28/11/2024

Nóng bỏng Trường Sa

Tháng 5, Trường Sa biển lặng như trong ao, nắng chát chúa từ 5 giờ sáng đến 6 giờ tối, hơi nóng làm mềm đi những vụn đá san hô quanh đảo và cháy thành những ngọn lửa nhỏ sục sôi trong mắt những người lính giữ Trường Sa, những người khách đất liền ra thăm Trường Sa.

 

Nóng bỏng Trường Sa

 

 

Tháng 5, Trường Sa biển lặng như trong ao, nắng chát chúa từ 5 giờ sáng đến 6 giờ tối, hơi nóng làm mềm đi những vụn đá san hô quanh đảo và cháy thành những ngọn lửa nhỏ sục sôi trong mắt những người lính giữ Trường Sa, những người khách đất liền ra thăm Trường Sa.


 

 

Nóng bỏng Trường Sa - ảnh 1Tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam tiếp cận đá Huy Gơ – Ảnh: Mai Thanh Hải
Cô Lin ngay sát Gạc Ma
Nhìn từ xa, đảo chìm Cô Lin bé tí như hạt muối vừng thơm thảo so với đá Gạc Ma phía Trung Quốc (TQ) đang cấp tập xây dựng trái phép, trắng hếu và thô kệch như nắm đấm của kẻ cướp. Thượng úy Phan Văn Huỳnh, Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin lưng đẫm mồ hôi đón khách, báo cáo tình hình nhưng cứ tí lại chạy ra ngoài dán mắt vào kính ống nhòm TZK chuyên dụng, hướng sẵn phía đông nam là đá Gạc Ma. Gương mặt già sọm so với tuổi, Huỳnh kiệm lời chắc nịch: “Phải theo sát 24/24, không đùa được anh ạ!”.
Trên đài quan sát nóc đảo chìm, chiến sĩ Lê Thanh Hoà (23 tuổi, quê Phúc Thọ, Hà Nội) gọn gàng trong mũ sắt, quân phục dã ngoại, súng ghì chắc, cũng liên tục dán mắt vào kính TZK, quan sát phía đá Gạc Ma.
Nếu nói đến mức độ căng thẳng thì đảo chìm Cô Lin đứng đầu bảng trong số 33 điểm đóng quân của bộ đội ta trên toàn quần đảo Trường Sa, bởi Cô Lin chỉ cách đá Gạc Ma 3,5 hải lý. Cách đây hơn 27 năm, ngày 14.3.1988, phía TQ bất ngờ nổ súng bắn cháy, chìm 3 tàu vận tải quân sự và giết hại 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân VN đang làm nhiệm vụ bảo vệ, củng cố tôn tạo Gạc Ma. Ngay sau đó, phía TQ xây dựng căn cứ gồm 3 kết cấu hình bát giác nằm trên cọc gỗ trên bãi Gạc Ma. Đến đầu năm 1989, họ đã hoàn thiện lô cốt xi măng cao 2 tầng và củng cố dần thành nhà bê tông 4 tầng. Từ đầu 2014, phía TQ tập trung tàu thuyền, phương tiện cơ giới hiện đại nạo vét san hô, chuyên chở vật liệu, tiến hành đào đắp để xây nhà công trình, đường sá, bến tàu và các hạng mục kiên cố khác. Thời kỳ cao điểm, bên cạnh hàng chục tàu vận tải, phía TQ còn huy động các tàu cá bọc sắt, tàu hộ vệ tên lửa xua đuổi các tàu thuyền khác đi gần bãi đá.
Tháng 4.2014, trong chuyến công tác ngoài Trường Sa, tôi đã chứng kiến cảnh các tàu vận tải TQ tập trung chuyển tải trang thiết bị – vật liệu xây dựng lên bãi Gạc Ma. Tháng 12.2014, tham gia chuyến đối ngoại quân sự kết hợp tuần tra đường dài – huấn luyện trên biển cùng Biên đội tàu Hộ vệ tên lửa 011, 012 của Lữ đoàn 162 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân), sát qua Gạc Ma khoảng 3 hải lý, tôi cũng ghi hình hiện trạng các công trình xây dựng trái phép của TQ, với khung tòa nhà trung tâm và các hạng mục khác.
Giữa tháng 5.2015 này, có mặt tại vùng biển Cô Lin – Gạc Ma, càng thấy tốc độ xây dựng của những kẻ chiếm đóng trái phép: Tòa nhà trung tâm (Sở Chỉ huy) cao 7 tầng có đường dẫn cho xe cơ giới lên thẳng tầng 2 đã cơ bản hoàn thành, phía trên tầng 7 có thêm đài quan sát cao 3 tầng; 2 đơn nguyên hình tháp cao 6 – 7 tầng, giống đài kiểm soát không lưu và hải đăng; gần 10 đơn nguyên còn lại đều 1 – 2 tầng, xây kiên cố theo kiểu doanh trại…
Những phát pháo hiệu bắn từ Huy Gơ
Nóng bỏng Trường Sa - ảnh 2Chiến sĩ Lê Thanh Hoà trực canh trên đài quan sát đảo chìm Cô Lin

