Châu Âu tranh luận về vấn đề tiếp nhận người tị nạn sau vụ tấn công khủng bố ở Paris – Ảnh: Reuters
 
Các vụ đánh bom và xả súng đêm 13.11 tại Paris đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 129 người và làm 352 người bị thương. Cuộc điều tra đã mở rộng ra ngoài biên giới Pháp với những manh mối và nghi phạm ở nước láng giềng Bỉ. Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 16.11 cho rằng các cuộc tấn công được lên kế hoạch ở Syria, tổ chức và chuẩn bị ở Bỉ và được sự giúp sức của một số người trong lòng nước Pháp.
Trong quá trình điều tra, ngay gần thi thể một tay súng, cảnh sát phát hiện một cuốn hộ chiếu của một người Syria đăng ký nhập cư ở Hy Lạp và xin tị nạn ở Serbia. Mặc dù chưa thể xác định cuốn hộ chiếu này có liên quan gì tới những kẻ tiến hành các vụ tấn công khủng bố ở Paris hay không, nhưng điều này đã dấy lên lo ngại về việc các phần tử khủng bố lợi dụng khủng hoảng di cư để tới châu Âu và thực hiện âm mưu tấn công của mình.
Nỗi lo ngại về an ninh
Khủng hoảng nhập cư châu Âu và nỗi lo hậu khủng bố Paris - ảnh 1

 Lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp, bà Marine Le Pen, đã kêu gọi “chấm dứt khẩn cấp” việc tiếp nhận người nhập cư vào Pháp - Ảnh: Reuters

Vụ khủng bố đẫm máu ngày 13.11 đang tạo sức ép lên cuộc khủng hoảng người nhập cư của châu Âu. Tờ The Wall Street Journal bình luận đêm ác mộng tại Paris đã bẻ hướng cuộc tranh luận về chính sách người nhập cư thành một cuộc tranh luận về an ninh quốc gia tại châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới.
Nhiều chính trị gia đã lên tiếng đòi đóng cửa biên giới, từ chối tiếp nhận người nhập cư. Lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp, bà Marine Le Pen ngày 14.11 kêu gọi “chấm dứt khẩn cấp” việc tiếp nhận người nhập cư vào Pháp. “Không có biên giới, sẽ không thể nào bảo vệ quốc gia và đảm bảo an ninh”, Foreign Policy dẫn lời bà Le Pen.
Phong trào phản đối tiếp nhận người nhập cư cũng bùng lên tại Đức, quốc gia giữ “lá cờ đầu” ủng hộ tiếp nhận người nhập cư. Một cuộc biểu tình của phong trào Người châu Âu yêu nước chống Hồi giáo hoá (PEGIDA) tại Dresden, miền đông nước Đức hôm 16.11 thu hút sự tham gia của hơn 25.000 người. Đây là số lượng người tham gia biểu tình đông nhất của PEGIDA kể từ sau vụ thảm sát ở toà soạn Charlie Hebdo đầu năm 2015.
Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas cũng cảnh báo có thể tổ chức IS đang tìm cách cực đoan hóa vấn đề người nhập cư tại châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bị chính những đồng minh chính trị của mình chỉ trích vì chính sách nhập cư hiện nay. Chỉ vài ngày sau loạt tấn công tại Paris, Bộ trưởng Tài chính vùng Bavaria, ông Markus Soeder, một thành viên đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU), đã nói rằng chính sách mở cửa đối với người nhập cư của bà Merkel là một sai lầm, theo trang tin International Business Times ngày 16.11.
Tại các nước châu Âu khác, các chính trị gia phản đối tiếp nhận người nhập cư cũng lên tiếng. Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban cho rằng “khủng bố đã lợi dụng cuộc khủng hoảng nhập cư và trà trộn vào dòng người xa xứ đi tìm cuộc sống mới”. Ông Konrad Szymanski, người sắp được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Các vấn đề Châu Âu của Ba Lan, cho biết nước này không xem kế hoạch tái phân bổ người nhập cư trên toàn châu Âu của EU là “khả thi về mặt chính trị”, đặc biêt sau vụ khủng bố ở Paris hôm 13.11.
Không những tại châu Âu, ở bờ bên kia bờ Đại Tây Dương, các chính trị gia Mỹ cũng đang tạo sức ép ngăn cản chương trình tái định cư cho người tị nạn vào Mỹ. Có 23 thống đốc bang tuyên bố sẽ tìm cách ngăn người tị nạn từ Syria định cư ở bang của họ, trong đó 10 bang từ chối tiếp nhận người nhập cư Syria.
Thống đốc bang Wisconsin, ông Scott Walker cảnh báo: “Sẽ có những người cố lợi dụng lòng tốt của chúng ta và khả năng đi lại tự do giữa các bang thông qua chương trình tái định cư này. Và cần phải đảm bảo rằng chúng ta đang làm mọi việc có thể để bảo vệ an ninh của người Mỹ”.
Sức ép thay đổi chính sách
Khủng hoảng nhập cư châu Âu và nỗi lo hậu khủng bố Paris - ảnh 2

Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai - Ảnh: Reuters

Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai. Mỗi ngày có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người ở Trung Đông và Bắc Phi tới châu Âu để tìm kiếm chỗ trú chân, nhằm trốn khỏi đói nghèo và các cuộc xung đột ở quê nhà. Trước áp lực của dư luận quốc tế nhằm san sẻ gánh nặng nhập cư, các nước châu Âu cũng như Mỹ đều đưa ra chính sách tiếp nhận số lượng không nhỏ những người di cư từ Trung Đông, Bắc Phi.
Tiếp nhận người nhập cư, người tị nạn mang lại không ít gánh nặng về việc làm, an sinh xã hội và đặc biệt là vấn đề an ninh. Theo công bố của Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), ước tính trong năm 2015 sẽ có khoảng 700.000 người nhập cư  vào châu Âu qua biển Địa Trung Hải, và con số này có thể còn tăng hơn trong năm 2016.
Trước hết về mặt kinh tế, các nước châu Âu sẽ phải bỏ ra khoản ngân sách không nhỏ để tiếp nhận những người nhập cư, tị nạn, bao gồm việc xây dựng các trung tâm tị nạn, các khoản hỗ trợ về phúc lợi, chưa kể chi phí phục vụ cứu hộ cứu nạn trên biển đối với những người bất chấp hiểm nguy vượt Địa Trung Hải sang miền đất hứa châu Âu.
Bên cạnh đó, sức ép về mặt xã hội như vấn đề việc làm, y tế, giáo dục, giao thông cũng sẽ trở thành gánh nặng đối với các nước châu Âu, khi nỗi lo về tỉ lệ thất nghiệp trong cộng đồng người nhập cư ở châu Âu vẫn luôn thường trực.
Một trong những vấn nạn đáng lo ngại nữa là vấn đề nhập cư lậu. Con đường đến với châu Âu trước đây có thể là vượt Địa Trung Hải hoặc từ Thổ Nhĩ Kỳ vượt biển hay vượt sông sang Hy Lạp, sau đó băng qua khu vực Balkan để đến Tây Âu. Cả hai con đường này đều có thể trở thành đường đi của những người nhập cư lậu, và trong tình hình hiện nay, các nước châu Âu càng trở tay không kịp.
Với làn sóng di cư quá lớn, giới chức châu Âu ngày càng khó khăn trong việc kiểm soát người nhập cư và người tị nạn từ Trung Đông, Bắc Phi. Giới quan sát cũng như nhiều chính trị gia thời gian qua đã tỏ ra lo ngại về các mối nguy hại an ninh; đặc biệt khi rất nhiều người tị nạn, nhập cư đến từ Syria, nơi đang là vùng chiến sự có sự kiểm soát của tổ chức cực đoan IS.
Có thể nói, sức ép từ cuộc khủng hoảng di cư đã làm châu Âu đứng ngồi không yên trong thời gian qua. Và sau vụ khủng bố tại Paris ngày 13.11, vấn đề này lại càng trở nên nghiêm trọng; và rất có thể các nước này sẽ suy nghĩ lại về chính sách của mình để ứng phó với làn sóng nhập cư từ Trung Đông, Bắc Phi, trong nỗi lo mới.

Ngọc Mai