Chuyện về “Những bài báo cứu người”
Chuyện xảy ra đã mấy năm rồi, nhưng nghĩ đến là niềm hạnh phúc trong tôi vẫn dạt dào như ngày nào. Đó là lúc loạt bài dài kỳ “Cuộc đời sau tay lái” của tôi được khởi đăng trên Tuổi Trẻ ngày 15-4-2011.
Chuyện về “Những bài báo cứu người”
Chuyện xảy ra đã mấy năm rồi, nhưng nghĩ đến là niềm hạnh phúc trong tôi vẫn dạt dào như ngày nào. Đó là lúc loạt bài dài kỳ “Cuộc đời sau tay lái” của tôi được khởi đăng trên Tuổi Trẻ ngày 15-4-2011.
Sách Cuộc đời sau tay lái của tác giả Trần Kiêm Hạ được tặng cho các đại biểu tại hội nghị về an toàn giao thông vào cuối tháng 8-2012 – Ảnh: T.K.H. |
Những tư liệu trong loạt bài chính là những gì ấp ủ trong tôi khi lái xe trên đường mà gặp quá nhiều vụ tai nạn giao thông, từ những nguyên nhân lẽ ra không đáng có của đồng nghiệp. Và loạt bài đã trở nên cấp thiết vào thời điểm tai nạn giao thông cả nước rộ lên ngày càng nghiêm trọng.
Sau khi báo đăng, tôi đọc những phản hồi của bạn đọc, nhiều người đã tâm đắc rằng: “Cảm ơn báo Tuổi Trẻ, cảm ơn tác giả về loạt bài cứu người này!”.
Nhiều người còn nêu ý kiến: “Mỗi tài xế cần phải có loạt bài này trong xe, như một cẩm nang để nhắc nhở cái tâm, sự suy nghĩ về mạng sống con người trước tay lái mình”…
Thật lòng mà nói, nếu không được đăng trên Tuổi Trẻ thì tôi e rằng những ấp ủ ấy của tôi khó đến với số đông bạn đọc, nhất là những người đang ngồi sau tay lái.
Niềm vui thứ hai Tuổi Trẻ mang đến cho tôi là trong bài “Tâm tình với nhà báo nghiệp dư” ra ngày 20-6-2011 nhân kỷ niệm Ngày báo chí Việt Nam, Tuổi Trẻ đã vinh danh tôi là một nhà báo nghiệp dư. Đó là điều tôi rất vinh hạnh.
Tuy nhiên cũng bắt đầu từ đó, tôi thấy phải có trách nhiệm với lời thổ lộ của mình trên trang báo: “Đang ấp ủ xuất bản một cuốn sách làm cẩm nang cho anh em lái xe mới vào nghề như lời bạn đọc mong muốn”.
Đó là một thử thách không nhỏ cho người chưa từng trải qua một khóa viết lách như tôi. Viết gì trong quyển sách ấy?
Thú thật là sau những ngày cầm lái, đêm về ngồi trước máy tính vừa viết vừa tư duy đề tài làm tôi mệt đừ, nhiều lần định bỏ cuộc. Cuối cùng tôi cũng tìm ra đề tài cho cuốn sách.
Phần một là những bài viết làm cho người cầm lái thấm được nỗi đau mất mát của thân nhân nạn nhân tai nạn giao thông mà mềm tay lái, nhẹ chân ga, bớt hung hăng trên đường.
Phần hai, lấy từ kinh nghiệm lái xe của tôi và bạn bè, viết nên kỹ năng lái xe và những điều phòng tránh tai nạn giao thông cho những người mới vào nghề…
Giữa năm 2012, tôi đã xong bản thảo, tự mày mò trình bày như một cuốn sách, lấy tên là Cuộc đời sau tay lái. Sau khi gửi đến vài nhà xuất bản ngỏ ý xin đăng nhưng bị từ chối với lý do “kén độc giả”, từ gợi ý của người anh rể cũng là nhà báo, tôi gửi bản thảo đến Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia.
Hai tuần sau, giọng ông Nguyễn Hoàng Hiệp – phó chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia – nói qua điện thoại với tôi:
“Rất cảm ơn anh đã gửi bản thảo cuốn sách cho uỷ ban đúng lúc. Tôi sẽ cho làm thủ tục in để kịp ra mắt quyển sách, làm quà tặng cho đại biểu đến dự hội nghị tuyên dương “Những tấm gương quần chúng tiêu biểu trong xây dựng và đảm bảo trật tự an toàn giao thông” vào cuối tháng (8-2012) này và sẽ trả nhuận bút cho anh theo quy định”.
Lúc ấy tôi vừa xuất viện về, tức thì bao đau đớn sau ca mổ xoang mũi của tôi tan biến đâu mất. Vui mừng, tôi trả lời: “Dạ cảm ơn anh, tôi không cần nhuận bút đâu. Chỉ xin anh in số lượng nhiều hơn để phát cho anh em tài xế là được”.
Giải toả bức xúc của tài xế Trước thời điểm Tuổi Trẻ đăng bài “Tài xế sợ “xe rùa”” (23-5-2013) của tôi, giới tài xế đường dài luôn ám ảnh với cảnh bị cảnh sát giao thông bắt xe lỗi lấn tuyến trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, bản thân tôi cũng đã bị phạt một lần. Trong bài báo được đăng, cơ quan chức năng đã hứa là sẽ xử lý “xe rùa” nhưng thực tế rồi đâu lại vào đấy. Đến giữa năm 2014 tôi tiếp tục viết thư trình bày bức xúc gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, nửa tháng sau tôi vẫn chưa nhận được phản hồi nào. Cho đến khi phóng viên Tuổi Trẻ biết được vụ việc này và đã đến phỏng vấn tôi, sau đó bài “Tài xế phản ảnh luật không rõ ràng” (25-8-2014) đăng thì Tổng cục Đường bộ VN mới cử người đi thực tế rồi chủ trương không phạt những trường hợp tài xế vượt xe trên những đoạn đường có vạch đứt quãng nữa. Giới tài xế chúng tôi đã vỡ oà cảm xúc khi một vấn đề bức xúc hàng chục năm cuối cùng cũng được cơ quan có thẩm quyền lắng nghe, thấu hiểu mà chỉnh sửa phù hợp với thực tế. Một lần khác, tôi viết bài “Ám ảnh biển báo “cấm vượt”” nói lên nỗi sợ của cánh tài xế với các biển báo bất hợp lý trên đoạn đường qua địa bàn TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) và được Tuổi Trẻ đăng ngày 6-10-2014. Cũng thật bất ngờ là sau khi xuất hiện bài báo, Cục Quản lý đường bộ IV đã cử người đi thực tế, thống nhất cùng tỉnh Sóc Trăng xóa bỏ biển báo này. Sau những bài viết trên, trong những lúc gặp gỡ anh em tài xế, tôi thấy ai cũng mừng, họ nói với tôi là chuyển lời cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã làm cầu nối giúp họ chuyển tải được những bức xúc dồn nén bấy lâu đến cơ quan chức năng, tạo sức mạnh dư luận hối thúc cơ quan chức năng giải quyết vụ việc. Tôi mong Tuổi Trẻ tiếp tục làm tốt nhiệm vụ cầu nối này để giúp người dân giải tỏa kịp thời những nỗi bức xúc của mình. |