27/11/2024

Ban bố tình trạng khẩn cấp ở Baltimore

Chỉ vài giờ sau đám tang anh Freddie Gray (25 tuổi) vào ngày 27-4, những người biểu tình đã xuống đường và đụng độ với lực lượng cảnh sát tại thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ).

 

Ban bố tình trạng khẩn cấp ở Baltimore 

 

 Chỉ vài giờ sau đám tang anh Freddie Gray (25 tuổi) vào ngày 27-4, những người biểu tình đã xuống đường và đụng độ với lực lượng cảnh sát tại thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ).



 

 

Một xe cảnh sát bị đốt, bạo loạn vẫn tiếp diễn ở thành phố Baltimore – Ảnh: BN

Ở Baltimore có tình trạng cảnh sát bạo lực hơn ở nhiều thành phố khác cùng cỡ của Mỹ

Nhà sử học chuyên nghiên cứu về Mỹ 
FRANÇOIS DURPAIRE

Vẫn là kiểu nguyên do xung đột quen thuộc gần đây: Freddie Gray là người da màu và bị thiệt mạng liên quan đến hành động được cho là bạo lực của cảnh sát.

Theo NBC, tình trạng lên đến mức bạo loạn đã buộc thống đốc bang Maryland Larry Hogan phải ban bố tình trạng khẩn cấp theo yêu cầu của thị trưởng thành phố Stephanie Rawlings-Blake và huy động cả lực lượng vệ binh quốc gia đông đến 5.500 quân. Song song đó là lệnh giới nghiêm áp đặt từ 22g đến 5g sáng hôm sau và chưa biết đến bao giờ chấm dứt.

Trước đó ngày 19-4, sau một tuần được đưa vào bệnh viện cấp cứu, Freddie Gray đã tử vong do tổn thương tủy sống tới 80%. Một số nhân chứng cáo buộc cảnh sát đã xô ngã Gray trong khi vây bắt và kéo lê anh này lên xe trong trạng thái anh liên tục kêu gào vì đau đớn.

Nhiều người còn nói dù Gray đã xin được chạy chữa y tế nhưng lực lượng chức năng vẫn phớt lờ. Sáu cảnh sát liên quan tới vụ bắt Gray đã bị đình chỉ công tác.

Các nhà điều tra đang xác định nguyên nhân gây ra cái chết của Gray xem có phải bị cảnh sát tra tấn trong thời gian giam giữ không và dự định công bố kết luận vào ngày 1-5. 

Vì thế trong suốt tuần qua, bầu không khí căng thẳng liên quan tới cái chết của Gray đã bao trùm tại Baltimore, đặc biệt ở khu vực phía tây nơi lâu nay nổi tiếng nhiều bạo lực băng đảng.

Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình quá khích tối 27-4 – Ảnh: Reuters

Cuộc biểu tình của đám đông, theo Wall Street Journal, quy tụ khoảng 3.000 người, trong đó được cho là do các băng đảng tội phạm kích động, càng lúc càng tăng nhiệt và trở thành cuộc đụng độ bạo lực.

Theo nhà báo Erica L. Green của tờ Baltimore Sun thì cuộc biểu tình giống như “xung đột giữa những đứa trẻ và cảnh sát” vì rất đông thành phần tham gia là học sinh trung học.

Trên tài khoản Twitter của lực lượng cảnh sát Baltimore đăng thông báo: “Rất nhiều thanh thiếu niên đã tham gia các đám đông bạo loạn. Chúng tôi yêu cầu các bậc cha mẹ hãy tìm và đưa con mình về nhà”.

Cuộc biểu tình đã dần trở thành cuộc nổi loạn khi các thanh thiếu niên ném chai lọ, gạch đá vào cảnh sát và phía lực lượng chức năng đáp trả bằng súng hơi cay. Sự việc xảy ra ở gần khu phố mua sắm Mondawmin Mall của Baltimore. Khu vực này đã đóng cửa do lo ngại tình trạng bất ổn. 

Người biểu tình đã đốt một ôtô và một xe tải của cảnh sát, đập vỡ nhiều cửa kính mặt trước các cửa hàng và châm lửa đốt một tòa nhà ở Baltimore. 

Billy Murphy, luật sư đại diện gia đình Gray, cho biết họ rất sốc khi chứng kiến cuộc xung đột bạo lực. Ông viết trên tài khoản Facebook: “Gia đình của Freddie Gray khi chứng kiến cảnh hỗn loạn và hôi của đã cảm thấy rất thất vọng, buồn và tức giận. Họ kêu gọi mọi người hãy dừng lại”.

Mẹ Freddie Gray nói: “Tôi muốn mọi người đòi lại công lý cho con trai tôi, nhưng không phải theo cách này”. Còn người chị em song sinh với Gray thì nói: “Tôi không nghĩ việc đó là vì Freddie. Tôi nghĩ bạo lực là sai trái”.

Theo AP, đã có 15 cảnh sát bị thương và hai người vẫn còn đang điều trị tại bệnh viện. Vài chục người biểu tình đã bị bắt giữ.

Thị trưởng Baltimore cho biết sẽ huy động mọi nguồn lực để giải quyết tình trạng bạo loạn. Tân Bộ trưởng tư pháp Loretta Lynch nói sẽ liên tục bám sát tình hình diễn biến tại Baltimore để có biện pháp xử lý kịp thời vụ việc này.

D.KIM THOA