28/11/2024

Khó phát hiện sai sót về ưu tiên trong tuyển sinh

Trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vừa qua xảy ra tình trạng nhầm lẫn điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực đã khiến nhiều thí sinh có nguy cơ từ đậu ĐH thành trượt.

 

Khó phát hiện sai sót về ưu tiên trong tuyển sinh

 

Trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vừa qua xảy ra tình trạng nhầm lẫn điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực đã khiến nhiều thí sinh có nguy cơ từ đậu ĐH thành trượt.




Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 nhập học tại một trường ĐH tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc ThạchThí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 nhập học tại một trường ĐH tại TP.HCM – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Do Bộ quản dữ liệu tuyển sinh
20 thí sinh (TS) ở tỉnh Phú Yên là một trong những ví dụ. Tuy nhiên, do phát hiện kịp thời và có sự can thiệp của Bộ GD-ĐT nên những TS này được phép tham gia dự tuyển lại nguyện vọng 1 bằng số điểm thực chất của mình.
Một khó khăn cho các trường trong việc phát hiện sai sót về điểm ưu tiên là do năm nay Bộ quản lý dữ liệu của TS. Khi xét tuyển, các trường chỉ nhập mã vạch, sau đó dữ liệu của Bộ sẽ tự cộng điểm ưu tiên của TS nếu có. Trường không thể kiểm tra hồ sơ gốc ngay trong thời gian xét tuyển để phát hiện sai sót. Mọi thứ đều dựa trên sự trung thực của TS và khâu nhập dữ liệu ở các trường THPT cũng như sở GD-ĐT.
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Võ Tấn Kiệt là một trong những TS bị nằm trong tình huống sai sót ở trên. Sau khi Bộ gửi công văn cho trường, chúng tôi đã tiếp nhận nguyện vọng của Kiệt là vào ngành kinh doanh quốc tế, do số điểm thực tế của Kiệt dư so với điểm chuẩn của ngành này là 20,75 điểm”.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Minh, có 3 trường hợp khác đăng ký xét tuyển vào trường cũng có sự nhầm lẫn điểm ưu tiên do sở GD-ĐT cộng nhầm. Trong đó, có 2 TS dù được cộng điểm nhưng vẫn rớt, và 1 TS dù trừ bỏ điểm nhầm lẫn thì vẫn đậu do điểm thực chất khá cao.
Tại Trường ĐH Tài chính – Marketing cũng có 2 trường hợp vô tình khai nhầm. Theo đó, TS này học ở TP.HCM nhưng khi viết trên hồ sơ thì khai là khu vực 1, đối tượng 1. Hai TS này đều đã có giấy báo trúng tuyển. “Tuy nhiên ngay sau đó, TS thông báo lại nên trường đã kịp thời báo lên Bộ để xả dữ liệu, tạo điều kiện cho TS đăng ký nguyện vọng bổ sung. Trong trường hợp phát hiện chậm thì TS sẽ không kịp xét nguyện vọng bổ sung nữa”, ông Châu Minh Quý, Phó phòng Đào tạo cho biết.
Vô tình và cố tình khai nhầm
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thông tin thêm: “Tại trường cũng có vài trường hợp nhầm lẫn như vậy. Có 2 nguyên nhân, một là do vô tình sai sót, có thể TS không nắm rõ mình khu vực nào, đối tượng nào. Hai là do cố tình sai sót để được cộng điểm, tăng cơ hội trúng tuyển mà không hề biết sau này nhập học nếu không đúng sẽ từ đậu thành trượt. Cả hai nguyên nhân này đều rất tội. Nếu không phát hiện kịp thời ngay từ đầu, các em sẽ không có cơ hội đăng ký xét tuyển các đợt tiếp theo, vì trên nguyên tắc nằm trong danh sách trúng tuyển rồi thì không thể xét tuyển. Cái khó là dữ liệu này của TS do Bộ quản lý, các trường không thể kiểm tra”.
Ông Châu Minh Quý cũng cho rằng hậu kiểm trong tuyển sinh là việc đã làm trong nhiều năm nay. Theo đó, TS nào gian dối sẽ bị hủy kết quả trúng tuyển. Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu trường ĐH, CĐ có hồ sơ gốc của TS thì dù có xảy ra tình huống “đang trúng tuyển thành trượt”, TS cũng không bị mất quyền lợi trong việc xét tuyển các đợt tiếp theo.

Mỹ Quyên