Yên tâm học thạc sĩ, tiến sĩ trong nước
Tôi hi vọng trong 20 năm tới, việc đào tạo bậc cao học ở Việt Nam thật sự vươn tầm thế giới. Khi đó, sinh viên có thể học cao học ngay trong nước với chi phí phù hợp mà vẫn yên tâm về chất lượng đào tạo.
CUỘC THI KỲ VỌNG VIỆT NAM 20 NĂM
Yên tâm học thạc sĩ, tiến sĩ trong nước
Tôi hi vọng trong 20 năm tới, việc đào tạo bậc cao học ở Việt Nam thật sự vươn tầm thế giới. Khi đó, sinh viên có thể học cao học ngay trong nước với chi phí phù hợp mà vẫn yên tâm về chất lượng đào tạo.
Các tân thạc sĩ Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM trong ngày nhận bằng – Ảnh: Như Hùng |
Là sinh viên năm 2 ngành kinh tế, tôi cũng như bất kỳ sinh viên đại học nào khác đều trăn trở với câu hỏi: Có hay không nên học cao học và học cao học ở Việt Nam hay ra nước ngoài?
Nỗi lo chất lượng
Theo thống kê của Bộ Giáo dục – đào tạo năm 2013, Việt Nam ta có 24.300 tiến sĩ. Trong đó có khoảng 9.300 tiến sĩ đang giảng dạy tại các trường đại học – cao đẳng, gần 15.000 người là quan chức, làm việc trong công ty, doanh nghiệp. Hiện tượng bằng cấp đã được nói đến nhiều, nhưng hiện nay không chỉ xảy ra với bằng đại học mà ngay cả bằng tiến sĩ, thạc sĩ. Vậy sinh viên chúng tôi có thể không hướng đến việc lấy bằng tiến sĩ, thạc sĩ hay không?
Với những người muốn theo con đường nghiên cứu chuyên sâu như tôi thì học cao học là cần thiết và là điều kiện tiên quyết để theo đuổi ước mơ. Ngay cả khi xác định mình cần phải học cao học thì học ở đâu cũng làm nhiều người phân vân. Đó là do chất lượng đào tạo sau đại học trong nước còn thấp và mang tính hình thức.
Việt Nam có số lượng tiến sĩ lớn nhất ASEAN, nhưng số nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí thế giới thuộc nhóm nước thấp nhất khu vực đã minh chứng cho điều trên. Vậy chúng tôi phải ra nước ngoài học, nhưng học phí là gánh nặng quá lớn với đa số người muốn học lên.
Do đó, tôi cũng như nhiều người mong muốn đào tạo bậc cao học ở Việt Nam thật sự vươn tầm thế giới. Tôi mong Nhà nước và xã hội quan tâm cũng như đầu tư đúng mức hơn để giải quyết vấn đề này. Chỉ có hành động ngay từ hôm nay thì ở Việt Nam 20 năm nữa, chúng ta mới có nền giáo dục sau đại học hiện đại đáp ứng cho sự phát triển của đất nước.
4 khuyến nghị tạo bước đột phá
Trước hết, cần xây dựng chiến lược phát triển cho việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước theo từng giai đoạn. Chiến lược này phải bao gồm bốn yếu tố: ngành nghề đào tạo, số lượng đào tạo, chất lượng đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực này sau đào tạo.
Về ngành nghề đào tạo, theo tôi, việc ngành nào, nghề nào cũng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ như hiện nay gây lãng phí nguồn lực xã hội và chất lượng thấp vì đầu tư dàn trải trong khi ngân sách có hạn. Chúng ta cần chọn ra ngành nghề trọng điểm cần đào tạo phù hợp với định hướng phát triển của đất nước.
