“Bánh xe khởi nghiệp” đã lăn trên toàn quốc
Ở năm thứ ba tổ chức, cuộc thi “Bánh xe khởi nghiệp” xuất phát từ TP.HCM đã chính thức “lăn” ra khỏi địa giới thành phố đến với bạn trẻ trên quy mô toàn quốc.
“Bánh xe khởi nghiệp” đã lăn trên toàn quốc
Ở năm thứ ba tổ chức, cuộc thi “Bánh xe khởi nghiệp” xuất phát từ TP.HCM đã chính thức “lăn” ra khỏi địa giới thành phố đến với bạn trẻ trên quy mô toàn quốc.
Các bạn trẻ Hà Nội đến với buổi thông tin và tìm hiểu về cuộc thi “Bánh xe khởi nghiệp” 2015 lần đầu tiên mở rộng quy mô toàn quốc – Ảnh: D.H. |
Được khởi xướng từ Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM dưới sự chỉ đạo của Hội LHTN VN TP.HCM và Hội Sinh viên VN TP.HCM, “Bánh xe khởi nghiệp” dành cho các bạn trẻ từ 35 tuổi trở xuống đang sinh sống, làm việc, học tập tại VN đăng ký dự thi các ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ, mô hình khởi nghiệp cụ thể theo cá nhân hoặc nhóm không quá năm người.
Đây là lần thứ ba cuộc thi được tổ chức và có quy mô trên toàn quốc (hai năm trước đây chỉ tổ chức tại TP.HCM). Cuộc thi có nhiều giải thưởng hấp dẫn, trong đó giải cao nhất trị giá 50 triệu đồng cũng như còn có giải thưởng là các khoá học thạc sĩ, tiếng Anh…
Chị Trương Lý Hoàng Phi – Ảnh: Q.Ng. |
Chia sẻ lý do quyết định mở rộng quy mô, giám đốc BSSC Trương Lý Hoàng Phi nói:
– Chúng tôi hướng cuộc thi ở tầm quốc gia ngay khi bắt đầu xây dựng sân chơi này. Về cơ bản, chúng tôi thấy đã “nạp đủ xăng” để có thể “lăn” trên quy mô toàn quốc nên quyết định mở rộng quy mô. “Nguồn nhiên liệu” ấy chính là nhu cầu của giới trẻ khởi nghiệp với tiềm năng rất lớn, đội ngũ chuyên gia – doanh nhân – nhà đầu tư quan tâm và sẵn sàng tham gia, niềm tin của cộng đồng khởi nghiệp vào cuộc thi và khả năng vận hành, kết nối các nguồn lực hỗ trợ cho cuộc thi.
Điều quan trọng nhất thôi thúc chúng tôi mở rộng quy mô toàn quốc là khả năng trợ giúp, nguồn lực thực thi cho các dự án khởi nghiệp hậu cuộc thi cũng đã khá đầy đủ.
* Đâu là điểm đặc biệt của sân chơi này sau hai lần tổ chức?
– Điều đầu tiên là sự sàng lọc rất lớn. Chỉ có 12 dự án vào chung kết từ 562 dự án với gần 2.000 thí sinh trong hai năm qua và hiện nay 10/12 dự án vẫn đang triển khai.
Thứ hai, số lượng, chất lượng thí sinh cũng như dự án tham gia mỗi năm đều tăng, đa dạng lĩnh vực, sáng tạo cách làm.
Thứ ba, các doanh nhân, chuyên gia, nhà đầu tư tham gia cuộc thi ngày càng đông và đã xuất hiện “những người thầy” đồng hành hỗ trợ dự án khởi nghiệp của thí sinh.
Thứ tư, nhiều chương trình, dự án trong chuỗi hành trình được thiết kế để trợ giúp các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp như sàn giao dịch ý tưởng kinh doanh, chương trình huy động vốn cộng đồng từ trang web fundingvn.com, dự án “Mỗi doanh nhân – một người thầy”…
* Một cuộc thi như thế có đủ kích thích tinh thần khởi nghiệp? Sự hỗ trợ “hậu cuộc thi” sẽ là gì?
– Khi có khát khao và mục tiêu khởi nghiệp, mỗi bạn đã tự kích hoạt, duy trì tinh thần khởi nghiệp cho mình mà cuộc thi này sẽ mang thêm cơ hội cho họ, khơi bùng ngọn lửa tinh thần doanh nhân trong những khát khao khởi nghiệp ấy. Bốn tháng tham gia cuộc thi chính là thời gian “chiến đấu” liên tục trên ý tưởng, mô hình khởi nghiệp của mình sẽ là đáp án cho sự đam mê và kiên trì của mỗi người.
