Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới: Làm sao biến kỳ vọng thành hiện thực?
“Ước mơ của bạn đóng góp gì cho sự phát triển chung của đất nước trong tương lai?” được gợi mở trong lễ giới thiệu cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” tổ chức trong hai ngày 8 và 9-6 tại Hà Nội.
Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới: Làm sao biến kỳ vọng thành hiện thực?
“Ước mơ của bạn đóng góp gì cho sự phát triển chung của đất nước trong tương lai?” được gợi mở trong lễ giới thiệu cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” tổ chức trong hai ngày 8 và 9-6 tại Hà Nội.
Bạn trẻ trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước 30-4-2015 tại TP.HCM. Ảnh: Reuters. |
“Kỳ vọng của bạn về Việt Nam trong 20 năm tới là gì?” và “Làm sao để biến kỳ vọng này thành hiện thực?” là những câu hỏi nhận được sự thảo luận sôi nổi của nhiều sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền và ĐH Ngoại thương tại Hà Nội tại lễ giới thiệu cuộc thi.
Nhà báo Lê Xuân Trung – uỷ viên ban biên tập, tổng thư ký toà soạn báo Tuổi Trẻ - cho biết cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” (do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới – WB – tại VN tổ chức) chỉ qua 20 ngày phát động nhận được 190 bài dự thi, trung bình mỗi ngày khoảng chín bài, vượt xa sự kỳ vọng của ban tổ chức, trong đó bạn đọc nhỏ tuổi nhất là 15 tuổi và lớn tuổi nhất là 84 tuổi.
Theo ông Xuân Trung, qua những bài viết của mình, bạn đọc muốn gửi gắm kỳ vọng rằng trong 20 năm tới đất nước VN phát triển ngang tầm khu vực về kinh tế, xã hội, giáo dục. VN sẽ là một xã hội văn minh, bình đẳng, trọng dụng nhân tài. Nền giáo dục hiệu quả đáp ứng nhu cầu của xã hội, và môi trường sống lành mạnh, đất nước xanh – sạch – đẹp.
Những ý tưởng và giải pháp hay từ bạn đọc cũng sẽ đóng góp tích cực vào việc xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035 do WB và Chính phủ Việt Nam đồng thực hiện.
Ông Lê Xuân Trung giới thiệu về cuộc thi – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Mơ giấc mơ lớn nhưng phải… thực tế
Tại Trường ĐH Ngoại thương, không khí sôi động ngay từ phần giới thiệu về thể lệ cuộc thi khi nhà báo Lê Xuân Trung gợi mở: “Ước mơ của chính các bạn là gì? Ước mơ ấy sẽ đóng góp gì cho sự phát triển chung của đất nước trong tương lai?”.
“Khi mới vào trường, em chỉ có ước muốn giản dị là sau khi tốt nghiệp sẽ có được một công việc có thu nhập ổn định. Song hai năm học ở Trường ĐH Ngoại thương, một môi trường năng động cho em cái nhìn rộng mở hơn, nên hoài bão hiện tại của em là sau 20 năm nữa mình sẽ trở thành uỷ viên Bộ Chính trị. Em nghĩ mỗi người sinh ra đều cần trả lời ba câu hỏi: Mình sinh ra để làm gì, trong tương lai mình sẽ là ai, khi chết đi liệu có ai nhớ đến mình?”-Phạm Duy Thắng, sinh viên khoa kinh tế quốc tế, chia sẻ.
“Còn em mơ ước mình sẽ trở thành chuyên gia hàng đầu về truyền thông, về quan hệ công chúng vì đó là ngành mà em có thể bộc lộ hết khả năng của mình. Hai mươi năm tới, nếu em thực hiện ước mơ của mình, em nghĩ bản thân mình cũng sẽ là nhân tố quan trọng tạo sự phát triển đột phá cho cả ngành truyền thông VN. Hai mươi năm tới, theo suy nghĩ của em, VN sẽ rất phát triển. Riêng báo chí và truyền thông sẽ vươn đến đỉnh cao…”- Khánh Linh, sinh viên khoa thương mại quốc tế, khẳng định chắc nịch.
Sinh viên Nguyễn Minh Thành, Học viện Báo chí và tuyên truyền, đặt câu hỏi rằng: “Em có ý tưởng mong muốn sau này VN sẽ trở thành đất nước có nguồn nhân lực cao nhưng không biết làm sao biến ý tưởng thành hiện thực?”.
Đáp lại băn khoăn của sinh viên Thành, ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại VN và là thành viên nhóm xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035, cho biết nguồn nhân lực chất lượng cao rất cần thiết cho sự phát triển của VN trong tương lai.
