28/11/2024

Xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là phạm luật

Các học giả VN và quốc tế đã cung cấp những khía cạnh xác thực nhất vấn đề đảo nhân tạo cũng như sự tổn hại đối với môi trường ở Biển Đông từ hành vi xây đảo bất hợp pháp của Trung Quốc.

 

Xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là phạm luật

 

 

Các học giả VN và quốc tế đã cung cấp những khía cạnh xác thực nhất vấn đề đảo nhân tạo cũng như sự tổn hại đối với môi trường ở Biển Đông từ hành vi xây đảo bất hợp pháp của Trung Quốc.


Toàn cảnh cuộc hội thảo “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực” - Ảnh: Đào Ngọc ThạchToàn cảnh cuộc hội thảo “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hoà bình,  an ninh, kinh tế và thương mại khu vực” – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ngày 25.7, tại hội trường Dinh Thống Nhất, Đại học Luật TP.HCM đã phối hợp với Hội Luật gia VN tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hoà bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực”. Đã có hơn 50 học giả, nhà khoa học và đặc biệt là các diễn giả đến từ Ấn Độ, Nga, Philippines, Nhật Bản, Indonesia, Bỉ, VN cùng hơn 250 đại biểu khách mời trong nước lẫn quốc tế.

Mở đầu hội thảo Chủ tịch Hội Luật gia VN Nguyễn Văn Quyền cho biết Biển Đông ngày càng thu hút sự chú ý của khu vực và cộng đồng quốc tế. Do vậy, hội thảo lần này hơn lúc nào hết cần sự góp ý thẳng thắn và những đóng góp thiết thực về những khía cạnh pháp lý cần thiết liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền của VN tại Biển Đông, cũng như kêu gọi sự hợp tác của khu vực và quốc tế trước hành vi tàn phá môi trường vô cùng nghiêm trọng và không thể vãn hồi của Trung Quốc.
“Vùng an toàn” phi lý
Hội thảo chia thành hai phiên chính với phiên tham luận đầu tiên xoay quanh khía cạnh pháp lý liên quan đến xây dựng đảo và công trình thiết bị nhân tạo theo quy định của Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. TS Ngô Hữu Phước của Đại học Luật TP.HCM khẳng định đảo nhân tạo không có các vùng biển mà chỉ có vùng an toàn tối đa 500 m tính từ mép ngoài của đảo.
Bên cạnh đó, UNCLOS không cho phép các quốc gia xây dựng đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thềm lục địa, biển quốc tế và đáy đại dương nhằm mục đích quân sự, phi hoà bình, như Trung Quốc đang ráo riết tiến hành tại Hoàng Sa và Trường Sa. TS Phước nhấn mạnh rằng đảo nhân tạo không được hưởng quy chế pháp lý của đảo. “Đảo nhân tạo không có lãnh hải riêng; sự có mặt của chúng không ảnh hưởng đến việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa”, theo khoản 2 điều 142 của UNCLOS.
Theo luật quốc tế, Trung Quốc không có quyền xây đảo nhân tạo tại những vùng đã chiếm đóng bằng vũ lực như đá Xu Bi, Ga Ven, Chữ Thập, Gạc Ma, Châu Viên, Tư Nghĩa và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của VN.
Hội thảo có sự góp mặt vô cùng quan trọng của GS Erik Franckx, Trưởng khoa Luật quốc tế và Luật châu Âu thuộc Đại học Tự do Brussels (VUB), Trọng tài viên của Toà Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan). Đây cũng là toà đang thụ lý vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Trong bài tham luận của mình, ông đã làm rõ hơn quá trình đúc kết suốt từ UNCLOS năm 1958 đến UNCLOS năm 1982 để cộng đồng quốc tế tiến tới đồng thuận về phạm vi an toàn tối đa là 500 m. “Bất kỳ khu vực an toàn nào được thiết lập theo khoản 5 điều 60 của UNCLOS mà vượt quá 500 m phải được đệ trình lên Tổ chức Hàng hải quốc tế để cân nhắc”, theo TS Franckx. Như vậy, dựa trên luật quốc tế, yêu sách 12 hải lý để lập “Vùng an toàn” của Trung Quốc đang đơn phương áp dụng tại Trường Sa là không có cơ sở.
Không chỉ xâm hại môi trường
TS Alena Ponkina – giảng viên Đại học Luật Kutafin – Moscow (Nga), cũng đưa ra những ý kiến tương tự. Thậm chí, báo cáo của 3 nhà khoa học Nga được TS Ponkina đại diện trình bày cho rằng các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép với mục tiêu quân sự có thể dẫn đến nhiều rắc rối trong trật tự thế giới hiện nay.
