28/11/2024

Iraq đi dây giữa Mỹ và Nga

Diễn biến thực địa đã khiến chính quyền Iraq thể hiện thái độ rõ hơn.

 

Iraq đi dây giữa Mỹ và Nga

 

Diễn biến thực địa đã khiến chính quyền Iraq thể hiện thái độ rõ hơn.




Lực lượng chiến binh người Shiite bắn rocket nhằm vào vị trí của lực lượng IS ở ngoại ô al-Alam - Ảnh: Reuters
Lực lượng chiến binh người Shiite bắn rocket nhằm vào vị trí của lực lượng IS ở ngoại ô al-Alam – Ảnh: Reuters

Cuộc khủng hoảng Syria từ đầu tháng này đã đưa cuộc tranh giành Syria giữa Nga và Mỹ sang một giai đoạn mới, với ưu thế đang ngả về phía Nga vốn bảo vệ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Giờ đây không chỉ cứu được ông Assad, Nga còn khiến Iraq ngả nghiêng, muốn tham gia liên minh với Nga.

Tất cả dẫn đến tình hình căng thẳng giữa Iraq và Mỹ có thể nhận thấy qua một cuộc họp báo hôm 8-10 (giờ Mỹ). Một nhà báo cật vấn: “Quý vị có quan ngại mức độ hợp tác giữa Iraq và Nga không? Iraq vừa trong liên minh của Nga vừa trong liên minh của quý vị?”.

Người phát ngôn chính Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby đã lạnh lùng cảnh cáo Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi: “Iraq là một nước có chủ quyền… nên Iraq toàn quyền mở rộng quan hệ… Iraq từng có quan hệ quân sự, tình báo… từ trước kia với Nga, nay Iraq có muốn chia sẻ gì với Nga khi đang bị đe doạ trực tiếp là chuyện bình thường. Hợp tác quân sự cũng thế…

Song Iraq cần quản lý các quan hệ của mình” và nhấn mạnh: “Điều chúng tôi đang làm là chúng tôi tiếp tục hậu thuẫn Chính phủ Iraq chừng nào họ còn tiếp tục chiến đấu chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS)”.

Gần hai tuần sau, trong cuộc họp báo hằng ngày ở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 22-10 kết thúc rạng sáng 23-10 (giờ VN), một nhà báo hỏi: “Quý vị có hài lòng với lập trường của Thủ tướng al-Abadi là… không cộng tác với liên minh của Nga?”, người phát ngôn Mark Toner trả lời:

“Đó là một quyết định của một nhà nước Iraq đầy chủ quyền… Chúng tôi cảm thấy chúng tôi có thể đóng một vai trò rất xây dựng và trợ giúp”. Từ cảnh cáo “Iraq cần quản lý các quan hệ của mình” hôm 8-10, nay khen ngợi là cả một thay đổi lớn với phía Thủ tướng al-Abadi.

Từ đâu có sự thay đổi 1800 như thế? Câu trả lời ngay trong câu hỏi của một nhà báo nữ: “Tướng Mỹ Joseph Dunford vừa từ Iraq về (hôm 20-10) và nói Chính phủ Iraq đã đảm bảo rằng họ sẽ không yêu cầu Nga hỗ trợ…?”.

Quyết định này của Thủ tướng al-Abadi được đưa ra sau khi tướng Dunford tuyên bố nếu Iraq mời Nga vào, Mỹ sẽ “chịu thôi, không giúp được nữa”!

Thủ tướng al-Abadi hiện cần được giúp trên hai bình diện: giúp tồn tại giữa các phe phái và giúp chống trả IS. Những hứa hẹn mới này là cần thiết vào lúc đã và đang nổ ra những tin đồn sắp đảo chính.

Tin đồn lan đến mức trong cuộc họp báo hôm 22-10, một nhà báo đã nêu câu hỏi: “Có những bài báo viết rằng cựu thủ tướng al-Maliki cùng cánh của ông ta đang gây áp lực nơi Thủ tướng al-Abadi buộc ông từ chức hoặc lật đổ ông. Ông có thấy các bài báo đó không?”.

Thế nhưng vấn đề đe doạ Thủ tướng al-Abadi không chỉ gồm có cựu thủ tướng al-Maliki – người đã rời chính trường năm ngoái vì bè phái tôn giáo và tham nhũng, mà còn có cả những phái Shiite vũ trang khác như Asa’ib Ahl Al-Haq và Kataib Hezbollah vốn thân Iran.

Tháng 8 vừa qua, báo Wall Street Journal cho biết phái Asa’ib Ahl Al-Haq đã yêu cầu Thủ tướng al-Abadi từ chức vì ông này không đánh đấm ra trò trước IS…

Thế nhưng khi được hỏi có biết những mối đe dọa đó hay không, người phát ngôn Toner trả lời gọn lỏn “không biết” và chỉ nhấn mạnh đến việc Thủ tướng al-Abadi hiện đang làm tốt công việc của mình, tức coi như ông này được bảo đảm yên vị.

Vấn đề ở Iraq là mạnh phái nào phái ấy lo giữ lãnh thổ riêng của mình chứ không tập hợp như một quân đội quốc gia thống nhất, nên IS cứ thế mà khai thác, nên càng dễ rơi vào sự tranh chấp của các “ông lớn”.

Iraq cho Nga không kích vì hiệu quả hơn?

Theo trang middleeasteye.net, Chính phủ Iraq đã cho phép Nga không kích các đoàn xe của IS từ Syria chạy sang nước này. Hôm 23-10, ông Hakem al-Zamli, chủ tịch Uỷ ban an ninh và quốc phòng của Quốc hội Iraq, giải thích với Hãng thông tấn Anadolu rằng giải pháp không kích này sẽ cắt đứt đường tiếp tế của IS và góp phần làm suy yếu lực lượng này.

Hồi đầu tháng này, các quan chức an ninh Iraq tiết lộ với middleeasteye.net rằng phía Iraq muốn nhờ Nga vì các cuộc không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu đã tỏ ra chậm chạp và không hiệu quả, chủ yếu vì các quy định nghiêm ngặt. Một quan chức quân sự cấp cao giấu tên chỉ rõ:

“Họ (liên minh do Mỹ dẫn đầu) từ chối tấn công những chiếc xe tư nhân, nhà thờ Hồi giáo, cầu cống, trường học mặc dù trên thực tế phía IS chủ yếu đang sử dụng những nơi này làm trụ sở”.

Phía Iraq cho rằng do kiểu làm quy tắc của Mỹ đòi hỏi thời gian xác minh các mục tiêu, giúp IS có thời gian gia cố lực lượng, cơ sở vật chất. Một sĩ quan Iraq nói thẳng:

“Đây là một cuộc chiến tranh đặc biệt và kẻ thù chúng ta không có quy tắc. Người Nga không có những lằn ranh đỏ, không có quy tắc phức tạp và những hạn chế nên chúng tôi dễ đàm phán với họ”.

N.QUÂN

DANH ĐỨC