28/11/2024

Xúc động tấm lòng dành cho Tuyết Nhi

Nguyễn Tuyết Nhi, 17 tuổi nhưng chỉ nặng 22kg vì mắc phải căn bệnh lao phổi. Chuyên một kiến trúc sư trẻ dang vòng tay giúp em đã gây xúc động mạnh trên cộng đồng mạng.

 

Xúc động tấm lòng dành cho Tuyết Nhi

 

Nguyễn Tuyết Nhi, 17 tuổi nhưng chỉ nặng 22kg vì mắc phải căn bệnh lao phổi. Chuyên một kiến trúc sư trẻ dang vòng tay giúp em đã gây xúc động mạnh trên cộng đồng mạng.


 


Kiến trúc sư Trần Hùng bên giường bệnh của Tuyết Nhi - Ảnh: Trần Hùng cung cấp
Kiến trúc sư Trần Hùng bên giường bệnh của Tuyết Nhi – Ảnh: Trần Hùng cung cấp

Những ngày này một số diễn đàn, trang cá nhân trên mạng xã hội đang lan truyền câu chuyện vô cùng xúc động về người kiến trúc sư trẻ Trần Hùng (33 tuổi, ở Q.Long Biên, Hà Nội) đã dang rộng vòng tay cứu giúp một cô bé không quen biết.

Cô bé đó là Nguyễn Tuyết Nhi, 17 tuổi, nặng 22kg (nhà ở ngõ 399 đường Ngọc Lâm, P.Ngọc Lâm, Q.Long Biên) mắc phải căn bệnh lao phổi.

Tuyết Nhi có khuôn mặt đẹp như thiên thần, là chị cả trong gia đình có bốn chị em gái. Cha mất, mẹ bỏ đi, tất cả cuộc sống của bốn chị em dựa hết vào quán nước của bà nội.

“Bệnh nhân Tuyết Nhi nhập viện trong tình trạng suy kiệt, cân nặng và sức khỏe đều không đáp ứng được thuốc khi điều trị. Sau một vài ngày thì em đã có những chuyển biến tích cực, thể trạng cải thiện tốt.

Theo phác đồ điều trị thì bệnh nhân phải mất khoảng hai đến ba năm mới có thể khỏi bệnh nhưng còn tùy vào thể trạng

Bác sĩ HOÀNG TUẤN (khoa lao hô hấp Bệnh viện Phổi 
trung ương)

Tình người không quen biết

“Trưa nay con ăn được và cũng rất lạc quan. Các mẹ có thể luộc cho con mấy con tôm để ăn thêm được không? Nếu ai làm giúp được cho con thì tốt quá” – chia sẻ mới nhất trên trang Facebook cá nhân của anh Trần Hùng về Tuyết Nhi.

Câu chuyện bắt đầu từ ngày 10-8-2015 qua một bức hình trên Facebook. Anh Trần Hùng nhớ lại cơ duyên mà anh biết được tình trạng bệnh tật của Tuyết Nhi:

“Tôi tình cờ biết đến Nhi qua hình ảnh từ một bạn cùng lớp trước đây với Nhi. Nhìn thấy bức ảnh ấy tôi vô cùng bất ngờ bởi một cô gái thông minh, xinh đẹp vậy mà chỉ còn da bọc xương.

Tôi bèn hỏi địa chỉ để đến nhà thăm hỏi thì thấy cô bé đã quá yếu, gia đình lại khó khăn nữa. Nhi mắc bệnh lao phổi, mà bình oxy để thở đã cạn kiệt, không có tiền thay”.

Sau khi biết đến câu chuyện của Tuyết Nhi, anh Trần Hùng đã chia sẻ với người thân trong gia đình rồi đưa Tuyết Nhi đến bệnh viện để điều trị.

Anh nói rằng cho Tuyết Nhi nhập viện là quyết định “mạo hiểm” vì em quá yếu trong khi anh là người không họ hàng thân thiết, nếu xảy ra mệnh hệ gì thì khó mà ăn nói với người thân của em.

Hai ngày sau (12-8) anh gọi thêm mấy người thân “hộ tống” để đưa Tuyết Nhi vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Q.Long Biên).

