29/11/2024

Nới hết room cho nhà đầu tư ngoại ở Vinamilk

Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk) vừa kiến nghị nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room) lên 100% tại Vinamilk, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trên thị trường.

 

Nới hết room cho nhà đầu tư ngoại ở Vinamilk

 

 

Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk) vừa kiến nghị nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room) lên 100% tại Vinamilk, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trên thị trường.




Ảnh: Ngọc ThắngẢnh: Ngọc Thắng
Bán dễ mà khó
Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk) vừa kiến nghị 4 điểm trình Thủ tướng và Uỷ ban Kinh tế Quốc hội trong đó gây chú ý là nên cho phép nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, do ngành sữa không phải là ngành nghề nhạy cảm, không ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Mặt khác, mở cửa là xu hướng chung của thế giới và khu vực.
Thông tin này làm nức lòng các nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi Vinamilk vẫn được coi là “con bò sữa tỉ đô” hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua. Hiện Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm giữ 45,1% cổ phần tại Vinamilk, trị giá trên 55.000 tỉ đồng, tính theo giá đóng cửa ngày 4.11.2015. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng, SCIC bán dễ mà cũng khó bán Vinamilk.
Dễ bán vì Vinamilk là một thương hiệu lớn, thị phần hàng đầu thị trường sữa, thanh khoản cao, nhà đầu tư nào cũng muốn nắm cổ phiếu “con bò sữa tỉ đô” trong tay. Khó là bởi bán vốn Vinamilk không đơn giản như bán một chiếc xe máy. Để mua lượng vốn tương đương 3 tỉ USD này, đòi hỏi phải là những công ty lớn cùng ngành, những tập đoàn hoặc những quỹ đầu tư nước ngoài quy mô lớn có tiềm lực, có mối quan tâm về ngành hàng tiêu dùng, ngành sữa. Việc chia nhỏ số lượng cổ phần bán tối thiểu mỗi đợt 10% vốn điều lệ như Vinamilk đề xuất cũng là một thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia hơn.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư lưu ý rằng, việc nới hết room cho nhà đầu tư nước ngoài hay giới hạn 49% cần một phương án tổng thể. Bởi vấn đề không chỉ là về giá, mà còn là bán cho ai, bán như thế nào, với cam kết hỗ trợ cho phát triển sau đó mới chính là vấn đề mà Vinamilk cần phải “kén chọn” nhà đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tính toán cơ hội tham gia vào Vinamilk. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư của VinaCapital cho biết: “Hiện SCIC vẫn chưa có lộ trình cụ thể cho kế hoạch thoái vốn 10 DN, nhưng chúng tôi đã và đang tích cực nói chuyện với SCIC để nắm bắt và tham gia các cơ hội thích hợp”.
Nỗi lo mất thương hiệu Việt
Ngược lại, cũng không ít ý kiến lo ngại, việc nới hết room cho nhà đầu tư nước ngoài ở Vinamilk có thể dẫn tới việc doanh nghiệp này bị thâu tóm. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng không nên nới hết room cho nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp của Vinamilk. “Chúng ta cần phải giữ thương hiệu Vinamilk, nếu không thị trường sữa sẽ bị nước ngoài thao túng và dễ dẫn tới độc quyền”, ông nói.
Theo ông, Vinamilk là thương hiệu rất lớn trong ngành sữa, có khả năng cạnh tranh được với các tập đoàn sữa nước ngoài ở thị trường nội địa. “Việc bán Vinamilk hết cho nước ngoài có thể đem lại cho nhà nước nhiều tiền, thúc đẩy chính sách tư hữu hoá DN nhà nước nhưng những yêu cầu khác thì không đáp ứng được. Đó là không chỉ giữ thị trường trong nước mà còn cả chuyện VN cần những tập đoàn lớn để tiến ra thương trường thế giới”, ông Thiên phân tích.
Chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc lại cho rằng cũng cần nhìn nhận cởi mở hơn về những thương vụ thâu tóm đã xảy ra. Trong suốt quá trình phát triển của một DN, thay đổi cơ cấu cổ đông là điều bình thường, nếu sự “đổi ngôi” mang lại lợi ích cho các bên và tăng cường sức mạnh cho DN.
Việc nhà đầu tư nước ngoài chiếm đa số ở Vinamilk không có nghĩa sẽ xóa sổ thương hiệu Việt. Bởi những DN Việt sau khi bị thâu tóm hàng hoá xuất xứ vẫn “made in Vietnam”, vẫn do bàn tay người Việt tạo ra, hoạt động trên lãnh thổ VN, đóng góp cho nền kinh tế VN như các DN khác.
TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, nghiêng về phương án nới hết room cho nhà đầu tư ngoại. “Thoái vốn có lợi cho ngân sách và tạo cơ hội tốt cho DN, ở đây là Vinamilk, có thể sẽ phát triển mạnh hơn hiện tại. Tôi không lo gì tới việc Vinamilk mất vào tay nước ngoài hay mất thị trường, tôi chỉ nghĩ tới những gì tốt hơn cho đất nước này, dù là DN Việt hoặc không”, ông Thành nhấn mạnh.
Giá trị của cổ phiếu Vinamilk đang được các tổ chức tài chính định giá dao động trong khoảng 120.000 – 150.000 đồng/CP. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN, cho rằng nếu đấu giá công khai, minh bạch cho nhiều nhà đầu tư tham gia, nhà nước có thể thu được giá trị vượt trội so với giá đang giao dịch trên thị trường.
Với định giá này, ước tính có thể thu về 65.000 – 80.000 tỉ đồng, tức tương đương 3 – 3,6 tỉ USD. Nhà đầu tư bỏ vào một số tiền lớn cũng rất lo lắng, và thông thường họ sẽ khôn ngoan kế thừa bộ máy quản lý đang chạy tốt và làm cho nó tốt hơn thay vì tranh giành quyền lực. Bởi xét cho cùng, họ hướng đến lợi nhuận và phải điều trần với cổ đông của họ.
Trong những năm qua, Vinamilk đầu tư mở rộng trang trại trong nước, đồng thời đầu tư vào các DN ngoài nước tại Mỹ, Ba Lan, New Zealand, Campuchia và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội mua bán sáp nhập khác tại các thị trường mới. Vì vậy, việc có mặt của nhà đầu tư nước ngoài với một lượng vốn mới sẽ giúp Vinamilk hiện thực hóa tham vọng vươn ra thế giới.

Hồng Sương – Trần Tâm