Hành trình của mỗi thí sinh không chỉ gói gọn trong khoảng thời gian dự thi mà là cả sự nghiệp của họ sau đó. Cuộc thi, nói một cách ví von là giúp ý tưởng của các bạn “bơi” một cách có phương pháp thay vì “tự bơi” rất bản năng. Bạn sẽ “bơi” cùng những người bạn, người thầy và có cả cổ động viên chứ không tự vẫy vùng nên khả năng chiến thắng sẽ cao hơn.
Do vậy, chúng tôi thiết kế sự hỗ trợ cần thiết sau cuộc thi gồm: kết nối đầu tư và các nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất cho hoạt động, cơ hội truyền thông, tư vấn chuyên gia, tìm kiếm “người thầy” đồng hành, xúc tiến thương mại, cơ hội học tập nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phát triển doanh nghiệp…
* Khởi nghiệp vốn không là thế mạnh của Đoàn, Hội, làm sao để có thể giúp được các bạn có đam mê?
– Có thể chưa nhiều nhưng rõ ràng không thể phủ nhận Đoàn, Hội có những lợi thế rất lớn gần như tuyệt đối để hiểu thanh niên, dẫn dắt xu hướng trong giới trẻ, kết nối các nguồn lực và tạo ra sự cộng hưởng. Riêng cuộc thi năm nay ngoài TP.HCM đã “ghé thăm” Hà Nội, Đà Nẵng và Huế, sắp tới sẽ là Cần Thơ và Buôn Ma Thuột với tiềm năng là môi trường khởi nghiệp “trọng điểm” ở khu vực Tây nguyên. Tại mỗi điểm đến đều có hội thảo chuyên đề để chia sẻ trong cộng đồng và những ai quan tâm khởi nghiệp.
Khởi nghiệp chưa bao giờ dễ và hỗ trợ khởi nghiệp cũng vậy. Nên BSSC luôn đầu tư, tập trung vào chuyên môn và thực hiện đúng sứ mệnh phục vụ người trẻ khởi nghiệp như định hướng ban đầu hình thành trung tâm. Hướng đi này đã mang lại những thành quả nhất định, giúp chúng tôi có thêm kinh nghiệm trong thiết kế hoạt động, kết nối với các nguồn lực để sẵn sàng trợ giúp người khởi nghiệp cũng như tạo lập cộng đồng khởi nghiệp.
Hai cạm bẫy khởi nghiệp với ngành công nghệ thông tin Nằm trong hoạt động phổ biến cuộc thi “Bánh xe khởi nghiệp 2015”, sáng 10-5 sinh viên nhiều trường ĐH tại TP.HCM đã tham dự hội thảo “Người trẻ khởi nghiệp – Thoát khỏi cạm bẫy trong công nghệ thông tin”. Anh Huỳnh Ngọc Duy, giám đốc điều hành Mắt Bão Media, kể lại những bài học về quá trình gầy dựng Mắt Bão Media trên “chuồng cu” 12m² ở khu trung tâm TP.HCM. Từ đó đúc kết: “Khi khởi nghiệp, các bạn hãy luôn tiến về phía trước. Không bay được thì chạy, không chạy được thì đi bộ, không đi bộ được cũng phải cố lết về phía trước – đó là một câu châm ngôn làm kim chỉ nam cho cuộc đời tôi”. Một trong số đó, lĩnh vực được nhiều bạn trẻ chọn để khởi nghiệp là công nghệ thông tin – điều mà họ có thể chỉ cần tận dụng tài nguyên tri thức bản thân để khởi nghiệp. Tuy vậy, đây cũng là lĩnh vực có nhiều “cạm bẫy chết người” với các bạn trẻ. “Cạm bẫy chết người” ấy không ở việc các bạn có ý tưởng mà là giải pháp thực hiện. Thứ nhất là thất bại đến từ việc lập kế hoạch chọn sản phẩm tiên phong để phát triển. Hầu như các bạn không chọn được ngách của thị trường nên thường sa vào việc hùa theo xu thế hoặc ăn theo các sản phẩm dịch vụ đang nổi. Thứ hai là cách các bạn chia sẻ cơ cấu tổ chức trong điều hành nhóm. Chúng ta dễ thất bại vì không thống nhất được các vị trí trong cấp điều hành dẫn đến chia rẽ nội bộ khi khởi nghiệp”- anh Duy chia sẻ. |