Tự vẽ mùa xuân cuộc đời
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ con ngoan trò giỏi, nhiều 9X đã sớm chọn lối sống cống hiến, san sẻ thương yêu với cộng đồng…
Tự vẽ mùa xuân cuộc đời
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ con ngoan trò giỏi, nhiều 9X đã sớm chọn lối sống cống hiến, san sẻ thương yêu với cộng đồng…
Đinh Bá Khang (hàng cuối, giữa) chung vui cùng trẻ em xã An Thái Trung (Tiền Giang) tại lễ khánh thành cầu Sình Chanh vào tháng 2-2015 – Ảnh: C.Nhật |
Một bộ phận bạn trẻ chỉ muốn “Tây hoá”, số khác luôn cảm thấy thiếu tự tin khi tiếp xúc với bạn bè quốc tế… khiến tôi lại có động lực để viết sách học tiếng Anh. Khi giới trẻ Việt giỏi ngoại ngữ thì các vấn đề trên sẽ tự biến mất |
NGUYỄN THẢO NGUYÊN |
“Ai cũng chỉ một thời tuổi trẻ” là tâm niệm để những người trẻ chọn lối đi ấy.
Cho đi: hạnh phúc trọn vẹn
Có một cuộc sống tròn đầy cả về giá trị vật chất lẫn tinh thần, thành tích học tập xuất sắc… nhưng Đinh Bá Khang (sinh năm 1997, lớp 12 Trường trung học Quốc tế TP.HCM) sớm nhận ra hạnh phúc thật sự không chỉ gói gọn ở đó.
Trong một lần xem tivi và biết có nhiều trường hợp trẻ em chết đuối vì thiếu phương tiện an toàn qua sông, Khang (lúc đó đang học lớp 10) và người chị ruột day dứt mãi, quyết tâm bằng mọi cách lập quỹ để xây cầu cho những địa phương nghèo.
Quỹ Nam Phương ra đời từ năm 2013 và hiện đã xây được bốn cây cầu với tổng giá trị gần 2 tỉ đồng. Để có thể hoàn thành những cây cầu trên, Khang đã nhiều lần thức khuya vừa học bài vừa tranh thủ xử lý hàng loạt công việc của quỹ, tìm cách vận động thêm nhà tài trợ… Mệt mỏi thì có nhưng Khang chưa từng nản lòng.
Trong lễ khánh thành cầu Lợi Trinh (Tiền Giang) vào trưa 26-4 vừa qua, cái nắng gay gắt miền Tây không ngăn được nụ cười, ánh mắt ngập tràn niềm vui trên gương mặt ướt đẫm mồ hôi của Khang. Ít ai biết ngay hôm sau Khang bắt đầu bước vào đợt kiểm tra quan trọng năm cuối cấp ở trường.
“Niềm vui sẽ nhân lên khi được san sẻ” là quan điểm sống của bạn Nguyễn Thảo Nguyên (sinh năm 1995, Trường King’s College, Anh). Đạt mức điểm 8,5/9 kỳ thi tiếng Anh IELTS vào năm 2013, Nguyên sau đó nhận được lời mời đi chia sẻ kinh nghiệm học tập ở một số hội thảo. “Tham gia những chương trình này chỉ truyền đạt được “bí quyết” đến một ít người, lại khó có thể thông tin cặn kẽ…” – Nguyên trăn trở.
Khi nghe gợi ý về việc viết sách, Nguyên thấy háo hức dù biết đây sẽ là một thử thách lớn. Từ tháng 3 đến tháng 9-2014, Nguyên “vắt giò lên cổ” khi vừa ôn luyện kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa liên lạc khắp nơi để tham khảo thông tin từ các “cao thủ” tiếng Anh khác, vừa nghiên cứu cách viết sách và xuất bản…
“Ngày cầm đứa con tinh thần trên tay, cảm giác đầu tiên của tôi là nhẹ nhõm vì không còn phải thức đến 1 – 2 giờ sáng mỗi ngày để làm việc nữa. Nhưng cảm giác sau đó là tự hào, hạnh phúc” – Nguyên nói.
