Mọi giao dịch đều thực hiện điện tử
Tôi tin tưởng với sự phát triển mạnh về công nghệ thông tin (CNTT), chỉ trong 20 năm tới đất nước ta sẽ có các cơ chế, mô hình quản lý để ứng dụng tốt việc giao dịch điện tử trong đời sống.
Mọi giao dịch đều thực hiện điện tử
Tôi tin tưởng với sự phát triển mạnh về công nghệ thông tin (CNTT), chỉ trong 20 năm tới đất nước ta sẽ có các cơ chế, mô hình quản lý để ứng dụng tốt việc giao dịch điện tử trong đời sống.
Hệ thống Auto banking vừa ra mắt trên thị trường có các chức năng như một phòng giao dịch giúp khách hàng thuận tiện hơn trong giao dịch rút tiền hạn mức lớn, chuyển khoản liên ngân hàng, gửi tiết kiệm tích lũy, thanh toán hóa đơn… – Ảnh: Quang Định |
Điều này sẽ góp phần xây dựng một xã hội công khai, minh bạch và văn minh, lúc đó nạn tham nhũng cũng sẽ không có chỗ để tồn tại.
Lên mạng làm thủ tục hành chính
Sự phát triển mạnh mẽ của CNTT đã và đang làm thay đổi nhiều vấn đề trong đời sống xã hội. Giờ đây khoảng cách không gian và thời gian dường như được xích lại gần nhờ hệ thống thông tin liên lạc hiện đại; các thông tin, sự kiện trên toàn thế giới được cập nhật từng phút, từng giây;
Những giao dịch điện tử bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều hơn; mô hình chính phủ điện tử ở nước ta cũng bắt đầu từng bước hình thành…
Với tốc độ phát triển CNTT như hiện nay, tôi hi vọng khoảng 20 năm nữa mọi vấn đề giao dịch trong đời sống, xã hội ở nước ta đều thực hiện điện tử.
Khi ấy, muốn làm một thủ tục giấy tờ hành chính, người dân không còn phải đi tới đi lui nhiều lần đến cơ quan công quyền mà chỉ cần ở nhà đăng ký, khai báo với cơ quan chức năng qua mạng và trên cơ sở đó cơ quan có nhiệm vụ xác minh dựa vào cơ sở dữ liệu rồi thực hiện việc cấp các thủ tục giấy tờ liên quan.
Khi đi xin việc làm, người xin việc không nhất thiết phải nộp các loại văn bằng, giấy chứng nhận khám sức khoẻ, kê khai quá trình công tác hay lý lịch cá nhân mà mọi việc này chỉ cần kê khai vào một văn bản thông tin là nhà tuyển dụng sẽ biết đầy đủ về người xin việc.
Hiện nay hầu như người làm công ăn lương như công nhân, cán bộ, viên chức, công chức, công ty doanh nghiệp… đều có tài khoản tại ngân hàng. Tuy nhiên hầu hết mọi người sau khi nhận lương thông qua tài khoản ngân hàng là thẻ ATM đều rút tiền mặt để tiêu xài.
Tôi mong muốn 20 năm sau những hình ảnh dòng người rồng rắn đứng ở máy ATM để rút tiền mỗi khi có lương sẽ không còn, thay vào đó người dân sẽ sử dụng tài khoản ngân hàng hoặc thông qua thẻ ATM, thẻ tín dụng để thực hiện các giao dịch mua sắm lớn như nhà cửa, đất đai, xe cộ, vàng, kim cương… đến các giao dịch nhỏ như mua bó rau, con cá, tô bún…
Đồng tiền giấy lúc đó sẽ vắng bóng trong lưu thông mà tất cả đều phải qua giao dịch trên tài khoản, rất nhanh chóng, tiện lợi và dễ cho Nhà nước kiểm soát tình trạng tham nhũng.
Xây dựng dữ liệu quốc gia
Để thực hiện việc giao dịch điện tử, các cơ quan nhà nước phải xây dựng cho được cơ sở dữ liệu của cá nhân một cách đầy đủ và cập nhật thường xuyên, định kỳ vào hệ thống.
