Học tiếng Anh như thế chẳng là gì đâu!
Con gái khoe: “Điểm tổng kết môn tiếng Anh của con năm nay cao nhất lớp đó mẹ, con được 9,6”, tôi thấy mừng vô cùng. Đời mình chẳng được học tiếng Anh nên cảm thấy thua thiệt bạn bè.
Học tiếng Anh như thế chẳng là gì đâu!
Con gái khoe: “Điểm tổng kết môn tiếng Anh của con năm nay cao nhất lớp đó mẹ, con được 9,6”, tôi thấy mừng vô cùng. Đời mình chẳng được học tiếng Anh nên cảm thấy thua thiệt bạn bè.
Tôi luôn tự hào 12 năm học, điểm tổng kết môn tiếng Anh của con luôn đứng nhất nhì trong lớp. Tôi vừa tự hào về con, vừa nghĩ số tiền tôi đã bỏ ra đầu tư cho con học là hoàn toàn hữu ích. Nhưng rồi, trong chuyến đi du lịch ấy đã làm tôi bừng tỉnh, tôi thấy con mình “chẳng là gì đâu”. Và tôi thấy rất buồn.
Hai mẹ con đang ngồi nghỉ bên hồ, có hai người nước ngoài đến gần, tôi biết chắc họ đang muốn làm quen. Tôi nghe người con trai hỏi điều gì đó, rồi anh ta chỉ vào cô con gái của tôi hỏi tiếp, câu hỏi được nhắc lại đến mấy lần…
Sau giây phút bối rối, con tôi trả lời lắp bắp với thái độ lúng ta lúng túng. Người nước ngoài cứ xua tay và so vai… Tôi nghĩ họ có điều gì đó không được hài lòng. Sau câu trả lời thiếu tự tin, con dắt tay tôi đi thật nhanh ra khỏi nơi đó.
Lúc này tôi mới hỏi con: “Khi nãy họ nói gì mà con không hiểu?”. Con trả lời: “Họ giới thiệu họ tên là Michael và hỏi con tên gì, bao nhiêu tuổi?”. Tôi hỏi: “Con hiểu sao không trả lời họ?” thì con tôi không chút ngần ngại trả lời: “Con phát âm tiếng Anh dở lắm, con nghe cũng yếu sợ họ cười”.
Và tôi đã nói với con: “Đó là cơ hội sao con không biết tận dụng để kiểm tra lại trình độ của mình xem sao, chỉ mới vài câu xã giao đơn giản mà con không nói được huống gì những câu hỏi khó hơn?”.
Nhìn con, bất giác tôi hỏi tiếp: “Mà con nói mình được tổng kết điểm cao nhất lớp. Chỉ giao tiếp một cách đơn giản cũng không đủ tự tin, mẹ thấy nghi ngờ”.
Nghe tôi nói, con tiếp lời: “Con chỉ học giỏi ngữ pháp nên thành thạo kỹ năng đọc, viết, còn kỹ năng nghe, nói… thì dở tệ mẹ ạ”. Rồi con kể ở lớp vào giờ tiếng Anh chủ yếu là làm bài tập ngữ pháp, ít khi được đứng lên luyện nói do lớp đông, thời gian có hạn. “Năm nào con cũng có đi học thêm, ở lớp dạy thêm con không được rèn nói?”- câu hỏi của tôi được con trả lời hết sức bất ngờ: “Lớp học thêm khoảng 70 bạn, chép bài mỏi tay còn chưa xong, thời gian nào luyện nói?”.
Tôi bỗng nhớ lời cô giáo dạy tiếng Anh hôm tôi đi xin cho con học: “Mặc dù có 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhưng em chỉ dạy cho bé những kiến thức để đi thi như đọc và viết. Còn nghe và nói vào đại học rèn cũng chưa muộn chị ạ”.
Tôi nhớ ra những lần con học bài cũ chỉ lấy một số đề ra làm đi làm lại đến thuộc làu. Con nói đây là những đề ôn tập để chuẩn bị kiểm tra một tiết. Lúc này thì tôi hiểu vì sao con lại có điểm tổng kết tiếng Anh cao như thế. Được đi học kèm nên cô giáo thường chăm chút con tôi nhiều hơn bằng những đề trùng dạng với đề kiểm tra.
Với cách học này, dù đạt loại giỏi con tôi cũng không thể tự tin để giới thiệu mình trước một người rành tiếng Anh là thế!
