29/11/2024

Bóng ma MH17

Tròn một năm sau khi máy bay MH17 rơi tại miền đông Ukraine, những bí ẩn xung quanh vụ việc vẫn chưa được giải mã.

 

Bóng ma MH17

 

Tròn một năm sau khi máy bay MH17 rơi tại miền đông Ukraine, những bí ẩn xung quanh vụ việc vẫn chưa được giải mã.

 

 

Cha mẹ của nạn nhân người Úc Fatima Dyczynski đến thăm hiện trường vụ rơi máy bay ở Ukraine - Ảnh: ReutersCha mẹ của nạn nhân người Úc Fatima Dyczynski đến thăm hiện trường vụ rơi máy bay ở Ukraine - Ảnh: Reuters
Hôm nay (17.7) đánh dấu một năm xảy ra vụ rơi máy bay MH17 của Hãng Malaysia Airlines ở miền đông Ukraine, khiến toàn bộ 298 người trên máy bay tử nạn. Thảm kịch xảy ra khi chiếc Boeing 777 có hành trình từ thủ đô Amsterdam (Hà Lan) đến thủ đô Kuala-Lumpur (Malaysia) bay vào không phận Ukraine.
Đối với nhiều gia đình nạn nhân, sự chờ đợi trong đau đớn và mơ hồ vẫn đeo bám cuộc sống họ trong một năm qua. Dường như việc mong chờ nhận thi thể của người thân chưa đủ đau đớn, họ còn phải đối mặt với nhiều câu hỏi mập mờ liên quan tới thảm họa: Ai bắn rơi máy bay? Thủ phạm có được đưa ra trước công lý? Tại sao chiếc Boeing 777 từ Amsterdam đến Kuala Lumpur lại bay qua vùng chiến sự?
“Thế giới của bạn sụp đổ với tin sét đánh. Mọi thứ xung quanh bạn vẫn tiếp diễn và bạn cố hòa nhập song không dễ dàng chút nào”, bà Silene Silene Fredriksz-Hoogzand ở thành phố Rotterdam (Hà Lan), có con trai thiệt mạng trong vụ rơi máy bay, chia sẻ với AP. Còn Ivy Loi, vợ của cơ trưởng Eugene Choo, nói trong nước mắt: “Chúng tôi muốn biết ai bắn máy bay. Chúng ta nhất định phải tìm ra thủ phạm. Chúng tôi chỉ đang cố gắng đối mặt với sự thật”.
Báo cáo điều tra cuối cùng
Do phần lớn nạn nhân là người Hà Lan và chuyến bay cất cánh từ Amsterdam nên chính phủ nước này được giao nhiệm vụ đứng đầu 2 cuộc điều tra quốc tế quan trọng liên quan tới thảm nạn: điều tra nguyên nhân và điều tra hình sự.
Mặc dù bản báo cáo cuối cùng của các nhà điều tra Hà Lan chưa được công bố, song Đài CNN ngày 16.7 dẫn các nguồn tin riêng tiết lộ phần lớn các chi tiết quan trọng. Theo CNN, giới chức điều tra Hà Lan kết luận rằng các bằng chứng thu thập được cho thấy quân nổi dậy tại miền đông đã bắn rơi MH17 bằng tên lửa Buk do Nga sản xuất. Báo cáo khẳng định tên lửa đất đối không đã được phóng từ một ngôi làng thuộc phần lãnh thổ do phe nổi dậy kiểm soát. Chiếc Boeing sau đó rơi xuống vùng Donetsk, miền đông Ukraine.
CNN cho hay bản báo cáo liệt kê chi tiết từng phút một của chuyến bay MH17 đã được chuyển cho nhiều cơ quan trên thế giới, bao gồm Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ, Cục Hàng không liên bang (FAA) và Hãng Boeing để đánh giá. Những nước tham gia cuộc điều tra như Malaysia, Úc, Bỉ và Ukraine cũng đã nhận được bản báo cáo dài hàng trăm trang và có 60 ngày để đưa ra bình luận.
Các nguồn tin của CNN tiết lộ thêm rằng văn bản trên cũng quy một số trách nhiệm cho Malaysia Airlines liên quan đến hành trình chuyến bay. Một số hãng hàng không đã tránh khu vực xung đột, song Malaysia Airlines không quan tâm đến thông báo của các nước dành cho phi công (còn gọi là NOTAM) và tiếp tục để máy bay của hãng bay qua vùng chiến sự.
NOTAM là các bản lưu ý được gửi tới cho phi công trước chuyến bay, đưa ra một số lời khuyên về các tình huống liên quan tới tình trạng bay và có thể bao gồm cảnh báo về những nguy hiểm có thể xảy ra khi bay qua vùng chiến sự. Trong bản báo cáo, các nhà điều tra Hà Lan cho rằng do Malaysia Airlines không xem xét NOTAM của các nước khác nên họ không biết về những vùng xung đột mà nhiều hãng hàng không tránh bay qua. Bản điều tra cuối cùng dự kiến được công bố vào trung tuần tháng 10.
Trong khi đó, Nga cũng đang tiến hành cuộc điều tra riêng rẽ về vụ MH17. Đài RT dẫn lời ông Vladimir Markin, người đứng đầu Uỷ ban Điều tra Nga, cho hay Moscow ưu tiên xem xét giả thuyết cho rằng máy bay Malaysia bị bắn hạ bằng tên lửa không đối không tại miền đông Ukraine. “Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng loại tên lửa đó không được sản xuất tại Nga”, ông Markin phát biểu.
Quan chức Nga nhấn mạnh kết luận của các chuyên gia phù hợp với lời khai của nhân chứng Evgeniy Agapov, một thợ máy sửa chữa máy bay thuộc Không quân Ukraine. Theo RT, Agapov khai rằng vào ngày 17.7.2014, một chiếc máy bay chiến đấu Sukhoi Su-25 của Ukraine mang theo tên lửa không đối không, sau khi thực hiện sứ mệnh quân sự đã quay trở về mà không còn bất cứ tên lửa nào.
Theo AFP, hôm nay 17.7 Hà Lan sẽ treo cờ rủ tại các công sở để tưởng nhớ nạn nhân thảm hoạ. Khoảng 2.000 thân nhân dự kiến tham dự lễ tưởng niệm riêng dành cho họ tại thành phố Nieuwegein, miền trung Hà Lan với sự tham gia của Thủ tướng Mark Rutte và nhiều quan chức cấp cao khác.
Tranh cãi về phiên tòa quốc tế
Trong bối cảnh các cuộc điều tra đều chưa thật sự làm sáng tỏ vụ việc thì Malaysia ngày 14.7 đã trình lên Liên Hiệp Quốc bản dự thảo nghị quyết về việc thành lập toà án quốc tế để xét xử những kẻ đứng sau thảm hoạ, theo AFP.
Dự thảo kêu gọi thành lập toà án quốc tế theo chương 7 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Bản dự thảo mô tả việc bắn rơi máy bay là “mối đe doạ đối với hoà bình và an ninh quốc tế”, đồng thời khẳng định rằng mọi quốc gia nên hợp tác đầy đủ với tòa trọng tài. Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin ngày 15.7 tuyên bố không có cơ sở để lập toà án, theo RT. Đại sứ Churkin còn nói các chuyên gia Nga đã “bị loại” khỏi cuộc điều tra nguyên nhân, trong khi cuộc điều tra hình sự đang được tiến hành “một cách bí mật tuyệt đối giữa một số nước”.
Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm 17.7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhấn mạnh việc thành lập toà án quốc tế là “phản tác dụng”.

 

Danh Toại