Về số lượng đào tạo, chúng ta cần đánh giá chính xác nhu cầu của xã hội, tránh đào tạo dư thừa. Tiếp theo, chất lượng đào tạo cần được cải thiện, thắt chặt đầu ra, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế. Cuối cùng, các cơ quan chức năng cần xây dựng đề án sử dụng nguồn nhân lực đã được đào tạo này có hiệu quả, tránh hiện tượng chảy máu chất xám.
Thứ hai là cải cách cơ chế đào tạo hiện nay. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn – chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu y khoa Garvan, giáo sư Trường đại học New South Wales – từng đưa ra sáu vấn đề nổi cộm trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam: môi trường đào tạo và mô hình đào tạo, thời gian đào tạo, gánh nặng của nghiên cứu sinh, nghiên cứu phải có can thiệp, thủ tục bao thư lạ lùng khi bảo vệ luận án và ký kết lạ lùng khi nghiên cứu sinh được học bổng nước ngoài.
Những vấn đề này không mới nhưng nhiều năm nay Bộ Giáo dục – đào tạo vẫn loay hoay chưa thể giải quyết được. Theo tôi, bộ cần mở các cuộc họp mời chuyên gia trong và ngoài nước để lấy ý kiến rộng rãi: quy định nào chưa hợp lý thì sửa đổi hoặc bỏ hẳn, áp dụng cơ chế của các nước tiên tiến đã được chuẩn hóa.
Thứ ba, Nhà nước phải đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đào tạo hiện đại và đội ngũ giảng dạy chất lượng. Hiện nay nhóm thạc sĩ, tiến sĩ là nhân lực chất lượng cao đảm nhiệm vai trò quản lý đất nước và nghiên cứu khoa học nhưng lại chưa được đầu tư tương xứng.
Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ đào tạo còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu dẫn đến việc nghiên cứu sinh không thể thực nghiệm khoa học, kết quả nghiên cứu không có tính mới hoặc không áp dụng vào thực tiễn. Ở nước ngoài, nghiên cứu sinh sẽ cùng làm đề tài khoa học với người hướng dẫn, đề tài này đã được cấp kinh phí từ trước. Do vậy chất lượng nghiên cứu của họ thường tốt hơn trong nước với cùng đề tài.
Ngoài cơ sở hạ tầng, chúng ta cần có một đội ngũ giảng dạy có kinh nghiệm, chất lượng cao. Muốn vậy, họ cần được đầu tư đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài, cung cấp kinh phí nghiên cứu, tham gia các hội thảo trong và ngoài nước. Tất cả cần sự đầu tư mạnh mẽ từ phía Nhà nước.
Thứ tư là xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ chất lượng thạc sĩ, tiến sĩ. Nhóm biện pháp này bao gồm: đánh giá chất lượng trong khi đào tạo và sau đào tạo. Hiện nay chúng ta có 10 tiêu chí để đánh giá chất lượng một công trình nghiên cứu theo đúng tiêu chuẩn của các nước phát triển. Tuy nhiên, giữa yêu cầu, thực thi và kiểm soát đánh giá chưa có sự thống nhất: yêu cầu cao nhưng thực thi chưa đúng, năng lực đánh giá thấp.
Để giải quyết vấn đề này cần xây dựng được đội ngũ các nhà thẩm định thật sự có năng lực, mời cả các nhà khoa học trên thế giới để giúp nâng cao “chất lượng thật” của luận văn thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam.
Nhà nước cần đưa ra các chế tài phạt thật nặng những người đạo văn hoặc người có hiện tượng đút lót, nhận hối lộ khi tham gia thẩm định công trình. Đối với nhóm đã qua đào tạo, Nhà nước cần phải kiểm tra tiến độ hoạt động nghiên cứu khoa học, các đóng góp cống hiến tương xứng với học vị được nhận.
Qua đó, chúng ta có thể đẩy lùi được hiện tượng học bằng tiến sĩ, thạc sĩ để thăng chức, tăng lương hoặc đáp ứng yêu cầu bằng cấp của cơ quan đơn vị làm việc.