28/11/2024

Bạn trẻ và chuyện “gia tài”

Quyết định của tỉ phú Hong Kong Yu Pang Lin: quyên toàn bộ tài sản 2 tỉ USD cho hoạt động từ thiện thay vì cho con thừa kế đã thu hút sự quan tâm, tranh luận của nhiều luồng ý kiến.

Bạn trẻ và chuyện “gia tài”

 

Quyết định của tỉ phú Hong Kong Yu Pang Lin: quyên toàn bộ tài sản 2 tỉ USD cho hoạt động từ thiện thay vì cho con thừa kế đã thu hút sự quan tâm, tranh luận của nhiều luồng ý kiến.



 

 

Tỉ phú Bill Gates cùng vợ trong một chuyến làm từ thiện tại Ấn Độ - Ảnh: hubert-burda-media.com
Tỉ phú Bill Gates cùng vợ trong một chuyến làm từ thiện tại Ấn Độ – Ảnh: hubert-burda-media.com

Phần nhiều ý kiến bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ tán dương cách làm của ông cũng như của các tỉ phú nổi tiếng khác được đề cập trong bài như Bill Gates, Warren Buffett khi quyên phần lớn hoặc toàn bộ gia sản kếch xù cho các tổ chức thiện nguyện và để con tự “bơi”.

Bạn đọc Nguyễn Quốc Hải bình luận: “Những người có lòng tự trọng không sống dựa vào sức lao động của người khác. Sống đế vương bằng tiền bạc, của cải thừa kế làm lu mờ năng lực vốn có trong mỗi người. Qua bài này, các bạn trẻ vốn chỉ được thừa kế sự nghèo khó của gia đình và sự khinh rẻ từ xã hội sẽ bớt tủi thân, hoà nhập xã hội với tâm lý nhẹ nhõm, có niềm tin hơn”.

Nhiều bạn đọc cũng tin khi mỗi người bớt nghĩ đến cái riêng, xã hội sẽ bớt các vấn nạn như tham nhũng, thu vén về mình với cái cớ “củng cố đời con”. Cuộc sống sẽ thanh sạch, công bằng khi được xây dựng trên nền tảng năng lực lao động thay vì may mắn.

Bạn đọc Công Lý bình luận: “23 tuổi và mình nghĩ những việc như bài báo nói là bình thường, hi vọng mấy mươi năm sau nó vẫn còn bình thường với mình và cũng sẽ là bình thường với mọi người”. Đó không chỉ là mong muốn của riêng bạn Công Lý.

Bạn Trần Nhật Đông (26 tuổi, nhân viên kế toán) phân tích: “Có một quy trình cứ tiếp diễn từ đời này sang đời khác: ông bà chắt chiu cho ba mẹ, ba mẹ hi sinh cả tuổi xuân lo cho mình, rồi đến mình lại làm lụng cả đời để “con hơn cha là nhà có phúc”. Cuối cùng không thế hệ nào tự sống bản thân mình và để con cái tự sống cuộc đời của nó cả”.

Nhật Đông kể anh nay đã làm ra tiền, dù không nhiều nhưng đủ nuôi sống bản thân nhưng ba mẹ ở nhà vẫn ăn không dám ăn, mặc không dám mặc. Anh đề xuất ông bà lấy tiền dưỡng già cùng nhau đi du lịch, làm những chuyện ông bà thích nhưng hai đấng sinh thành cứ khư khư để dành đó, sau này dùng cưới vợ cho anh và tặng anh làm của.

“Ba mẹ nào cũng hi sinh 20 năm ròng nuôi mình khôn lớn, cho ăn học. Tôi nghĩ vậy là đủ. Tôi đã có đôi bàn tay và trí óc để làm ra tiền. Nhưng sự bảo bọc quá mức của ba mẹ có thể khiến tôi quên mất mình có hai thứ đó”. Anh cho rằng không để lại tiền cho con cũng chính là gìn giữ sự tự trọng của con, tin tưởng vào năng lực của con, là cách thương con đúng đắn.

Tuy nhiên, nhiều người chỉ ra thực tế: “Chuyện này với người Việt Nam, Trung Quốc và các nước châu Á khác còn lạ lẫm. Họ cố gắng hi sinh lao động cực nhọc tất cả vì con họ” – bạn đọc có địa chỉ email toan_tran@… chia sẻ.

Cùng quan điểm này, ý kiến gửi đến từ email nguyentanduong@… dẫn câu chuyện từ chính trường hợp của mình: “Tôi làm lương rất thấp, chỉ 6 triệu đồng/tháng và vợ tôi cũng vậy. Nhưng với tôi, mọi nỗ lực làm việc chăm chỉ là lo cho tương lai của gia đình và con cái. Còn việc lo cho xã hội hay làm từ thiện từ của cải, vật chất thì tôi không dám nghĩ tới”. Anh nói đúng tâm lý của phần đông người lao động: con người đi làm vì cuộc sống gia đình, vì tương lai con cháu. Anh quan niệm: “Giúp ích cho xã hội bằng cách nuôi dạy con thành người tốt cho xã hội. Hoặc tôi dừng xe dẫn một người mù qua đường thay vì bỏ tiền ra để làm từ thiện, vì tôi không có khả năng”.

Một số bạn trẻ như bạn Nguyễn Lê Duy (23 tuổi, Q.Bình Thạnh) tuy tôn trọng cách làm của các ngài tỉ phú nhưng thành thật chia sẻ nếu sau này có con bạn sẽ không làm vậy. Mặc dù bản thân bạn cũng bước ra đời bằng hai bàn tay trắng và trưởng thành từ đó, nhưng “đó là hoàn cảnh ép buộc, không ai muốn như vậy. Nếu có con, mình vẫn muốn để lại gia sản cho con và dạy con cách sử dụng tiền vào những mục đích chính đáng”.

Một số bạn đọc khác cho rằng người tỉ phú làm được bởi bản thân con ông không cần số tiền đó. Anh Quyết Thắng (32 tuổi, Q.Tân Bình) ví von: “Nếu tôi đã có nhà và 1 tỉ đồng làm của thì tôi hoàn toàn ủng hộ ba mẹ nếu họ quyên toàn bộ tài sản cho từ thiện. Nhưng nếu tôi đang khốn khó, rõ ràng họ không thể làm vậy. Suy cho cùng ai cũng phải lo cho con cái mình trước khi nghĩ đến người khác”.

HẢI THI