Đó là chưa kể tác động tiêu cực nghiêm trọng đối với môi trường biển từ những hành vi của Trung Quốc. TS người Nga dẫn một kết luận của chuyên gia Bahman Aghai Diba được chuyên san luật Soochow đăng tải vào năm 2009 về các đảo nhân tạo ở vùng Vịnh. Theo đó, ông này cho rằng vấn đề về khả năng gây ô nhiễm biển liên quan đến việc xây dựng hoặc sử dụng đảo nhân tạo cũng đồng thời dẫn đến các vấn đề pháp lý cụ thể, khi mà chuyện gây ô nhiễm đó có thể được xem là một hành vi phạm tội quốc tế, và nặng hơn nữa là hành vi xâm lược.
Trong khi đó, GS-TS Jay Batongbacal thuộc Đại học Philippines đã đưa ra một chủ đề mới mẻ và gây hứng thú: đó là triển vọng của việc áp dụng các biện pháp bảo đảm tạm thời chống lại những hành động đơn phương trên Biển Đông. Theo ông, có một biện pháp pháp lý có thể thực thi: đó là thủ tục tiền trọng tài được chuẩn bị kỹ lưỡng để yêu cầu áp dụng ngay lập tức các biện pháp tạm thời từ khi diễn ra những hành động đơn phương đó.
Các biện pháp tạm thời của UNCLOS có thể được áp đặt bởi một cơ quan tài phán quốc tế để bảo vệ và duy trì quyền của các bên, và bảo vệ môi trường biển chống lại những tác động nghiêm trọng, trong lúc chờ phân xử, như trường hợp của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi trao đổi riêng với Thanh Niên, GS Franckx dù đánh giá cao sáng kiến này nhưng rất lấy làm tiếc là Philippines đã bỏ qua cơ hội áp dụng khi khởi kiện Trung Quốc.
Tại phiên hai của hội thảo đề cập đến tác động của việc xây dựng đảo và công trình thiết bị nhân tạo đối với hoà bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực, Phó đô đốc Anup Singh, nguyên Tổng tư lệnh lực lượng hải quân miền đông Ấn Độ, đã nhấn mạnh: Nạn nhân đầu tiên và trực tiếp của hành vi xây đảo nhân tạo của Trung Quốc chính là môi trường Biển Đông. Ông đánh giá tuyên bố có ý nghĩa nhất của ASEAN trong hơn 40 năm tồn tại chính là tuyên bố cực kỳ mạnh mẽ lên án hành động của Trung Quốc, và gọi đó là một “mối đe doạ tiềm ẩn đối với hoà bình, an ninh và ổn định” tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 4.2015.
Thậm chí, Phó đô đốc Ấn Độ còn cho rằng hành vi của Trung Quốc đã và đang kích động cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Về phần Ấn Độ, quốc gia Nam Á này có 2 quan tâm chính đối với Biển Đông, thứ nhất là bảo vệ tuyến hàng hải, tự do thương mại; thứ hai là đầu tư hợp tác về mặt năng lượng với phía VN. Ông cho biết từ năm 1988, chính quyền New Delhi đã cùng với VN thăm dò dầu khí theo đúng tinh thần của UNCLOS. Do vậy, trong trường hợp ai đó tấn công các thực thể thăm dò dầu khí liên doanh giữa Ấn – VN, New Delhi sẽ ngay lập tức bảo vệ quyền lợi của mình, theo ông Singh.
Liên kết với giới luật học quốc tế
Chủ tịch Hội Luật gia VN Nguyễn Văn Quyền cho hay hội đã giành được sự ủng hộ của Hội Luật gia dân chủ quốc tế về vấn đề Trung Quốc, cụ thể là hành vi xây đảo trái phép của chính quyền Bắc Kinh. Hội cũng đang tiếp xúc với các hội luật gia ở các nước khác, đặc biệt tại các nước ASEAN.
Đến năm sau, VN sẽ tổ chức Hội nghị ALA (tên đầy đủ là Hiệp hội Luật các nước ASEAN) và sẽ đề nghị các nước thành viên ủng hộ VN trong việc ngăn chặn Trung Quốc xây dựng đảo bất hợp pháp trên Biển Đông.

 

Ý nghĩa vụ kiện của Philippines
Trong cuộc trao đổi với Thanh Niên, Giáo sư (GS) Erik Franckx đã đưa ra một số nhận định về vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Theo ông, vụ kiện này có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng quốc tế. Nếu sắp tới PCA xác định có thẩm quyền để tiếp tục xét xử và đưa ra phán quyết thì đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Trọng tài viên của PCA này cũng cho rằng các quốc gia có liên quan đến tranh chấp cần có thái độ chừng mực để sớm tìm được giải pháp, dù là tạm thời, giúp hạ nhiệt căng thẳng.“Bắc Kinh đang tự đưa mình vào thế khó trong quan hệ quốc tế. Để tránh tình trạng Trung Quốc tiếp tục bất chấp tất cả như hiện nay, tôi nghĩ việc PCA đưa ra phán quyết để làm cơ sở pháp lý là điều hết sức cần thiết”, ông nói.
Lan Chi

Thụy Miên