Ví dụ, một người tên Nguyễn Văn A khi sinh ra sẽ được cấp một mã số N, ngay từ nhỏ khi đi tiêm chủng đã được trạm y tế cập nhật vào hệ thống đã tiêm những loại thuốc nào;
Đến khi đi học mẫu giáo, phổ thông và các bậc học cao hơn sau kỳ thi, điểm số, nhận xét của giáo viên, hạng tốt nghiệp… đều được nhà trường cập nhật vào cơ sở dữ liệu mã số N.
Khi đi làm ở công ty, cơ quan cũng đánh giá, xếp loại, nhận xét, diễn biến tiền lương đều cập nhật hết vào cơ sở dữ liệu. Chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an hằng năm cũng cập nhật tình hình Nguyễn Văn A như thế nào để quản lý…
Nói chung, một cá nhân khi được gắn mã số thì khi làm gì, ở đâu đều được cơ quan chức năng cập nhật vào hệ thống để quản lý và kiểm soát.
Thật ra điều này hiện nay đã được thực hiện ở nước ta, tuy nhiên chỉ mang tính rời rạc, không gắn kết với nhau.
Ở trường học thì học sinh được quản lý quá trình học tập trong phần mềm quản lý điểm; khi đi khám bệnh thì bệnh viện đã quản lý thông tin trong phần mềm quản lý bệnh nhân; khi giao dịch với ngân hàng thì đều có ghi lại lịch sử giao dịch trong phần mềm;
Khi làm ở cơ quan nhà nước thì được quản lý thông tin trong phần mềm quản lý cán bộ; ở địa phương thì có phần mềm quản lý hộ tịch, hộ khẩu…
Để các dữ liệu rời rạc này gắn kết lại thành dữ liệu chung, chỉ cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để kết nối các cơ sở dữ liệu này lại thì thông tin của một cá nhân sẽ được sáng tỏ.
Với việc không dùng tiền mặt mà giao dịch thông qua thẻ ATM hoặc tài khoản ngân hàng thì hiện nay ở nước ta đã có song chỉ ở một số nơi như siêu thị, mua sắm online trên mạng, thanh toán tiền điện, tiền nước, cước dịch vụ truyền hình, Internet… và số lượng người dân thực hiện giao dịch này cũng còn tương đối ít.
Trong tương lai, Nhà nước cần phải có cơ chế bắt buộc người dân không được sử dụng tiền mặt mà phải thông qua tài khoản ngân hàng. Điều này đòi hỏi tất cả các điểm kinh doanh đều phải trang bị máy thanh toán tiền để người dân dùng thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản qua ngân hàng.
Muốn làm được điều này phải có thêm cơ chế ràng buộc của Nhà nước là tất cả giao dịch mua bán đều phải xuất hóa đơn, chứng từ (nếu một người sở hữu hàng hóa nhưng không có hóa đơn chứng từ mua bán và thanh toán tiền xem như hàng hóa đó không thuộc sở hữu của mình và bất hợp pháp).
Điều này giúp chống việc rửa tiền và kiểm soát thu nhập của công dân hết sức hiệu quả.
Ví dụ thu nhập của tôi có 300 triệu đồng một năm, việc chi tiêu cá nhân một năm thông qua giao dịch tài khoản và hoá đơn mua sắm của tôi là 350 triệu đồng thì sẽ có 50 triệu đồng là số tiền bất minh cần phải giải trình về nguồn gốc.
Ban tổ chức cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” đã nhận bài của các tác giả: Châu Thành Nghĩa, Nguyễn Hoàng Thảo, Nguyễn Văn Xin (bài 2), Trần Thị Thuỳ Vy, Trần Thị Thu Thảo, Hữu Chơn, Nguyễn Văn Cúc, Nguyễn Thị Tuyết Mai, Lê Anh Tú (TP.HCM), Mai Tiến Đoàn (Lào Cai), Nguyễn Thị Hải Vân (Thừa Thiên – Huế), Trần Ngọc Thảo Vy (Lâm Đồng), Lê Huy Hoàng, Hoàng Văn Phương (Gia Lai), Đặng Ngọc Vinh (Quảng Ngãi), Lê Đức Bảo (Khánh Hoà), Lê Bảo Toàn, Lê Phạm Phương Lan (Đồng Nai), Liêu Tử Phong (Trà Vinh), Đỗ Đức Định… |