28/11/2024

Những đứa trẻ Việt ở Biển Hồ

Biển Hồ (Tonle Sap Lake) rộng khoảng 15.000km2, không nhìn thấy bờ, trải dài qua bảy tỉnh, thành của Campuchia. Đó là nơi sinh sống làm ăn của hàng trăm ngàn người Việt.

 

Những đứa trẻ Việt ở Biển Hồ

 

Biển Hồ (Tonle Sap Lake) rộng khoảng 15.000km2, không nhìn thấy bờ, trải dài qua bảy tỉnh, thành của Campuchia. Đó là nơi sinh sống làm ăn của hàng trăm ngàn người Việt.




Dãy phòng học do Quân khu 7 tài trợ - Ảnh: K.V.
Dãy phòng học do Quân khu 7 tài trợ – Ảnh: K.V.

Chúng tôi tiếp cận Biển Hồ bằng 15km đường bộ tính từ trung tâm thành phố du lịch nổi tiếng Siem Reap, nơi có kỳ quan thứ 7 thế giới Angkor.

Giống như nơi tận cùng của thế giới, ở đây chỉ có nước, nước mênh mông và sự đói nghèo lam lũ của những di dân VN sống bằng nghề đánh cá.

Đôi mắt tha hương

Cô Nguyễn Thị Tuyết chèo ghe chở hai con nhanh chóng tấp vào chân một nhà hàng nổi, nơi khách tham quan Biển Hồ dừng chân uống nước, xoè bàn tay ra trước mặt du khách xin tiền.

Ngước đôi mắt buồn còn hơn nước Biển Hồ, cô nhìn vào từng người khách rồi nói bằng một thứ tiếng Việt thuần thục: “Bà con cô bác cho em xin một ngàn để mua gạo nuôi con”.

1.000 ở đây là tiền Riel của Campuchia, bằng khoảng 5.500 đồng tiền Việt.

Các du khách ái ngại nhìn Tuyết để rồi không thể cầm lòng, họ cùng nhau móc túi của mình ra. Của ít lòng nhiều.

Họ vừa đặt tiền trên lòng bàn tay của Tuyết vừa thương cảm nhìn hai đứa con của cô, một bé gái mới 3 tháng tuổi nằm trên chiếc võng đặt trong lòng ghe bé tí, bên cạnh là một bé trai 4 tuổi gầy guộc, đen nhẻm với đôi mắt đen mở tròn còn sầu thảm hơn mẹ của em.

Tuyết nói cô có bốn đứa con. Đứa nhỏ 3 tháng tuổi, còn đứa lớn nhất được 9 tuổi. Cô bảo sở dĩ mình phải đi xin ăn như thế này vì bị chồng bỏ, sau một thời gian bị anh ta đánh đập do say sưa tối ngày. Bị chồng bỏ nên mẹ con cô không còn ai nuôi, phải tự lực để kiếm sống.

27 năm trước, Tuyết được hạ sinh trên một chiếc thuyền nổi được dùng làm nhà, giống như những ngôi nhà nổi tạm bợ mà chúng tôi thấy đang neo san sát nhau trên một góc Biển Hồ ở Siem Reap.

Cha của Tuyết quê ở Sài Gòn, chẳng rõ vì sao lưu lạc đến Biển Hồ, lấy vợ, sinh con và chọn nghề đánh cá làm kế sinh nhai như đa số người Việt sống trên Biển Hồ này.

Cô đã lớn lên trên những chiếc thuyền nổi buồn bã ở Biển Hồ, với tuổi thơ thất học và nghèo đói, không biết chữ. Rồi đến lượt mình, cô lại hạ sinh một thế hệ trẻ thơ khác, nuôi nấng chúng lớn lên với cuộc sống tăm tối không khác gì mẹ chúng hơn 20 năm về trước.

Quanh chân nhà hàng nổi không chỉ có mình Tuyết, mà có nhiều ghe của các phụ nữ khác. Mỗi khi có khách du lịch ghé nhà hàng là họ chèo ghe lại. Cứ mỗi chiếc ghe mang theo vài ba đứa trẻ đen nhẻm, gầy guộc giống nhau.

Giờ ăn của các em ở Trung tâm nuôi dạy trẻ em nghèo Biển Hồ
Giờ ăn của các em ở Trung tâm nuôi dạy trẻ em nghèo Biển Hồ

Ngôi trường 
của lòng từ thiện

Là một người dân Tây Ninh buôn muối từ Việt Nam qua Campuchia, nhiều lần ông Thái Văn Tư đến Biển Hồ.

Nhìn thấy cảnh những đứa trẻ thất học đói khổ phải lang thang sóng nước theo mẹ đi xin ăn, ông động lòng trắc ẩn nên bỏ việc buôn muối, đến Biển Hồ mở một lớp học hòng dạy cho những đứa trẻ biết viết cái chữ của cha ông.

Lúc đầu lớp lèo tèo vài học sinh vì cha mẹ chúng không thấy ích lợi của việc học chữ. Ông Tư phải chèo thuyền đến từng hộ dân vận động con em họ tới lớp.

Ông nghĩ ra một phương cách để dụ bọn trẻ và cha mẹ chúng: nếu đi học sẽ được ông cho ăn sáng.