Quyển sách Bí quyết học và thi IELTS của Nguyên sau đó được Hội đồng Anh giới thiệu, sử dụng như một nguồn tham khảo chính thức cho người học tiếng Anh.
Dẫu học giỏi (Nguyên đoạt học bổng ở cả hệ trung học lẫn đại học) nhưng Nguyên luôn tranh thủ thời gian tham gia các hoạt động như thăm, gây quỹ và thu gom quần áo hỗ trợ trại trẻ mồ côi, hoạt động tình nguyện cho Tổ chức Operation Smile (Phẫu thuật nụ cười)…
Đoạt học bổng toàn phần ở ĐH Richmond (Mỹ) và từng là sinh viên xuất sắc nhất trường trong suốt ba học kỳ đầu… nhưng sau đó danh hiệu trên bị vuột mất do quá say mê hoạt động cộng đồng là trường hợp của Sơn Tùng.
“Ngoài việc điều hành Sugar – dự án hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tôi còn tham gia làm trưởng ban kết nối chương trình hỗ trợ tư vấn du học miễn phí VietAbroader, thành lập một câu lạc bộ khởi nghiệp và thường tranh thủ về Việt Nam đồng hành cùng các dự án phát triển kỹ năng mềm dành cho học sinh… nên việc học ít nhiều bị ảnh hưởng. Tôi buồn nhưng không hối hận vì biết những hoạt động này giúp cuộc sống của mình có ý nghĩa, trọn vẹn hơn” – Tùng khẳng định.
Ai cũng chỉ một thời tuổi trẻ
“Tuổi trẻ là khoảng thời gian để hoàn thiện những kỹ năng bản thân còn thiếu, thử thách bản thân. Vì hoạt động Đoàn là đam mê nên trước giờ tôi hiếm khi thấy bị áp lực” – bạn Nguyễn Song Thiên Kim nêu cảm nghĩ về việc trở thành uỷ viên ban chấp hành Đoàn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dẫu mới là cô sinh viên năm nhất.
“Vẫn có ý kiến cho rằng sinh hoạt Đoàn còn mang tính hình thức. Tôi quyết tâm phải lắng nghe nhiều và sâu sát, tạo được những hoạt động thiết thực hơn để góp phần thay đổi hình ảnh Đoàn trong suy nghĩ của họ” – Kim bổ sung.
Ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” thì không nên làm điều gì quá sức là lời nhắn nhủ mà Thảo Nguyên nhận được từ nhiều người thời điểm bạn đang dồn sức viết sách. “Không chỉ họ mà ngay chính tôi lắm lúc từng nghĩ tương tự.
Tuy nhiên khi thấy một bộ phận bạn trẻ chỉ muốn “Tây hoá”, một số khác luôn cảm thấy thiếu tự tin khi tiếp xúc với bạn bè quốc tế… tôi lại có động lực viết. Khi giới trẻ Việt giỏi ngoại ngữ thì vị thế quốc gia cũng sẽ được cải thiện, các vấn đề trên sẽ tự biến mất” – Nguyên nói.
Trong tương lai, Nguyên dự định hoàn thành bằng tiến sĩ luật để có thể góp phần cải thiện hệ thống luật pháp, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. “Bản thân tôi đã có một cuộc sống đầy may mắn nên tôi nghĩ mình cần san sẻ lại cho những người khác” – Nguyên nói.
“Tôi sẽ qua Mỹ học ĐH ngay sau hè. Mai này khoảng cách xa xôi nhưng dự án xây cầu cho nông thôn chắc chắn không bị gián đoạn mà ngược lại sẽ được tôi quảng bá cùng bạn bè nước ngoài để quỹ thêm vững mạnh, vươn ra khỏi ranh giới Việt Nam. Tôi mong muốn góp phần nhỏ vào việc giúp bạn trẻ Việt dù ở thành thị hay nông thôn đều có cơ hội học tập, có điều kiện sống an toàn, ấm no như nhau”- Bá Khang chia sẻ.