Chuyện “mồ côi” ở làng hủ tiếu
1g30 sáng, khi Sài Gòn đã chìm sâu vào giấc ngủ thì ở góc đường Nguyễn Thị Huỳnh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cặp vợ chồng lặng lẽ ngồi chờ khách bên nồi hủ tiếu nóng hổi bốc hơi nghi ngút.
Chuyện “mồ côi” ở làng hủ tiếu
1g30 sáng, khi Sài Gòn đã chìm sâu vào giấc ngủ thì ở góc đường Nguyễn Thị Huỳnh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cặp vợ chồng lặng lẽ ngồi chờ khách bên nồi hủ tiếu nóng hổi bốc hơi nghi ngút.
Nửa đêm, hai vợ chồng anh Vinh – chị Ngọc bán hủ tiếu trên đường Nguyễn Thị Huỳnh (Q. Phú Nhuận, TP.HCM) – Ảnh: Ngọc Hiển |
“Nồi hủ tiếu này nuôi sống bảy miệng ăn nên đêm hôm khuya khoắt chi cũng phải ráng mà bán, được thêm đồng mô hay đồng nấy”, chị Võ Thị Ngọc (38 tuổi), vợ anh Bùi Quang Vinh (46 tuổi), bắt đầu câu chuyện bên nồi hủ tiếu.
Xã có khoảng 3.500 hộ làm nghề bán hủ tiếu ở khắp nơi. Riêng tại thôn Mỹ Trang có hơn 1.000 người làm nghề này. Nhờ nghề hủ tiếu mà các gia đình cũng có kinh tế ổn định. Nhưng cái lo nhất là không có cha mẹ chăm sóc, con cái sẽ hư hỏng. May là số hư rất ít, còn lại đều tự lập được. |
Ông LÊ ĐỨC THIỆN (chủ tịch UBND xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) |
Nuôi con chẳng quản chi thân
21 năm trước anh Vinh theo mẹ khăn gói vào Nam đẩy xe hủ tiếu mưu sinh. Cũng từ nghề này mà anh phải lòng một cô gái duyên dáng kém anh 8 tuổi vừa là đồng hương, vừa “đồng nghiệp” mà sau này là vợ anh.
Suốt 20 năm sống ở đất Sài Gòn này, ám ảnh nhất đối với chị Ngọc đó là khoảng thời gian để con lại cho bà nội, còn mình trở lại Sài Gòn. “Mỗi lần vô lại Sài Gòn là phải đi vòng đường sau hè chứ không dám đi cửa trước vì sợ bé nhỏ khóc không cầm lòng”, chị Ngọc nói.
Hai vợ chồng có đến 4 đứa con gái. Ba đứa đầu đang sống cùng bà nội ở thôn Mỹ Trang (xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi). Còn con gái út mới hơn 2 tuổi sống với cha mẹ ở một căn phòng trọ nhỏ trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Q. Phú Nhuận, TP.HCM).
Trước đây, mỗi lần nhớ con anh Vinh phải đạp xe chở chị Ngọc ra bưu điện thành phố gọi điện thoại về nhà hàng xóm ở quê nhờ họ đi gọi giùm bà nội. Bây giờ có điện thoại di động rồi nhưng mỗi khi thấy số điện thoại từ quê thì tim hai vợ chồng lại cứ đập thình thịch, sợ có chuyện chẳng lành.
“Thương nhất là con gái đầu phải thay cha mẹ vừa chăm lo cho hai em lại phải săn sóc bà nội đã già yếu nhưng không kêu ca, đòi hỏi gì cả. Khi nào cũng nói cha mẹ cho con mặc gì thì con mặc nấy. Trừ bộ đồ đi học ra thôi chứ toàn bộ áo quần của ba đứa con tui đều là của người ta cho rồi tui đem về cho con hết”, chị Ngọc nói.
Ngay cả anh Vinh và chị Ngọc mấy năm nay cũng chẳng sắm sửa gì, mấy bộ đồ hai vợ chồng mặc mỗi ngày cũng là đồ cũ trong xóm người cho kẻ tặng. Xa con, niềm vui không tả xiết của hai vợ chồng là cuối mỗi năm học con cái điện vào khoe giấy khen học sinh giỏi.
“Chỉ lo nếu bà nội già yếu quá rồi, lỡ bỏ con bỏ cháu mà đi thì không biết phải ở hay về đây”, anh Vinh vừa nói vừa đẩy chiếc xe hủ tiếu về nhà trọ khi đồng hồ đã điểm 2g30.