Rồi khi vốn liếng vận động mạnh thường quân kha khá, ông biến lớp học thành “Trung tâm giáo dục từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo Biển Hồ” sau khi nâng dần lên mức: nuôi ăn ngày ba bữa. Bây giờ, lớp học lèo tèo ngày nào đã có đến 314 đứa trẻ ở Biển Hồ theo học.

Chúng ăn ngủ luôn tại trường và biết chào hỏi lịch sự những người đến trường thăm cũng như đóng góp gạo tiền nuôi chúng. Từng đứa một trong số trẻ này đã biết bày tỏ ước mơ như: lớn lên em sẽ làm cô giáo, em sẽ làm bác sĩ, em sẽ làm…

Chúng tôi không gặp được thầy Tư già vì ông bị tai biến đang nằm viện ở TP.HCM, chỉ gặp hai con trai và con dâu ông – cùng là giáo viên tình nguyện ở trung tâm này.

Con trai lớn của ông Tư là Thái Hồng Sơn, 31 tuổi, hiện thay cha phụ trách trường trong vai trò hiệu phó. Vợ anh cũng là giáo viên của trường.

Sơn cho biết trường có năm giáo viên, tất cả đều tình nguyện đến Biển Hồ dạy học không lương. Họ ăn ngủ cùng học sinh ngay tại trường. Các em được học tiếng Việt và cả tiếng Khmer, từ lớp 1 đến lớp 5.

Sở dĩ trường có số học sinh đông như hiện tại cũng nhờ nguồn quyên góp từ khách du lịch và mạnh thường quân khắp nơi, trong đó bộ đội Quân khu 7 (Việt Nam) quyên góp hẳn một dãy phòng nổi để các em có chỗ học tập.

Khi đặt chân lên điểm trường này, trước những đôi mắt vô tư khờ dại của các trẻ em gốc Việt, trước nỗi khổ hoàn cảnh mà các em đang chịu đựng, rất nhiều du khách đã khóc và mở hầu bao để giúp trường.

Các mục sư Hàn Quốc dựng nhà thờ ngay trên lòng hồ để mong xoa dịu nỗi khổ người dân, còn cha con thầy Tư thì mang lại cho các em chút ít hi vọng về một ngày mai tươi sáng nhờ học thức.

Những cư dân vô thừa nhận

Mẹ con Nguyễn Thị Tuyết chèo ghe xin tiền du khách
Mẹ con Nguyễn Thị Tuyết chèo ghe xin tiền du khách

Việc ăn xin của người Việt trên Biển Hồ chỉ nở rộ hơn 10 năm nay, khi có tour tham quan Biển Hồ dành cho du khách sau khi họ đã viếng thăm quần thể đền đài Angkor.

Các gia đình ngư dân ở Biển Hồ mang những đứa trẻ theo để ăn xin vì chúng dễ gây lòng trắc ẩn nơi du khách. Trong số 10 trẻ ở đây thì hết 9 em còi cọc, ốm đói. Có đứa 15 tuổi mà nhìn như 7, 8 tuổi.

Ở Biển Hồ này chỉ có hai nghề: đánh cá và ăn xin. Việc đánh cá là của đàn ông, còn việc ăn xin do phụ nữ và trẻ em đảm nhiệm. Trên mỗi chiếc ghe nhỏ bé ấy có một người mẹ và hai, ba đứa trẻ; người mẹ nào cũng bị chồng bỏ hoặc bỏ chồng.

Dù không thích một thứ “kịch bản” giống nhau, nhưng du khách khó mà nghĩ khác khi nhìn vào những đôi mắt đen thăm thẳm và thành thật của các phụ nữ ấy, những đôi mắt dường như không có chút ánh mặt trời nào.

Tổ tiên của họ theo dòng Mekong, từ Việt Nam ngược con nước để mưu sinh. Nơi nào có cá thì họ dừng lại và nơi cuối cùng họ định cư là Biển Hồ, một cái hồ rộng mênh mông như biển, nơi mà người Campuchia tự hào rằng đủ cá để nuôi cả một dân tộc.

Thế nhưng người Campuchia không rành chuyện đánh cá nên nhường việc đó cho người Việt Nam.

Vậy mà hàng trăm ngàn dân Việt định cư trên Biển Hồ, trong đó có mấy ngàn hộ dân ở Siem Reap, đều là những cư dân vô thừa nhận dù họ can dự vào đời sống xã hội Campuchia lâu nay trong vai trò người cung cấp cá, một thực phẩm quan trọng cho người dân nước này.

Không có quốc tịch Việt vì là người Việt mất gốc, họ cũng không được công nhận quốc tịch của nước sở tại vì nhiều lý do, trong đó có lý do dù sinh sống lâu hơn 10 năm ở nước này nhưng hầu như không người Việt nào biết tiếng Campuchia nên không được nước này cấp quốc tịch.

Sống quần cư trên Biển Hồ, cách xa đất liền, cộng đồng người Việt sống như một tộc người biệt lập. Trong khi đó, đánh cá ở Biển Hồ không phải là nghề có thể dễ dàng đổi đời.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên Biển Hồ, Chính phủ Campuchia quy định một năm chỉ được đánh bắt cá sáu tháng, sáu tháng còn lại… ngồi chơi xơi nước.

Cho nên khó trách những người đàn ông ở Biển Hồ uống rượu tối ngày rồi giương mắt nhìn vợ mang con lên ghe đi xin tiền du khách.

 

KIM VŨ