28/11/2024

Khát vọng từ một xóm nghèo

Diễn đàn về khát vọng một thành phố đáng sống đã nhận được bài viết của bạn Nguyễn Thị Thu Hương với một khảo sát nho nhỏ ngay xóm nghèo nhà mình ở ấp 2, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM.

 

Chung tay xây dựng “TP đáng sống”: Khát vọng từ một xóm nghèo

 

Diễn đàn về khát vọng một thành phố đáng sống đã nhận được bài viết của bạn Nguyễn Thị Thu Hương với một khảo sát nho nhỏ ngay xóm nghèo nhà mình ở ấp 2, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM.


 


Từ những tấm lòng hảo tâm của cộng đồng, em Nguyễn Thị Như Ý (giữa) đã có sách vở, xe đạp để đến trường - Ảnh: T.H.
Từ những tấm lòng hảo tâm của cộng đồng, em Nguyễn Thị Như Ý (giữa) đã có sách vở, xe đạp để đến trường – Ảnh: T.H.

Khi Tuổi Trẻ đưa ra diễn đàn về khát vọng một thành phố đáng sống, tôi quyết định làm một khảo sát nho nhỏ ngay xóm nghèo nhà mình và nhận được những ước mơ rất giản dị.

Tôi tìm vào góc nghĩa trang thường được gọi là “ngã ba sung sướng” – cái địa danh rất quen, nơi người dân nghèo sống tựa vào nhau, tựa vào cả vách của những ngôi mộ mới xây của người giàu mà tồn tại. Bà con ồ lên khi nghe hỏi và bảo: Làm gì mà cứ được sung sướng ấy là đáng sống!

“Con muốn được học…”

Người đầu tiên triển khai cái khái niệm “sung sướng” ấy lại là đứa trẻ con. Em có tên là bé Ù – còn tên khai sinh là Nguyễn Thị Như Ý – cái tên toát lên khát vọng cho con sống tốt của bà mẹ nghèo. Thỏ thẻ ỏn ẻn, Như Ý góp ý kiến: “Cô ơi, con muốn được học thôi, học như chị Ái ở xóm ngoài, chị ấy bây giờ có bằng cấp III nên được vào hãng làm rồi, không đi bán vé số như má con con nữa”.

Hẫng cả người khi nghe ước mơ tưởng chừng bé bỏng của đứa trẻ con, nhưng sẽ hiểu ước mơ ấy là quá lớn lao với phận người nghèo: bé Ù không có cha, em lớn như cây cỏ trong nghĩa trang này, ngày ngày với xấp vé số trên tay mưu sinh kiếm sống. Cái sự học be bé năm nay lên lớp 6 của em đã vấp bao phen, nếu không có sự giúp đỡ nâng niu của cộng đồng là đổ gãy: sinh ra không giấy khai sinh, nhà nghèo, mẹ thất học…

Và ngay cả khi được nâng niu phụ giúp, suýt nữa ước mơ học đó cũng ngã ngang khi Ù bị u bướu ở đầu suýt chết vì không có tiền mua bảo hiểm y tế.

Bé Ù là một trong rất nhiều trẻ em nghèo thèm học, khát học ở nơi đây, có lẽ Ù đã nói thay mơ ước của các bạn đồng trang lứa. Mong cộng đồng hãy giữ mãi lửa nhân ái yêu thương giúp các em!

Hành động từ những việc nhỏ

Một cư dân khác của Đông Thạnh cũng rất nhiệt tình với mong mỏi về thành phố đáng sống trong tương lai đó là chú cựu chiến binh Trần Văn Ước. Với chú, tiêu chí thành phố đáng sống của tương lai là phải giữ được một vùng nông thôn sạch, xanh, không bị ô nhiễm bởi chính hành vi phá hoại của con người.

Với chú Uớc thì không có cái gì tốt đẹp có sẵn ngay, mà phải cố gắng từ bản thân mỗi ngày giữ lấy một môi trường sạch và xanh cho mai sau. Chú khảng khái: “Xứ mình ô nhiễm nhiều, mỗi người mình không tự làm mà trông hóng thì còn gì để ngày mai. Nông thôn mà không sạch, không xanh thì đâu còn là một nông thôn mới”.

Bản thân chú Ước đã triển khai khát vọng được sống và tham gia gìn giữ môi trường sạch và xanh bằng những việc làm cụ thể không hề nhỏ: tham gia vạch mặt những người vì ham lợi nhuận trước mắt tuồn rác thải độc hại về địa phương. Sau khi phát hiện ra vụ việc chôn lấp đất nhiễm thuốc sâu một cách cẩu thả phi pháp, chú còn đau đáu việc ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ đồng bào toàn thành phố.

Còn chị Nguyễn Thị Hồng Phượng (một cán bộ phụ nữ ấp 2, xã Đông Thạnh) thì quan niệm về một thành phố đáng sống thông qua tiêu chí con người. Với chị, đó là một xóm ấp bình yên, con người biết quan tâm đến nhau và nhiều cụm dân cư nhỏ thanh bình hiền hoà kết lại sẽ là một thành phố đáng sống.

