28/11/2024

Trung Quốc được trao cơ hội phản biện

Phán quyết về thẩm quyền xét xử của Toà trọng tài thường trực trong vụ kiện liên quan đến yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ được đưa ra trước cuối năm nay.

 

Phiên toà Philippines kiện Trung Quốc: Trung Quốc được trao cơ hội phản biện

 

 

Phán quyết về thẩm quyền xét xử của Toà trọng tài thường trực trong vụ kiện liên quan đến yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ được đưa ra trước cuối năm nay.

 

 

Phiên tòa Philippines kiện Trung Quốc: Trung Quốc được trao cơ hội phản biệnPhilippines cử phái đoàn gồm 60 người tham gia phiên tranh tụng vừa qua ở PCA  – Ảnh: PCA
 
 
Philippines gia cố tàu mắc cạn ở bãi Cỏ Mây
Ngày 14.7, Reuters loan tin hải quân Philippines đang âm thầm củng cố thân và boong của tàu đổ bộ BRP Sierra Madre, vốn được lực lượng này sử dụng như căn cứ kể từ khi nó mắc cạn tại bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN từ năm 1999.
Cụ thể, hai sĩ quan Philippines có mặt trên tàu tiết lộ với Reuters rằng từ cuối năm ngoái, hải quân nước này đã dùng tàu cá và nhiều tàu nhỏ khác để vận chuyển xi măng, thép, dây thép và thiết bị hàn tới tàu BRP Sierra Madre và đối mặt với không ít mối đe dọa từ tàu hải cảnh Trung Quốc.
“Chúng tôi biết rằng Trung Quốc đang mong tàu đó vỡ ra, nhưng chúng tôi đang làm hết mình để giữ nó còn nguyên vẹn”, một trong hai sĩ quan trên nói với Reuters và cho biết thêm dù đang diễn ra chậm, công việc tu sửa tàu có thể được hoàn thành vào cuối năm nay.
 

Sau khi phiên tranh tụng đầu tiên của vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông kết thúc ngày 13.7 (giờ địa phương), Toà trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) đã đề ra những thời hạn mới để các bên tiếp tục củng cố lập luận và chứng cứ.

Trong thông cáo được đăng trên website, Toà trọng tài thường trực yêu cầu Philippines phải trình phần phúc đáp bằng văn bản đối với những câu hỏi bổ sung do các thẩm phán đưa ra trong phiên tranh tụng trước ngày 23.7. Dù Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận tham gia vụ kiện, Toà trọng tài thường trực vẫn cho nước này cơ hội đưa ra bình luận bằng văn bản đối với các lập luận của phía Philippines trước ngày 17.8.
“Tòa trọng tài đã cập nhật cho phía Trung Quốc mọi diễn biến phiên toà và khẳng định Trung Quốc vẫn có thể tham dự vụ kiện trong bất kỳ giai đoạn nào”, thông cáo viết.
Cũng trong thông cáo, Toà trọng tài thường trực nêu rõ lý do phải tiến hành phiên tranh tụng về thẩm quyền xét xử. Một trong những lý do đó là Trung Quốc khẳng định những yêu cầu của Philippines nằm ngoài thẩm quyền xét xử của toà án. Theo Toà trọng tài thường trực, tòa án được lập theo mục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) có thẩm quyền xét xử một vụ tranh chấp giữa các quốc gia thành viên nếu tranh chấp đó liên quan đến “việc diễn giải hoặc áp dụng” công ước.
Trong phiên tranh tụng, theo Toà trọng tài thường trực, phía Philippines lập luận rằng đơn kiện của họ liên quan đến tình trạng của các thực thể nhất định trên biển và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đòi hỏi tòa vận dụng các điều khoản liên quan của UNCLOS nên những vấn đề đó nằm trong thẩm quyền xét xử của toà.
Tòa trọng tài thường trực tuyên bố sẽ cố gắng đưa ra quyết định về thẩm quyền xét xử “càng sớm càng tốt”, “dự kiến trước cuối năm nay”. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose dự đoán Toà trọng tài thường trực có thể đưa ra phán quyết trong vòng 3 tháng, theo trang tin Rappler.com. Nếu xác định có thẩm quyền xét xử đối với một số hoặc tất cả yêu cầu của Philippines, Tòa trọng tài thường trực sẽ chuyển sang mở phiên xét xử về nội dung các yêu cầu. Ngược lại, vụ kiện sẽ kết thúc ở đó.
Trước thông cáo của Toà trọng tài thường trực, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm qua tiếp tục tuyên bố Bắc Kinh không chấp nhận vụ kiện và yêu cầu Manila “trở lại con đường đúng đắn là giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn”, theo AP. Phía Trung Quốc cũng khẳng định sẽ “không bao giờ chấp nhận các nỗ lực đơn phương để kéo một bên thứ ba vào giải quyết tranh chấp”.
Google gỡ địa danh Trung Quốc khỏi bãi tranh chấp
Google vừa gỡ bỏ tên Trung Quốc khỏi phần địa danh của bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông. Bãi cạn này vốn được phía Philippines gọi là Panatag, còn Trung Quốc gọi là Huangyan (âm Hán Việt: Hoàng Nham). Khi tìm bãi cạn này ngày 14.7, người sử dụng Google Maps chỉ có thể thấy tên gọi quốc tế Scarborough.
Hãng công nghệ Mỹ thực hiện động thái trên sau khi gần 2.000 người ký tên ủng hộ thư thỉnh nguyện trên website Change.org, yêu cầu Google Maps chấm dứt tiếp tay cho các yêu sách lãnh thổ phi pháp của Trung Quốc trong khu vực. Thỉnh nguyện thư được đưa lên trang Change.org từ tuần rồi, không lâu sau khi Google Maps gán cho bãi Scarborough là một phần của bãi Macclesfield mà Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa.
“Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc thâu tóm phần lớn Biển Đông theo đường chín đoạn của họ… là phi pháp và đang tạo ra căng thẳng giữa các quốc gia. Các bản đồ của Google hiển thị bãi cạn này là một phần của chuỗi đảo Trung Sa thì chẳng khác nào chấp nhận điều thực chất là cướp lãnh thổ mà những quốc gia yêu hoà bình phải phản đối”, thư thỉnh nguyện viết.

Văn Khoa