Ngày khai giảng “lộn xộn”: Tình trường, tình lớp “vơi đi ít nhiều”…
Nhiều phản hồi, nhiều bài viết gửi về cho Tuổi Trẻ như chất chứa nỗi niềm của phụ huynh: “Hãy trả lại lễ khai giảng cho học sinh”…
ĐỂ NGÀY KHAI GIẢNG LÀ CỦA HỌC TRÒ:
Ngày khai giảng “lộn xộn”: Tình trường, tình lớp “vơi đi ít nhiều”…
Nhiều phản hồi, nhiều bài viết gửi về cho Tuổi Trẻ như chất chứa nỗi niềm của phụ huynh: “Hãy trả lại lễ khai giảng cho học sinh”…
Các em học sinh lớp 1/5 Trường tiểu học Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM trong ngày tựu trường sáng 14-8 – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Theo tôi, hiện tượng học trước chương trình vào tháng 8 sau đó mới khai giảng cũng là hệ quả của bệnh thành tích trong ngành giáo dục! Học trước để hết chương trình trước, dư ra vài tháng cuối năm học (thường kết thúc sớm khoảng vào tháng 2, tháng 3 năm sau) để ôn thi cho học sinh.
Khoảng thời gian này thật khó quản lý học sinh vì chương trình văn hoá đã xong nhưng khâu rèn luyện hạnh kiểm vẫn phải tiếp tục. Các em đến trường nhưng bài vở đã hết nên giáo viên một số môn không phải là môn thi thì không dạy. Vậy là tuỳ nghi xử lý, các em được về sớm nhưng không về nhà mà thường đến các tụ điểm vui chơi hoặc đi lang thang gần đến giờ mới về nhà.
Trở lại với việc học trong tháng 8 (thậm chí có trường cho học sinh học vào giữa tháng 7), sau đó làm lễ khai giảng vào đầu tháng 9 thì cảm giác rất nhạt nhẽo, không thật và hụt hẫng! Nó gần gần với cảm giác ăn cơm nguội, không còn nóng sốt… Không còn ý nghĩa thiêng liêng của ngày khai giảng, thay vào đó là sự thờ ơ, làm cho có vì bao nhiêu hào hứng đã dồn vào việc học cả tháng trước đó rồi!
Tuần tựu trường là tuần lễ ổn định lớp, tiến hành lao động vệ sinh nhằm chuẩn bị cho lễ khai giảng, chứ không phải tựu trường là tiến hành học văn hóa ngay lập tức. Ở khối trung học phổ thông chẳng hạn, lớp 10 mới tuyển sinh chưa chuẩn bị tâm thế, tâm lý vào học chính thức, chưa kịp làm quen chương trình, chưa kịp tìm hiểu thầy cô, tìm hiểu môn học đã phải học thật sự nên bước đầu vẫn còn những bỡ ngỡ nhất định.
Việc học cả tháng rồi mới làm lễ khai giảng năm học như lâu nay đã phản tác dụng! Học sinh không còn vẻ háo hức, mất đi vẻ hồn nhiên, cảm giác hồi hộp, ghi dấu ấn sâu sắc trong đời qua những lễ khai giảng. Từ đó, tình cảm đối với ngôi trường, với thầy cô, với lớp đã “vơi đi ít nhiều”…
Hãy trả lại lễ khai giảng đúng nghĩa của nó: khai giảng năm học là khai giảng của thầy cô, của học sinh, của sự hồn nhiên, sung sướng, hạnh phúc được đến trường trong ngày đầu năm học. Có như vậy mới gieo vào lòng học sinh những kỷ niệm, những dấu ấn khó phai mà trong một bài viết của nhà văn Thanh Tịnh đã nói hộ tấm lòng bao thế hệ học sinh: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường” (Tôi đi học).