Với mơ ước đơn sơ đó, suốt 20 năm nay chị đi từng ngõ ngách nhỏ, từng hộ gia đình của ấp 2, kết nối tình nghĩa, kết nối quan tâm từ những phụ nữ trong gia đình. Từ nhận xét và việc làm của chị, lại thấy thêm một khái niệm dân dã về thành phố đáng sống: là con người với con người quan tâm tới nhau, gìn giữ những giá trị đạo đức từ ngay gia đình cho đến lối xóm.

Bỗng thấy là để có một thành phố đáng sống, tự mỗi chúng ta từ trẻ tới già phải biết ước mơ về sự tốt đẹp và dám hành động từ những việc nhỏ thì mới thành sự thật được.

Phải hướng về người nghèo

TP.HCM có trên 1 triệu người dân nghèo, đặc biệt là người nhập cư đến từ các tỉnh lẻ và nông thôn. Họ là những dân nghèo từ những làng quê miền Trung, miền Tây vào thành phố kiếm sống bằng các xe hủ tiếu mì gõ, bằng tấm vé số mưu sinh… trong những lúc nông nhàn để phụ giúp gia đình.

Ước mơ của người dân nghèo ấy đơn giản là thành phố có thể giúp họ trang trải nợ nần ở quê, nuôi con ăn học. Thành phố cũng đáng sống với họ qua các giấc mơ nho nhỏ như thế và cuối ngày họ lại “phải sống” với nhau trong những căn nhà trọ tồi tàn, nằm xếp lớp cạnh nhau để tiết kiệm tiền. Con cái họ phải gửi vào các nhà trẻ không giấy phép. Những bà mẹ nghèo phải nuốt nước mắt đưa con ra bãi đất trống cạnh các khu nhà cao tầng để vui chơi chứ không thể có điều kiện mua vé cho con vào những trung tâm vui chơi giải trí như Đầm Sen, Suối Tiên…

Như vậy, họ phải cố gắng mà sống vì tương lai chứ không xem thành phố là nơi đáng sống. Khi đã có những món tiền nho nhỏ đủ phụ giúp gia đình, họ kéo nhau về quê để sống vì dù sao quê nhà vẫn là nơi đáng sống của họ chứ không phải thành phố.

Thành phố đáng sống trong tương lai phải đặc biệt quan tâm đến tầng lớp thị dân nghèo, đặc biệt là dân nhập cư. Họ cũng có quyền được sống, được tận hưởng những phúc lợi xã hội mà các tầng lớp khác có được. Nếu thành phố chúng ta không quan tâm đến một bộ phận dân cư này thì mục tiêu trở thành thành phố đáng sống sẽ khó đạt được vì nhiều nguy cơ tiềm tàng về tệ nạn xã hội nảy sinh do nghèo khó, do thất học, thất nghiệp…

Thành phố phải có những quyết sách lớn về an sinh xã hội như ưu đãi các tiện ích vui chơi giải trí, xây chung cư, nhà trọ để bán hoặc cho thuê với giá rẻ nhằm hỗ trợ các gia đình nhập cư có nơi ăn chốn ở. Phải tạo điều kiện cho con em những người nhập cư lao động nghèo có điều kiện học tập, sinh hoạt như những người ngụ cư lâu dài, thông qua việc mở cơ sở giáo dục tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để con em họ có điều kiện học tập. Các thủ tục hành chính phải đặc biệt thông thoáng để họ có thể hoà nhập nhanh chóng vào thành phố.

Nếu chúng ta thực thi được những giải pháp trên thì một bộ phận không nhỏ dân cư thành phố mới xem thành phố là nơi đáng sống chứ không phải là nơi “phải sống”.

TS VÕ DUY NGHI

Đến chiều 2-9, diễn đàn Chung tay xây dựng “Thành phố đáng sống” đã nhận được bài viết tham gia của các tác giả: TS Võ Kim Cương, KTS Lưu Trọng Hải, Nguyễn Thiện, TS Võ Duy Nghi, Đàm Nhung, Đỗ Hào, Hữu Chơn, Thanh Bình, Trần Văn Tường, Trần Kiêm Hạ, Lê Ngọc Hạnh, Phan Tuyết, Lưu Đình Long, Nguyễn Thị Thu Hương, Trần Văn Tám…

Tòa soạn báo Tuổi Trẻ mong nhận được thêm nhiều bài viết của bạn đọc tham gia đề xuất các giải pháp, các hành động thực tế để chính quyền thành phố và mỗi người dân có thể cùng chung tay xây dựng TP.HCM thành nơi “đáng sống”. Bài viết, hình ảnh vui lòng gởi về địa chỉ [email protected].

TOÀ SOẠN

 

NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG 
(TP.HCM)