Quá chú trọng và hàn lâm Kết quả điểm thi THPT quốc gia môn tiếng Anh không làm nhiều người ngạc nhiên, với gần 75.000 thí sinh làm bài chỉ được 2,25 điểm, nó chỉ thị đã đến lúc phải thay đổi hẳn cách dạy – cách thi môn tiếng Anh ở nhà trường phổ thông. Dạy ngoại ngữ nói chung, dạy tiếng Anh nói riêng, cho người học theo tiêu chuẩn nào – bằng phương pháp sư phạm cổ điển hay hiện đại – đều không thể không tập trung vào ba việc chủ yếu, đó là: luyện đọc và nghe – luyện nhớ và viết đủ ký tự của từ – luyện ráp từ thành câu đúng với ngữ văn và ngữ cảnh. Việc dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông lâu nay đã quá chú trọng vào lĩnh vực hàn lâm, dạy ngoại ngữ như là dạy một ngôn ngữ! Mà lẽ ra trước hết phải đặt cao yêu cầu trang bị cho học sinh phương tiện ngôn ngữ phục vụ giao tiếp. Từ sự thành công trong mục tiêu này, tự nó sẽ nâng dần chức năng chính thống của bộ môn ngôn ngữ học. Thực tế ở các trường phổ thông hiện nay, do áp lực thi cử nên việc dạy và học ngoại ngữ chỉ gói ghém trong hai hoạt động: thầy chỉ dạy đủ cho học sinh đi thi, học sinh học chỉ đủ để đi thi. Chương trình được tổ chức và phân phối dạy theo hướng giao tiếp, nhưng các kỳ thi đều chỉ có thể chú trọng vào ngữ pháp. Đặc biệt trong những năm gần đây khi ngoại ngữ chuyển qua thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thao tác làm bài chỉ còn phải chọn lựa câu trả lời qua các ký tự a, b, c, d thì cả thầy và trò đều dành phần lớn thời gian tập trung vào giải những đề thi, quanh quẩn với những điểm – vấn đề thường ra thi. Việc rèn luyện các kỹ năng khác hầu như bị bỏ qua. Môn ngoại ngữ trong trường phổ thông trở nên chỉ là một môn thi bắt buộc, chỉ cần học để thi, thi xong là thôi không đọng lại gì. Xét trên bình diện giáo dục còn phải kể đến những hạn chế rất khó khắc phục như: giáo viên đọc chưa chuẩn, không có đủ thiết bị nghe nhìn giúp học sinh nghe – đọc chuẩn. Học sinh ít chú ý luyện viết từ nên không thể nhớ đủ ký tự của từ. Đặc biệt, rất nhiều học sinh chưa nắm vững ngữ pháp tiếng Việt nên không thể hiểu – tiếp thu – sử dụng ngữ pháp tiếng nước ngoài. Vậy cần làm gì để tạo nên được chuyển biến tích cực? Không nên bê nguyên chương trình và phương pháp dạy ngoại ngữ của nước ngoài đặt lên bàn học sinh Việt Nam. Cần khảo sát trên các bộ môn khác mà mỗi cấp – khối lớp đang học, chiết xuất được phần đặc trưng để cấu trúc lại chương trình và viết lại nội dung giảng dạy ngoại ngữ cho người Việt, trên cơ sở của sự liên thông giữa Việt văn và ngoại văn. Sao cho tạo ra được nhiều sự song trùng về cả chủ đề và thời gian thực hiện qua song ngữ giữa nhiều bộ môn. Ví dụ: Vào tiết thứ 4 – 9, ở bộ môn văn học 12 có bài giảng văn: Tuyên ngôn độc lập thì ở tiết dạy ngoại ngữ cùng thứ ấy cũng có bản dịch về tác phẩm này. Chính điều này sẽ làm hưng phấn, tạo ra sự so sánh thích thú và lặp lại nhận thức cho học sinh trong việc học ngoại ngữ. Phải dạy ngoại ngữ thật phổ thông. Nghĩa là không thể đặt cao mục tiêu và yêu cầu trong giáo dục đại trà: người Việt sử dụng tiếng nước ngoài như thể người nước ngoài. Nền giáo dục nào cũng lấy thi cử làm thước đo – kiểm định chất lượng. Nhưng cần được thiết kế và tổ chức sao cho thi chỉ là công đoạn có tính thủ tục để kết thúc một quá trình học. Thi không tạo ra hiệu ứng trùm toả- khống chế làm biến dạng động cơ, làm lệch và hẹp định hướng học. Triệt tiêu được quan niệm và mục đích chỉ học để thi thì mới xác lập được cơ sở vững bền cho việc dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông. TẠ QUANG SUM |