Trưa 11.5.2015, tàu 571 (Hải đội 411, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) đưa chúng tôi đi sát đá Huy Gơ (hay còn gọi là đá Tư Nghĩa) của VN bị TQ cưỡng chiếm từ cuối tháng 2.1988 và cũng đang được rầm rộ xây dựng trái phép. Cách 5 hải lý, trên bộ đàm đã líu lô tiếng TQ dậm dọa. Mặc! Con tàu vẫn cắt sóng tiến vào gần. Lập tức, 3 phát pháo hiệu đỏ lòm bắn cách nhau khoảng 30 giây phụt lên cao đe doạ và khói đen của chiếc tàu cá bọc sắt trực ngay sát bãi đá cuống quýt khởi động máy.
Nhìn bằng mắt thường cũng thấy tòa nhà trung tâm (nhà chỉ huy) cao 6 tầng chuẩn bị hoàn tất, chỉ còn 3 tầng dưới được quây kín cho công nhân gia cố cửa; toà tháp giống Đài chỉ huy bay cũng sắp dỡ giàn giáo bên ngoài; nhiều cây xanh đã được trồng xung quanh; riêng khu vực cuối đảo chạy dài vẫn đang được quây kín bằng hàng rào và vỏ container, giống đang hoàn thiện công trình ngầm… Do diện tích xây dựng lớn hơn Gạc Ma nên phía TQ tập trung 6 cần cẩu (trong đó có 1 cẩu tự hành cao hàng trăm mét), 7 tàu vận tải xây dựng đang chuyển trang thiết bị – vật liệu xây dựng lên cho công nhân xây dựng các hạng mục công trình. Trên 2 tàu chở cát mới hạ mũi vào rìa bãi đá, các công nhân xây dựng trong trang phục bảo hộ lao động nhốn nháo chạy, khi thấy tàu 571 của VN tiếp cận từ phía xa.
Cờ đỏ Trường Sa
Nóng bỏng Trường Sa - ảnh 3Xuồng CQ của bộ đội đảo Sinh Tồn Đông tuần tra bảo vệ đảo, phía xa là bãi Huy Gơ do Trung Quốc xây dựng trái phép

Nguyễn Văn Dũng là Chính trị viên 1 tàu trực trên vùng biển Sinh Tồn Đông, suốt 3 tháng trời nay làm nhiệm vụ ngoài biển. Khi đại tá Rah Lan Lâm, Phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đi cùng đại diện Quân chủng Hải quân sang thăm tàu, tặng quà và ngỏ ý muốn xin 1 lá cờ đã sử dụng mang về Phòng Truyền thống của Công an tỉnh Gia Lai, Dũng cười rất tươi chỉ tay lên lá cờ Tổ quốc bạc phếch nắng gió, 5 cánh sao vàng sáng trung trinh trên nóc tàu: “Chúng em cũng đang định thay cờ mới, để mai đi làm nhiệm vụ mới!”.
Trưa hôm sau, khi tàu chúng tôi tiến lại gần đá Huy Gơ, đã thấy tàu của Dũng áp sát đá Huy Gơ từ bao giờ, trên đỉnh cột cờ nóc đài chỉ huy, lá cờ mới phần phật tung bay, nổi bật nền đỏ sao vàng giữa ngổn ngang bê tông xám xịt. Dọc hải trình của chúng tôi, từ Song Tử Tây, Đá Nam cho đến Sơn Ca, Nam Yết, Cô Lin, Sinh Tồn Đông, Đá Lát… đến đâu cũng gặp những lá cờ mới đỏ thắm sao vàng trên mọi vị trí cao của đảo, nóc tàu trực – tàu hàng.
Tháng 5, Trường Sa bao giờ cũng nóng. Năm nay, sức nóng ấy bỏng lên như chưa bao giờ thấy. Nóng từ nắng lửa, từ mạn tàu, từ màu cờ Tổ quốc trải khắp quần đảo và mỗi giọt máu người Việt, từ bến bờ ra với Trường Sa…
Liên tục đe dọa

Việc phía TQ đe doạ các tàu VN khi đi gần các bãi đá mà họ cưỡng chiếm, đang xây dựng trái phép diễn ra liên tục. Thậm chí, ngày 10.5, phóng viên Nguyễn Chung của Báo Thanh Niên đi trên tàu 996 (Hải đội 411, BTL Vùng 4 Hải quân) đi cách đá Xu Bi khoảng 3,7 hải lý cũng ghi nhận : tàu vận tải đổ bộ 996 của Hải quân TQ trang bị 3 bệ, 6 khẩu pháo 37 mm lao ra ngăn cản, đe doạ không cho vào gần bãi đá.

Ngư dân Nguyễn Sanh Thiện (sinh năm 1977, ở thôn Quý Hải, Long Hải, Phú Quý, Bình Thuận), chuyên đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa cho biết: Tại đá Chữ Thập, phía TQ duy trì nhiều ca nô cao tốc, các tàu cá vào cách 3 hải lý là bị đẩy đuổi, ban đêm thì bị cảnh cáo bằng pháo hiệu và trấn áp bằng đèn pha công suất lớn rọi thẳng vào buồng lái; ở đá Châu Viên, lính TQ sẵn sàng nổ súng chỉ thiên cảnh cáo, thậm chí bắn chặn trước mũi các tàu cá vào gần đánh bắt…

Mai Thanh Hải