28/11/2024

Chấm thi tự luận có khách quan?

Tôi có hai con sinh đôi năm nay cùng học lớp 12, cùng chuẩn bị thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH.

  THÍ SINH HỎI, CỤC KHẢO THÍ TRẢ LỜI:

Chấm thi tự luận có khách quan?

 

Tôi có hai con sinh đôi năm nay cùng học lớp 12, cùng chuẩn bị thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH. 

 

 

Đông đảo thí sinh đến nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2015 tại văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Đông đảo thí sinh đến nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2015 tại văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

Theo quan sát và suy nghĩ của tôi thì bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy sẽ đảm bảo khách quan, không có sự can thiệp chủ quan của người chấm. Nhưng bài thi tự luận sẽ được chấm theo quy trình nào để bảo đảm tính chính xác, khách quan? Việc chấm thi ở các cụm thi địa phương mà thí sinh dùng kết quả chỉ để xét tốt nghiệp THPT có khác gì so với chấm thi do trường ĐH chủ trì hay không?

BÙI THẾ LỢI (TP.HCM)

– Theo quy định, tất cả hội đồng thi đều phải thực hiện một quy trình chung thống nhất về chấm thi như nhau.

Cụ thể, để chấm bài thi tự luận và bài thi phần viết của các môn ngoại ngữ (gọi chung là bài thi tự luận), sau khi nhận các túi bài thi đã làm phách và phiếu chấm, trưởng môn chấm thi sẽ tập trung toàn bộ cán bộ chấm thi để quán triệt quy chế thi, thảo luận hướng dẫn chấm, chấm chung ít nhất 10 bài mỗi môn để rút kinh nghiệm, thống nhất cách vận dụng hướng dẫn chấm để sau đó tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập. Cán bộ chấm thi chấm lần thứ nhất và lần thứ hai ngồi ở hai phòng chấm khác nhau.

Ở lần chấm thứ nhất, chấm xong túi nào, cán bộ chấm thi giao túi ấy cho trưởng môn chấm thi để bàn giao cho ban thư ký hội đồng thi.

Sau khi chấm lần thứ nhất, thành viên ban thư ký hội đồng thi rút các phiếu chấm thi ra rồi giao túi bài thi cho trưởng môn chấm thi để tổ chức bốc thăm cho người chấm lần thứ hai, đảm bảo không giao trở lại túi bài thi đã chấm cho chính người đã chấm lần thứ nhất.

Cán bộ chấm thi lần thứ hai chấm trực tiếp vào bài làm của thí sinh và ghi vào phiếu chấm. Chấm xong túi nào, cán bộ chấm thi giao túi ấy và phiếu chấm cho trưởng môn chấm thi để bàn giao cho ban thư ký hội đồng thi.

Nếu sau hai lần chấm, điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệnh nhau thì tuỳ mức độ chênh lệch điểm mà hai cán bộ coi thi có thể thảo luận thống nhất điểm, hoặc phải báo cáo trưởng môn chấm thi để thống nhất điểm, thậm chí có thể trưởng môn chấm thi phải tổ chức chấm lần thứ ba trực tiếp vào bài thi của thí sinh.

* Ba em là thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%. Em đọc quy chế thấy sẽ được cộng 1 điểm ưu tiên khi xét tuyển vào ĐH. Ngoài ra, em cũng là người dân tộc thiểu số, đồng thời có hộ khẩu thường trú tại thôn đặc biệt khó khăn thuộc tỉnh Trà Vinh. Vậy em sẽ được hưởng ưu tiên mấy điểm khi xét tuyển vào ĐH? Liệu ngoài ưu tiên theo khu vực thì ưu tiên theo đối tượng em có được cộng gộp cả điểm là con thương binh và điểm cộng là người dân tộc thiểu số hay không? 


T.T.LỆ (18 tuổi, Trà Cú, Trà Vinh)

– Em có hộ khẩu tại Trà Cú (thuộc khu vực 1), khi tính điểm xét tuyển vào ĐH em được ưu tiên khu vực 1,5 điểm.

Về ưu tiên theo đối tượng, em là con thương binh (dưới 81%) nên sẽ được 1 điểm ưu tiên, nhưng em cũng đồng thời là học sinh dân tộc thiểu số và hộ khẩu tại vùng khó khăn nên sẽ được 2 điểm ưu tiên. Tuy nhiên theo quy định, em chỉ được chọn chế độ ưu tiên theo đối tượng cao nhất là 2 điểm.

Như vậy em được tổng cộng 1,5 + 2 điểm ưu tiên (3,5 điểm).