Anh Trần Hùng kể tiếp: “Hôm đó ai đi cùng tôi cũng lo lắng vì Nhi quá yếu, phần vì bệnh tật, phần vì thể trạng sức khoẻ, tâm lý. May mà hai ngày sau Nhi tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Phổi trung ương để điều trị. Tại đây Nhi dần khoẻ hơn, cười nói được nhiều hơn…”.

Để có tiền cho Tuyết Nhi nhập viện, anh đã bỏ tiền túi 20 triệu đồng đóng viện phí ban đầu. Sau đó anh tiếp tục kêu gọi trên mạng xã hội, tổ chức đêm nhạc và nhờ anh em bạn bè quyên góp từng đồng.

“Rất may nhiều người có tấm lòng hảo tâm đã giúp đỡ con. Bức ảnh về Nhi sau khi tôi đăng lên mạng xã hội được vài giờ thì đã có cả mười mấy nghìn lượt like và chia sẻ. Có người tận trong Sài Gòn, ở bên Mỹ khi biết tin cũng gọi điện về để động viên tinh thần và vật chất cho Nhi” – anh Trần Hùng tâm sự.

Mặc dù có rất nhiều người đã gọi điện trực tiếp tới anh để gửi tiền nhưng để tránh bị “tai tiếng”, anh hướng dẫn những ai muốn quyên góp thì trực tiếp đến bệnh viện để đóng vào viện phí, tiền thuốc, tiền ăn uống cho Tuyết Nhi.

Hình ảnh anh Trần Hùng bón từ hạt cơm, thìa cháo, miếng nước, bế Nhi đến phòng tiêm, các lần chuyển viện giữa thời tiết oi bức rồi ngủ gật cạnh em lúc quá mệt dường như đã gây tác động mạnh với nhiều người có mặt tại những nơi em điều trị bệnh.

Nhiều người thấy đây là một việc khó có thể thực hiện với người không quen biết nhưng đối với anh là “một việc cần phải làm và cũng không mong chờ sau này Tuyết Nhi đền đáp lại”.

Là một kiến trúc sư, giám đốc công ty và có nhiều cửa hàng kinh doanh, công việc rất bận rộn nhưng hôm nào anh cũng sắp xếp tới bệnh viện hai lần để động viên, chăm sóc Tuyết Nhi.

Anh Trần Hùng nói do công việc bận bịu, để đáp ứng được giữa công việc và gia đình cũng như chăm sóc cho Tuyết Nhi anh đã phải cần đến sự giúp đỡ, góp sức của vợ mình.

“Thời gian đầu thấy anh đến viện ai cũng tưởng là bố của cháu cơ. Vì đây là bệnh lao phổi rất dễ lây nhiễm trong khi cháu đã bị bệnh rất lâu rồi.

Có hôm để cháu Nhi ăn anh còn bỏ cả khẩu trang của mình ra để nói chuyện với cháu. Khi biết anh không phải là cha cháu ai cũng rưng rưng. Trên đời này khó có người có được tấm lòng như anh…” – chị Hương (34 tuổi, thân nhân người bệnh trong Bệnh viện Phổi trung ương) cảm động nói.

Khi được hỏi lý do vì sao anh lại có tấm lòng “nghĩa hiệp” cứu giúp một người không hề quen biết thì anh nói rằng, đơn giản là vì con trai đầu của vợ chồng anh năm nay mới 7 tuổi nhưng nặng tới 48kg, trong khi Tuyết Nhi 17 tuổi 
nặng 22kg.

Tuyết Nhi - Ảnh: Trần Hùng
Tuyết Nhi – Ảnh: Trần Hùng

Niềm hi vọng khỏi bệnh

Trước khi nhập viện Tuyết Nhi không đi lại được, yếu ớt, mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải dựa vào những người trong gia đình. Sau một thời gian điều trị, đến nay em đã có chuyển biến tốt hơn về sức khoẻ cũng như tinh thần.

“Cháo ngon con ăn hết cả bát to, mừng quá. Tin vui là phác đồ điều trị lao của con đã có công dụng. Tuy sẽ rất mệt nhưng có chiều hướng rất tốt. Cảm ơn mọi người luôn bên con…” – anh Trần Hùng chia sẻ trên Facebook của mình sau khi Tuyết Nhi được chuyển tới Bệnh viện Phổi trung ương.

Để yên tâm mỗi khi không ở cạnh Nhi, anh đã thuê một người quen của gia đình Tuyết Nhi ở lại hằng ngày trong viện chăm sóc em.