Ký ức về ngày khai giảng trên non cao
Những ngày dạy học ở vùng cao Lào Cai đã để lại dấu ấn tươi đẹp trong ký ức của cuộc đời tôi. Điều mà tôi ấn tượng và nhớ mãi đó là ngày khai giảng. Ý nghĩa, rạo rực và thật sự là ngày hội đối với học trò vùng cao. Trước ngày khai giảng, sự tấp nập chuẩn bị mọi điều kiện cho năm học mới của thầy và trò trường tôi và những trường học trên cùng địa bàn làm cho không khí của ngày tựu trường trở nên tưng bừng. Thầy và trò cùng sửa lớp học, đóng lại bàn ghế, vệ sinh trường lớp. Dù tất bật nhưng cả thầy và trò đều thấy vui vẻ và say sưa với công việc. Điều ấn tượng trước ngày khai giảng là ở vùng cao thường tổ chức cho học trò đi cổ động. Từng hàng, từng tốp học sinh của các trường với cờ, khẩu hiệu, trống nghi thức Đội, trống trường đi dọc các ngả đường của xã hô vang khẩu hiệu: “Nhiệt liệt chào mừng năm học mới!”. Không khí hào hứng khắp nơi như báo hiệu một năm học mới bắt đầu, người dân dưới ruộng đồng hay trên nương rẫy đều cảm nhận được niềm vui tựu trường của thầy và trò. Trên tay các em cầm những bông hoa tươi do chính các em trồng ở nhà hoặc là hoa rừng các em hái trên đường đi. Những bông hoa tỏa hương thơm ngát hòa vào niềm rạo rực của ngày khai giảng. Với học trò vùng cao, ngày khai giảng thật sự như một ngày hội. Vì thế với các em, cả năm các em mong đợi đến mùa thu, tiết trời mát mẻ để được đến trường gặp thầy, gặp bạn. Đặc biệt, phụ huynh đã nghỉ một buổi lên nương rẫy để đưa con đến khai giảng. Các nhà trường đã xếp những hàng ghế dài để mời các bậc phụ huynh ngồi dự khai giảng. Vì thế, lễ khai giảng trở nên ấm cúng và gần gũi biết bao. Học trò vùng cao khá hứng thú với những trò chơi dân gian. Vì thế, ngày khai giảng ở vùng cao luôn tổ chức để các em được chơi, được vui. Những trò chơi như nhảy bao bố, đi cà kheo, kéo co, bịt mắt bắt dê, đá cầu… luôn thu hút và tạo không khí sôi động trong lễ khai giảng. Sau lễ khai giảng, tôi cảm nhận được em nào cũng vui, cảm thấy gắn bó với trường lớp, với thầy cô để có thêm quyết tâm học tập. |
Học rồi mới khai giảng còn gì ý nghĩa Đi học rồi mới tiến hành lễ khai giảng đã khiến nhiều trường làm lễ theo thủ tục cho có, những bài phát biểu dường như chẳng còn cảm xúc, lễ đón học sinh mới đầu cấp trở thành hình thức khiến học sinh chẳng mấy hứng thú và làm phai mờ ý nghĩa thiêng liêng của ngày khai giảng… Với nhiều học sinh bây giờ, ngày khai giảng chẳng còn chút hồi hộp, háo hức mà trở nên chán ngấy, mệt mỏi. Sau bài phát biểu, tiếng trống khai giảng vội vã thì nhà trường lại tiếp tục công việc đã bắt đầu trước đó mấy tuần. Tại sao ngành GD-ĐT không điều chỉnh để ngày khai giảng là ngày đầu tiên của năm học? Dẫu biết rằng ngày 5-9 là ngày đi vào lịch sử, nhưng sao không khai giảng mới bắt đầu học hay có thể khai giảng đúng vào ngày các em đến trường đầu tiên sau thời gian nghỉ hè? Trừ một số trường vùng cao hoặc vùng lũ khai trường sớm hơn để bù lại những lúc thời tiết khắc nghiệt hoặc thiên tai. Có lẽ đối với một số lĩnh vực khác, sự thay đổi về yếu tố thời gian chỉ ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Riêng ngành giáo dục, ngày đánh dấu một năm học mới có ý nghĩa rất quan trọng trong ký ức của thầy và trò. Với những học sinh lần đầu tiên cắp sách đến trường, dấu ấn đó càng trở nên thiêng liêng hơn. Quan trọng hơn, với ngày khai giảng như vậy, các em biết rằng một buổi lễ khai trường là mở đầu cần thiết cho quá trình học tập nghiêm túc của mình. Trường tốp trên lãnh đạo cũng tốp trên Phải nói rằng buổi lễ khai giảng năm học mới, người khổ nhất là các thầy cô nhận lớp đầu cấp. Có trường phải bỏ ra hàng tuần để luyện tập phục vụ cho ngày khai giảng. Những ngày ấy, dù nắng hay mưa, những thầy cô được phân công chủ nhiệm lớp đầu cấp phải theo cùng học trò đến trường để luyện tập, lắp ráp đội hình cho nhịp nhàng, ăn khớp với kịch bản. Cả hệ thống nhà trường đều vận hành hết công suất để buổi lễ khai giảng thành công tốt đẹp. Nhưng điểm nhấn của lễ khai giảng lại chính là sự hiện diện của các vị đại biểu, chức danh của đại biểu càng cao thì buổi lễ mới long trọng. Nhiều cấp chính quyền phân công người đi dự lễ theo kiểu trường tốp trên thì chức danh đại biểu đến dự cũng tốp trên, rốt cuộc trường tốp dưới thì đành chấp nhận đại biểu đến dự có chức danh thấp. Điều này không ai nói ra nhưng rất tế nhị và là nỗi buồn của những trường tốp dưới. Nếu như quy trình phân công đại biểu làm theo kiểu ngược lại thì sẽ động viên sự phấn đấu vươn lên của những trường tốp dưới, nhưng thực tế điều đó ít xảy ra. |