28/11/2024

Đừng để bãi biển bị chiếm mất

Với hơn 10 năm làm việc ở VN trong ngành du lịch liên quan đến các khu nghỉ dưỡng (resort) biển, tôi cảm nhận được rõ ràng lợi thế biển của du lịch VN trong mắt du khách trong và ngoài nước.

 

Đừng để bãi biển bị chiếm mất 

 

Với hơn 10 năm làm việc ở VN trong ngành du lịch liên quan đến các khu nghỉ dưỡng (resort) biển, tôi cảm nhận được rõ ràng lợi thế biển của du lịch VN trong mắt du khách trong và ngoài nước.


 

"Bãi biển phải dành cho mọi người, ai cũng có quyền đến để tắm, ngắm biển, đi dạo dọc bãi biển..." - Ảnh: Tiến Thành.
“Bãi biển phải dành cho mọi người, ai cũng có quyền đến để tắm, ngắm biển, đi dạo dọc bãi biển…” – Ảnh: Tiến Thành.

Ít có quốc gia nào lại có địa hình với nhiều bãi biển đẹp trải dài từ Bắc vào Nam như VN. Đây là một lợi thế rất lớn để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Ngay cả là mùa đông thì biển VN vẫn rất phù hợp với du khách châu Âu vốn phải sống chung với các vùng biển lạnh.

Tất nhiên du lịch có nhiều loại sản phẩm phục vụ cho nhiều đối tượng khách, nhưng du lịch nghỉ biển vẫn luôn chiếm ưu thế về số lượng khách. Bãi biển là nơi nhiều người muốn đến để tắm biển, nghỉ ngơi và đầu tư sinh lợi.

Chính vì vậy mới có chuyện có những khu nghỉ mát cấm tiệt người dân hoặc khách bên ngoài bước vào khu vực của họ. Hay các nhà hàng chiếm luôn mặt tiền, bãi biển đã được quy hoạch cho công viên, công cộng, cho bãi tắm chung… để phục vụ mục đích kiếm lợi nhuận riêng của mình (như Tuổi Trẻ đã có nhiều bài phản ánh).

Đây thật sự là điều khó chấp nhận được. Bãi biển đó có phải là của riêng họ đâu? Bãi biển trước dự án của họ là của chung và được chính quyền địa phương giao cho họ để quản lý.

Vì vậy bãi biển phải dành cho mọi người, ai cũng có quyền đến để tắm, ngắm biển, đi dạo dọc bãi biển vì đó là món quà của tạo hóa dành cho mọi người và địa phương đó may mắn sở hữu. Bãi biển của khu nghỉ mát chúng tôi cũng để cho người dân qua lại, cũng có người đến tắm. 

Ở Đà Nẵng có những khu dành cho các resort đầu tư xây dựng dự án của mình, nhưng cũng có rất nhiều bãi tắm công cộng dành cho công chúng.

Ở nhiều nơi trên thế giới, những nơi có các bãi biển đẹp, nhà chức trách vẫn dành một khoảng diện tích cho các nhà đầu tư xây dựng những dự án nghỉ dưỡng sang trọng, riêng tư nhưng tỉ lệ các dự án này so với tổng thể là rất nhỏ.

Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải rất sáng suốt và cương quyết nói không với những đề nghị của nhà đầu tư trong việc cho phép họ chiếm lấy thật nhiều diện tích bãi biển. Phải luôn nghĩ rằng bãi biển là nơi để người dân sinh hoạt, giải trí, phục vụ mục đích công cộng.

Đừng vì lợi ích trước mắt nhà đầu tư có thể mang lại cho địa phương mà hi sinh lợi ích lớn của cộng đồng. Ai đã từng đến Mũi Né, nơi từng được gọi là “thủ phủ của resort” vì các resort nằm san sát nhau, mới thấy rõ cảm giác ngột ngạt khi đi dọc con đường ở phường Hàm Tiến vì tới thủ phủ resort mà không thể nào nhìn thấy biển, được tự do tắm biển. 

Kinh nghiệm ở các quốc gia có lợi thế biển là họ xây các đường xương cá chạy dọc biển và các resort ở trên cái xương cá này.

Các resort không cấm khách của resort khác hay người dân đi qua bãi biển mà họ đang được quản lý. Họ thậm chí còn phải đầu tư cả lực lượng cứu hộ, bảo vệ để duy trì trật tự và an toàn ở khu vực này.

Các bãi biển công cộng cũng không thể là một nơi ai đến muốn làm gì thì làm. Nếu không có quy định, không có những đầu tư nhất định, chẳng mấy chốc nơi đó sẽ rất bừa bãi, ô nhiễm và du khách không muốn đến đó nữa.

Ông Matthias Weismann - Ảnh: Lê Nam
Ông Matthias Weismann – Ảnh: Lê Nam
Điều tối kỵ là bêtông hóa các bãi biển. Nhiều quốc gia có lợi thế biển kiểm soát rất chặt các dự án xây dựng resort ở biển: chiều cao tòa nhà, vật liệu xây dựng phải là loại không ảnh hưởng quá nhiều đến môi trường, tổng diện tích bêtông trong toàn bộ dự án chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, còn lại là khoảng xanh, phải để bãi biển có tầm nhìn thoáng đãng…

Chính quyền địa phương phải đưa ra các quy định có tính răn đe, chế tài, xử phạt nếu ai vi phạm làm ô nhiễm bãi biển. Ngoài ra, phải có lực lượng bảo vệ tuần tra liên tục để đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân và có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp túc trực bảo vệ người dân tắm biển.

Cuối cùng, phải đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng và duy trì vệ sinh ở những nơi này. 

MATTHIAS WEISMANN
 (người Thụy Sĩ, tổng giám đốc khu nghỉ dưỡng Furama, Đà Nẵng)

Cấm tuyệt đối việc cát cứ bãi biển

Tôi nghĩ chính quyền trung ương và địa phương phải có những quy định về việc duy trì khoảng không, bãi biển cho người dân sinh hoạt, vui chơi.

Những thành phố, địa phương có bờ biển dài, bãi biển đẹp phải lập ra các quy định cấm tuyệt đối việc những chủ dự án cát cứ bãi biển, không cho người dân qua lại trên bãi biển và phạt thật nặng những hành vi rất phản cảm này.

Tôi nghĩ trong quy hoạch sử dụng bãi biển, tốt nhất là cứ 2-3km lại có một bãi biển công cộng được đầu tư đàng hoàng, bài bản cho người dân được thoải mái sử dụng.

Du khách rất thích được đi dọc các bãi biển và thưởng thức những loại thức ăn địa phương được bày bán lịch sự, vệ sinh ở những bãi biển công cộng này.

Tất cả điều đó mới làm nên vẻ đẹp riêng có của địa phương đang sở hữu biển, giúp du lịch VN ngày càng hấp dẫn, thu hút nhiều du khách. Khi du khách đến đông, họ sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương. 

 

LÊ NAM ghi