Hiện tại chân Tuyết Nhi không thể đi lại được, anh phải nhờ cô ruột của anh đến để giúp đỡ, bóp chân, bóp tay em để máu lưu thông dễ dàng.

Trong căn nhà tình thương của gia đình Nhi được chính quyền địa phương xây dựng cách đây một thời gian không có gì đáng giá.

Bà Lê Thị Liên (75 tuổi, bà nội Tuyết Nhi) nghẹn giọng kể nếu không có anh Trần Hùng thì cháu nội bà khó có thể sống đến ngày hôm nay, vì khi sức khoẻ em yếu nhất là lúc anh Hùng xuất hiện để đưa em nhập viện.

Bà Liên cho biết cha Nhi, tức là con trai bà, cũng mắc phải căn bệnh phổi qua đời để lại bốn đứa con nhỏ (mẹ Nhi bỏ đi) cho nên bà vừa làm mẹ vừa làm bà của bốn bé gái. Ngày ngày để kiếm tiền trang trải cuộc sống, bà đưa hàng nước nhỏ ra đường trước nhà bán.

“Khách ít lắm, nhiều hôm bán cả ngày được vài khách vào uống. Lúc cháu Nhi còn khỏe thì bà cháu vẫn tằn tiện để sống, nhưng khi cháu ốm thì bà cháu có bao nhiêu tiền cũng dồn hết vào Nhi. Vì không đủ tiền để chạy chữa nằm viện, bệnh Nhi mới trở nặng như vậy” – bà Liên gạt nước mắt nói.

Để mang lại niềm vui cho Tuyết Nhi, một bức tranh em đang thêu dở cùng những con hạc đã được anh Trần Hùng mua lại trước ngày em nhập viện.

Hỏi lý do tại sao anh lại mua cả bức tranh chưa hoàn thiện xong với giá mấy triệu đồng, anh Trần Hùng cười tươi bảo rằng: “Tôi mua lại cũng vì muốn Nhi khoẻ lại để hoàn thành nốt bức tranh đó, và Nhi cũng đã hứa với tôi như vậy. Đó cũng là động lực để Nhi cố gắng vượt qua bệnh tật…”.

Những lúc Tuyết Nhi vui cười, anh Trần Hùng hỏi: “Sau này khoẻ lại con cùng cô chú đến các bệnh viện giúp những người có hoàn cảnh giống như con bây giờ chứ?”. Tuyết Nhi cười tươi đáp lại: “Con sẽ gắng khoẻ lại để làm được những điều như chú đã nói với con…”.

Với tình thương và sự đùm bọc của người không quen biết, Nhi đã tươi vui trở lại và lạc quan chống chọi với bệnh tật.

Anh Trần Hùng nói: “Chặng đường chữa bệnh cho Nhi phía trước còn rất dài và tôi thấy Nhi đang dần bình phục. Tôi luôn tin rằng Nhi sẽ khỏi bệnh để trở lại cuộc sống bình thường như bao thiếu nữ khác…”.

Tình người qua mạng xã hội

11g, chị Hương (ở Hà Nội) cùng bạn mang số tiền của một người từ TP.HCM gửi ra để ủng hộ cho gia đình bà Liên. Chị Hương cho biết chị và chị Hồng, người gửi tiền, cũng chỉ biết nhau qua Facebook.

“Chị ấy nhờ tôi chuyển giùm số tiền tới Tuyết Nhi và hỏi xem tình trạng sức khoẻ của em. Chị ấy ở xa không ra được nên nhờ tôi bỏ chút thời gian qua thăm gia đình và Tuyết Nhi” – chị Hương nói.

Sau khi biết tình trạng sức khoẻ, gia cảnh của Tuyết Nhi trên mạng xã hội, nhiều người gần xa trên khắp cả nước đã đóng góp đồng tiền, bát gạo cho gia đình năm bà cháu.

Nhìn vào thùng mì gói mới được một người mang đến, bà Liên gạt nước mắt nói: “Mọi người đến thăm ủng bộ cho bà cháu tôi từ lon gạo, chai nước mắm đến dầu ăn, mì chính, sữa… Một miếng khi đói bằng một gói khi no.

Sự cảm thông chia sẻ của những người không quen biết với gia đình là động lực để mấy bà cháu tôi vượt qua lúc khó khăn này”.

QUANG THẾ