Ông Sandeep nói ban tổ chức hoan nghênh mọi ý tưởng có tính khả thi nhưng người tham gia dự thi phải trình bày ý tưởng sao cho rõ ràng, thuyết phục. Ông khuyến khích các sinh viên mơ những giấc mơ lớn nhưng phải thực tế:
“Ví dụ hiện tại mỗi năm VN thu hút 7 – 10 triệu du khách, nếu các bạn đưa ra ý tưởng giúp tăng số lượng du khách đến VN trong 20 năm tới lên đến khoảng 35 triệu du khách thì đó là giấc mơ có thể thực hiện được. Nhưng nếu ai đó mong muốn con số 200 triệu là phi thực tế”.
Ông Sandeep cho rằng VN sẽ thay đổi rất nhiều và sẽ đạt được nhiều thành tựu lớn trong 20 năm tới, song song đó cũng sẽ đối mặt với những thách thức lớn. Đại diện WB khuyến khích các sinh viên dự đoán những thách thức mà VN sẽ đối mặt và đề ra những giải pháp cụ thể.
Ông Sandeep Mahajan chia sẻ với sinh viên – Ảnh: N.KH. |
“Không có công thức chung cho thành công”
Ông Sandeep Mahajan khẳng định: “Không có công thức chung nào cho thành công cả. Không có chuyện kinh nghiệm của một quốc gia thành công có thể áp dụng cho tất cả các quốc gia còn lại”.
Theo ông, VN không có thế mạnh về nguồn tài nguyên dầu mỏ, kim cương như một số ít quốc gia, nhưng những nước có nền tảng tương tự VN cũng đã bứt phá ngoạn mục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
VN đã tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực, đã tận dụng được lợi thế nguồn nhân lực và đã có thành công nhất định trong đào tạo nhân lực cho đất nước.
“Các quốc gia khác cũng phải nhìn xa 20 năm tới. Bởi lẽ có những hoạt động chúng ta không đánh giá được trong ngắn hạn như trong đầu tư xây dựng trường ĐH, đầu tư cho một thành phố…”- ông Sandeep Mahajan nhấn mạnh.
Khi một sinh viên đề nghị được chia sẻ những dữ liệu cụ thể về sự phát triển của VN 20 năm tới trong Báo cáo Việt Nam 2035, ông Sandeep Mahajan cho rằng rất khó để đưa ra dự đoán về tương lai vì nó phụ thuộc nhiều yếu tố.
Theo đó, thay vì có các con số giả định chính xác, WB cũng đã đưa ra những kịch bản cho VN. Nhưng kịch bản phát triển của đất nước sẽ phụ thuộc vào nỗ lực của Chính phủ và người dân.
“Nỗ lực đó sẽ quyết định tương lai của chúng ta ra sao và những giả định, suy tưởng về tương lai của chúng ta thật sự chỉ là tham vọng hay là điều chúng ta có thể đạt được”- ông Sandeep chia sẻ.
Ông Sandeep “bật mí” từ thu nhập bình quân của VN là 2.000 USD/người/năm hiện nay, đã có con số giả định cho VN 20 năm tới sẽ đạt mức thu nhập bình quân 5.000 – 10.000 USD/người/năm.
Theo đó, sự phát triển cụ thể của đất nước đạt đến mức độ nào trong biên độ 5.000 – 10.000 USD/người/năm là phụ thuộc vào các lựa chọn mà Chính phủ đưa ra, lựa chọn của chính người dân về hướng phát triển kinh tế.
Những lựa chọn này lại tiếp tục phụ thuộc vào kết quả mà đất nước đã đạt được trước đó, vào xu hướng phát triển kinh tế thế giới và hướng phát triển của các quốc gia khác.
Không chỉ là một cuộc thi… Ngay sau phần giới thiệu về cuộc thi từ nhà báo Lê Xuân Trung, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương – phát động sinh viên toàn trường cùng tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. “Đây không chỉ là một cuộc thi mà chính là cơ hội để sinh viên thể hiện mình, thể hiện được sự hiểu biết, kỳ vọng về sự phát triển đất nước trong tương lai cũng như suy nghĩ, trăn trở cho sự đóng góp của mỗi cá nhân đến sự phát triển chung của đất nước” – ông Tuấn nhấn mạnh. Ông Trương Ngọc Nam, giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền, khuyến khích tất cả sinh viên học viện tham gia nhằm góp phần xây dựng và biến những tiềm năng của đất nước thành hiện thực. “Nếu sinh viên của trường tham gia và đoạt giải thì trường chúng ta sẽ đóng góp cho sự phát triển đất nước”- ông Nam nói. |