ có sao đâu” – chị Hoàn, tiểu thương chợ Hóc Môn, chia 
sẻ thêm.

Tại nhiều chợ khác, dù chưa có thông tin về áp dụng thí điểm chợ kinh doanh thực phẩm an toàn, các tiểu thương đều rất ủng hộ mô hình kinh doanh này. “Xung quanh chợ, nhất là vào giờ chiều, thịt heo được bày bán rất nhiều nhưng chất lượng ra sao thì chị cũng không biết.

Trong khi hàng trong chợ, nhập từ chợ đầu mối về đều phải có dấu kiểm dịch mới dám bày bán” – chị Trường, tiểu thương chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), nói.

Trước thông tin chợ Bến Thành sẽ là nơi thí điểm cho mô hình chuỗi thực phẩm an toàn, bà Từ Thị Muối – tiểu thương bán thịt hơn 30 năm tại chợ này, hào hứng cho rằng không chỉ người tiêu dùng mà cả tiểu thương cũng kỳ vọng sớm triển khai mô hình này.

“Khách đến mua thịt ở sạp của tôi rất yên tâm về nguồn hàng tôi bán. Vì để bán được thịt ở chợ này phải có dấu kiểm dịch, dấu thú y đóng mộc mới được bán. Mình mua nguồn hàng nào mà có thông tin rõ ràng, cụ thể thì tốt hơn loại mù mờ, không rõ chứ” – bà Muối nói.

Chị Tâm (tiểu thương sạp 1212 ở chợ Bến Thành) cũng nói nếu mô hình chuỗi thực phẩm an toàn được áp dụng tại chợ thì quá tốt.

Thực tế cũng cho thấy do đặc điểm là chợ “sang”, giá cao nên nguồn thực phẩm tại đây luôn ngon lành, bắt mắt không chỉ với người mua, “mà người bán khi lấy hàng về cũng chọn kỹ lắm”.

Sẽ truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Trong khi đó, tiểu thương quầy rau củ quả Phượng Nhi tại chợ này cho biết nguồn hàng mà chị kinh doanh lâu nay tại chợ được mua lại từ chợ Bà Chiểu.

“Bạn hàng của tôi lấy hàng từ chợ đầu mối nông sản Hóc Môn. Tôi đến chợ Bà Chiểu lấy lại hàng lúc 2g sáng mỗi ngày rồi đưa về chợ này bán. Tôi biết rõ nguồn hàng tôi đang mua là đều do nông dân các tỉnh trồng rồi đưa về thành phố bán nên cũng yên tâm” – chị Nhi chia sẻ.

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng rau củ quả tại chợ Bến Thành cũng cho rằng không chỉ người tiêu dùng mới mong muốn được mua sản phẩm sạch, mà cả người bán cũng có nhu cầu đó.

Vì với tình trạng không kiểm soát rõ nguồn gốc thực phẩm hiện nay, việc người tiêu dùng phải “tiêu hóa” sản phẩm kém chất lượng, thực phẩm bẩn hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ là điều khó tránh khỏi nếu không có sự kiểm soát mạnh tay từ các cơ quan 
chức năng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa – phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, việc chọn thí điểm mô hình chuỗi thực phẩm an toàn tại chợ đầu mối Hóc Môn và chợ Bến Thành không nằm ngoài mục tiêu đưa được sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng một cách trực tiếp.

Tuy nhiên, do là thí điểm nên trước mắt chỉ chọn mặt hàng thịt và rau củ quả để áp dụng, từ đó dễ dàng thực hiện quá trình truy xuất nguồn gốc trong khâu kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm từ đầu nguồn.

Phân biệt thịt không có chất tạo nạc?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Hồng Thắm – giám đốc Công ty TNHH An Hạ (TP.HCM) – cho hay đầu tháng 10-2015, đơn vị này đã khai trương quầy bán thịt heo đạt chuẩn VietGAP đầu tiên tại chợ Hoà Bình (Q.5).

Đây là các sản phẩm mà công ty đã bao tiêu mua heo từ các hộ sản xuất đạt chuẩn VietGAP tại TP.HCM. Công ty đã dành riêng cả một khu giết mổ heo để phân biệt rõ heo VietGAP và heo thường khi đưa sản phẩm thịt ra thị trường.

Bước đầu, phản ứng của người tiêu dùng rất tích cực, nhiều khách hàng ở xa cũng đến tận chợ để mua. Cũng theo bà Thắm, việc nhận biết thịt heo VietGAP với heo thường là không đơn giản.

Cũng là heo VietGAP nhưng do chế độ cho ăn khác nhau nên có trường hợp thịt heo này màu nhạt hơn thịt heo kia. Về cảm quan, người tiêu dùng có thể phân biệt thịt heo không sử dụng chất tạo nạc thì có màu đỏ nhẹ hơn các loại thịt heo dùng chất tạo nạc.

TRẦN MẠNH

 


D.TUẤN – T.V.NGHI ([email protected])