Âm nhạc của sẻ chia
“Nếu có một bà tiên thì con chỉ mong một điều ước: ước cho bà con được mạnh khoẻ và hết cực khổ nữa, cho bà hết đau chân, hết mệt tim, hết nhức đầu…” cô bé 13 tuổi viết.
Âm nhạc của sẻ chia
”Nếu có một bà tiên thì con chỉ mong một điều ước: ước cho bà con được mạnh khoẻ và hết cực khổ nữa, cho bà hết đau chân, hết mệt tim, hết nhức đầu…” cô bé 13 tuổi viết.
Những ngọn nến hoa hướng dương được thắp lên mang theo ước nguyện và khát vọng của các bệnh nhi ung thư trong chương trình Ước nguyện hồng tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tối 26-8 – Ảnh: Quang Định |
1. Tối 26-8, không gian vốn ngột ngạt, buồn bã của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM bỗng trở nên tươi sáng và đầy sinh khí khi chương trình Ước nguyện hồng – một sân khấu ca nhạc thường niên từ chương trình Ước mơ của Thuý do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Đoàn cơ sở Bệnh viện Ung bướu, Công ty sân khấu nghệ thuật Thái Dương tổ chức định kỳ từ tháng 1-2008 đến nay dành cho bệnh nhi ung thư – diễn ra.
Khi chương trình chưa bắt đầu, Ngọc Trầm – cô bé 13 tuổi đang mang trong mình căn bệnh ung thư máu – ngồi ở một góc bàn nắn nót sửa lại từng chữ trong bức thư ước nguyện: “Con đã trải qua nhiều nỗi buồn nhưng người cho con sức mạnh để vượt qua nỗi buồn đó chính là bà nội. Năm con lên 8 tuổi và em con 6 tuổi, ba con gặp tai nạn rồi qua đời (mẹ cô bé đã mất từ khi em còn nhỏ – NV).
Bà an ủi con và em, nhưng ban đêm con thấy bà khóc một mình vì nhớ ba… Khi con chuẩn bị tập vở vào lớp 7, con biết mình mang trong người căn bệnh ung thư máu. Con bị sốt, bà thức cả đêm để lau cho con hết sốt! Nếu có một bà tiên thì con chỉ mong một điều ước: ước cho bà con được mạnh khoẻ và hết cực khổ nữa, cho bà hết đau chân, hết mệt tim, hết nhức đầu…”.
Khi cô bé có nước da trắng xanh và mái tóc ngắn lởm chởm sau nhiều lần hoá trị ấy lên sân khấu để kể lại điều ước của mình, cả sân khấu đã lặng người đi theo những tiếng nấc nghẹn ngào của em.
Khán giả đã an ủi em bằng những tràng pháo tay khích lệ, bạn bè cùng mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo như em nắm tay em để hát chung một bài, và trong những món quà hai bà cháu nhận được từ biết bao tấm lòng, có chiếc áo ấm nghĩa tình mà Trầm đã tự tay khoác lên cho bà ngay trên sân khấu…
Buổi văn nghệ ấy đã khép lại trong tiếng nguyện cầu, với những bông hướng dương rực rỡ và đôi mắt trẻ thơ trong veo đã không còn tủi thân nữa.
2. Trưa 27-8, trong cái nắng thiêu đốt của những ngày chuyển mùa, một sân khấu khác cũng được “dựng lên” trong khuôn viên của Bệnh viện 175 TP.HCM. Đó là sân khấu của chương trình Mang âm nhạc đến bệnh viện – một trong những chương trình ca nhạc do ca sĩ Thái Thùy Linh mở màn và phát động, đã có hàng trăm suất diễn trong nhiều năm qua, với sự chung tay, chung lòng của rất đông nghệ sĩ.
Chương trình là dịp hiếm hoi để những bệnh nhân, thân nhân người bệnh lẫn các bác sĩ, y tá trong một môi trường luôn phải đối diện với những khoảnh khắc sinh – tử đột ngột có dịp thả lỏng một chút, nghỉ ngơi đôi chút!
Cầm micro đứng trên sân khấu mà vẫn còn mặc nguyên bộ áo blouse trắng, chân đi… dép nhựa, bác sĩ Võ Việt Hải của Bệnh viện 175 vừa giới thiệu ca khúc Hương đêm bệnh viện vừa chia sẻ: “Không mấy ai hiểu được cảm giác của chúng tôi ở mỗi ca trực. Những ca trực rất dài thâu đêm suốt sáng…”.
Khán giả ở dưới có người huýt sáo, có người vỗ tay, có người không ngừng… chớp mắt vì vị bác sĩ vẫn tiêm thuốc cho họ mỗi ngày hoá ra cũng biết… hát say sưa như thế! Cô Tơ (Bình Phước) lật đật đi cùng một bà mẹ khác chen vào khán phòng khi chương trình vừa diễn ra chừng 5-10 phút.
Cô cười chỉ sang bà bạn: “Bà này nuôi con gái, tôi nuôi con trai. Đều nằm ở khoa bán thân bất toại (chuyên khoa tai biến mạch máu não – NV). Tôi vào viện chăm con cả tháng nay rồi, nó không ăn được vì liệt nửa mặt… Hai mẹ con đều mệt mỏi. Nhưng mình phải lạc quan chứ, giờ nó đang ngủ nên tôi rủ bà này đi xem ca nhạc cho đỡ buồn”.
Hôm nay, 28-8, chương trình Mang âm nhạc đến bệnh viện lại tiếp tục đến với Bệnh viện Nhân dân 115, Q.10, TP.HCM. Không ước vọng xa xôi gì, những người thực hiện nói họ chỉ cố gắng mang một bầu không khí vui tươi, náo nhiệt đến bệnh viện để phần nào giúp các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, các y bác sĩ tạm quên đi chuyện sống – chết, mất – còn, dù đôi khi chỉ là một chốc lát ngắn ngủi…
Âm nhạc, từ bao giờ, đã và sẽ còn vang lên ở các bệnh viện trong những hành trình đầy sẻ chia như thế…