Tuổi thơ không cha mẹ
Chúng tôi tìm gặp ba con gái của vợ chồng anh Bùi Quang Vinh khi các cháu đang sống cùng bà nội ở làng Mỹ Trang. Ngôi làng này tuy nhỏ bé nhưng có đến hơn 1.000 người đang bán hủ tiếu khắp các thành phố trên cả nước.
Những đứa trẻ được sinh ra ở làng Mỹ Trang ở lại quê nhà cùng ông bà để cha mẹ tiếp tục cuộc mưu sinh. Ba con gái đầu Huyền, My và Mỹ của gia đình anh Vinh cũng như bao đứa trẻ khác ở làng này với tuổi thơ không cha mẹ.
Ký ức của Huyền và My trong những ngày tháng tuổi thơ chỉ có bà nội đã 80 tuổi. Khi Huyền lên 8 tuổi thì Mỹ ra đời, anh Vinh cũng để con ở nhà tiếp tục khăn gói vào Nam. Không cha mẹ, Huyền và My ngoài những giờ đi học còn đảm đương thêm nhiệm vụ chăm em và phụ giúp người bà bị căn bệnh đau lưng hành hạ.
Xa cha mẹ, chị cả Như Huyền phải đảm đương tất cả công việc trong nhà từ chuyện cơm nước, bày em học bài, khâu vá áo quần cho em. “Em vừa làm chị mà cũng như thay mẹ lo lắng cho các em từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Những khi bà ốm đau em lại nấu cháo đút cho bà ăn từng bữa” – Huyền nói.
Ở thôn Mỹ Trang này có rất nhiều đứa trẻ phải chịu cảnh “mồ côi” như ba đứa con anh Vinh. Những năm gần đây, nghề bán hủ tiếu thịnh hành ở TP Đà Nẵng, TP Quảng Ngãi, TP Tam Kỳ… nên nhiều người rời TP.HCM trở về những thành phố gần quê nhà để tiện chăm sóc con cái. Riêng vợ chồng anh Vinh là một trong số ít cặp vợ chồng của làng này vẫn ở lại Sài Gòn tiếp tục cuộc mưu sinh, chấp nhận cảnh cha mẹ một nơi, con cái một chốn.
Khi ông bà làm cha mẹ Quá trưa, dưới cái nắng chang chang chúng tôi tìm về gia đình bà Nguyễn Thị Mão (65 tuổi) ở xóm 1 (xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Trong căn nhà rộng chừng 20m² nóng như lò lửa, bà Mão lấy chiếc nón lá đã thủng lỗ chỗ quạt cho đứa cháu gái 4 tuổi ngủ trưa. “Con gái đi làm thuê ở xa, tôi như mẹ của cháu vậy, lo từ cái ăn giấc ngủ cho cháu như ngày xưa mình chăm con nhỏ”, bà Mão tâm sự. Chị Nguyễn Thị Luyến (29 tuổi, con gái bà Mão, nhân vật trong bài ”Mẹ một nơi, con một chốn”) đi làm công nhân dệt ở Bà Rịa – Vũng Tàu, gửi con cho hai ông bà già đã hơn 3 năm nay. Năm 2010 Luyến lập gia đình, sau khi sinh con gái đầu lòng thì hôn nhân đổ vỡ, Luyến về lại nhà ngoại. Ở nhà một thời gian, Luyến gửi con cho ông bà rồi biệt xứ vào Nam. Thiếu cha, rồi mẹ lại đi làm thuê xa, bé Dần khóc ròng mấy ngày liền. “Lúc thì con bé nói rất nhiều, lúc lại thơ thẩn chơi một mình chẳng nói chẳng rằng. Đêm ngủ, nó cũng ngủ mơ gọi mẹ”, bà Mão kể. Nuôi bốn người con đến tuổi trưởng thành những tưởng được thảnh thơi an dưỡng tuổi già nhưng bà Mão vẫn quần quật làm ba sào ruộng, chăm cháu như chăm con từ giấc ngủ, cơm nước, tắm rửa đến việc đưa đón cháu đến trường đi học. “Thôi thì mình chăm cháu thay con, biết là thêm gánh nặng đó nhưng máu mủ ruột rà của mình thương không xuể nên chi giúp con, giúp cháu mình cũng vui lòng” – bà Mão nói. |