* Em đang là học sinh lớp 12. Ba em là thương binh, nhưng khi làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia em chưa làm kịp chính sách ưu tiên. Nay giấy tờ đã đầy đủ, em xin bổ sung được không? Em nghe nói Bộ GD-ĐT chỉ cho điều chỉnh thông tin đăng ký dự thi đến cuối tháng 5, như vậy những trường hợp như em thiệt thòi quá…

BÙI THỊ CẨM (Quảng Bình)

– Ngày 22-5, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi đến các sở GD-ĐT, các trường ĐH chủ trì cụm thi yêu cầu các sở GD-ĐT, các trường ĐH chủ trì cụm thi cho phép thí sinh được kéo dài thời gian thay đổi thông tin đăng ký dự thi – trong đó có cả thông tin về môn thi, thông tin liên quan chính sách ưu tiên… – đến trước ngày 27-5.

Riêng về các thông tin liên quan đến chính sách ưu tiên trong tuyển sinh như đối tượng ưu tiên, nếu phát hiện thông tin mình đã khai chưa chuẩn xác, thí sinh vẫn có thể được yêu cầu thay đổi tại ngày đầu làm thủ tục dự thi và khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sau đó.

* Ngoài giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển ĐH đợt 1, ba giấy chứng nhận kết quả dùng để xét tuyển bổ sung em có thể dùng để đăng ký xét tuyển cùng một lúc vào ba trường ngay ở đợt xét tuyển thứ hai được không?

TUẤN THÀNH (Đà Nẵng)

– Khác với việc đăng ký xét tuyển ĐH đợt 1 em chỉ được đăng ký xét tuyển vào một trường, còn khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, các em có thể đồng thời sử dụng cả ba giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký vào ba trường khác nhau. Ở mỗi trường này, em có thể đăng ký tối đa bốn nguyện vọng vào bốn ngành học khác nhau, hoặc cũng có thể đăng ký cùng ngành học với những tổ hợp xét tuyển khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển.

* Bộ GD-ĐT có hướng dẫn ngoài xét tuyển đợt 1 sẽ có bốn đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Em chưa hiểu rõ lắm về quy định này. Ví dụ em đăng ký thi các môn toán, văn, tiếng Anh, vật lý để tổ hợp thành khối thi A1, D1 với nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH ngoại thương thì em phải đăng ký như thế nào để có khả năng trúng tuyển ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên? Trường hợp không trúng tuyển đợt 1, em phải lưu ý điều gì để trúng tuyển ở các kỳ xét tuyển bổ sung?

LÂM PHƯƠNG ANH (Gia Lâm, Hà Nội)

– Nếu em đã chọn dự thi các môn để tổ hợp thành các khối A1 và D1, thì ở đợt 1 em có thể dùng kết quả thi để đăng ký các ngành khác nhau có xét tuyển hai tổ hợp môn thi này. Như vậy sau khi có kết quả thi, trước hết em phải cân nhắc chọn một trường mà em mong muốn được vào học nhất, nhưng lại phù hợp với kết quả thi của mình ở các tổ hợp dùng để xét tuyển. Em có thể tham khảo điểm trúng tuyển các năm trước của các trường để đưa ra quyết định phù hợp.

Tiếp theo, em phải cân nhắc để lựa chọn tối đa bốn ngành của trường đó để đăng ký theo thứ tự ưu tiên từ 1-4. Các em phải lưu ý không nên chọn ngành mà mình không muốn học, vì nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì sẽ không được quyền đăng ký nguyện vọng bổ sung.

Cũng như vậy, nếu em đã trúng tuyển ngành có thứ tự ưu tiên 1 thì sẽ không được xét tuyển vào các ngành đăng ký thứ tự ưu tiên 2, 3, 4 nữa.

Trong thời gian 20 ngày của đợt xét tuyển 1, ba ngày một lần các trường sẽ công bố công khai danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường và xếp thứ tự điểm thi từ cao tới thấp. Em phải theo dõi thông tin này để nếu cần thiết thì điều chỉnh lại nguyện vọng đã đăng ký hoặc rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác.

Về cơ bản, nếu đủ điều kiện xét tuyển và có sự cân nhắc kỹ càng thì khả năng trúng tuyển ngay ở đợt 1 là rất lớn. Trường hợp không trúng tuyển đợt 1 mới dùng đến các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Theo quy định, khi xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh có thể dùng đồng thời ba giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào ba trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa bốn nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.

Việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung giống như các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung của năm 2014, nhưng sẽ có nhiều cơ hội hơn vì tối đa các em có 12 nguyện vọng (ba giấy chứng nhận kết quả thi, mỗi giấy có thể đăng ký tối đa bốn nguyện vọng).

 

NGỌC HÀ