Trả tiền ăn nhậu, sao không chia đều?
Chuyện tiền bạc lúc những cuộc vui tàn luôn là vấn đề tế nhị, ít được đề cập trực diện nhưng là nỗi niềm phổ biến ở nhiều người.
Trả tiền ăn nhậu, sao không chia đều?
Chuyện tiền bạc lúc những cuộc vui tàn luôn là vấn đề tế nhị, ít được đề cập trực diện nhưng là nỗi niềm phổ biến ở nhiều người.
Anh trả hay tôi trả? – Ảnh: Công Nhật |
Michael S. (27 tuổi, người Mỹ) không giấu được bức xúc khi gần đây tình cờ phát hiện bản thân bị “nói xấu”: “Cần thiết phải có sự rạch ròi. Vì sao mỗi lần đi ăn uống thì những người bạn Việt thường giành trả hoá đơn nhưng sau lưng lại nói tôi “kẹo kéo”?”.
Người giành trả…
Trước khi đến VN, Michael từng làm việc tại nhiều quốc gia và bạn khẳng định: “Không ở đâu đau đầu khi tính tiền như ở VN. Nếu ở các nước khác hoá đơn được chuyền tới tay từng người và chi trả sòng phẳng thì ở đây các bạn nam luôn giành trả, có người thậm chí nói không để họ trả là không nể mặt họ. Họ làm vậy nhưng tôi đoan chắc trong lòng họ thấy không vui bởi nếu vui thì tôi đã không bị nói xấu”.
“Trường hợp này đúng là rất phổ biến ở VN nhưng mọi người cứ lảng tránh đề cập. Tôi nghĩ tất cả do bệnh sĩ và cái tôi cao ngất của nhiều người Việt” – bạn Nguyễn Viết Cường (trưởng văn phòng đại diện Công ty Esri VN tại TP.HCM).
Từng học năm năm ở Thái Lan, bạn cho biết việc chia đều sau mỗi lần tụ tập là “điều hiển nhiên” ở quốc gia nằm kế VN này. Tương tự Viết Cường, bạn Nguyễn Anh Tuấn (Công ty truyền thông Brand Here) cũng nhiều lần khổ sở khi bị rơi vào trường hợp ai cũng giành trả tiền sau mỗi buổi ăn uống.
“Quan điểm của tôi là có thân đến mấy thì lúc tính tiền cũng phải “thân ai nấy lo” để ai cũng cảm thấy thoải mái, không nặng nợ trong đầu” – bạn Tuấn nêu quan điểm.
“Tôi có một người bạn nam thu nhập khá thấp nhưng luôn giành trả tiền khi đi với giới nữ. Tôi quan sát và nhận ra điều này dẫn đến hệ quả: bạn ấy dần ngại đến những buổi gặp mặt sau khi biết sẽ có nhiều bạn nữ. Chưa kể bạn ấy sẽ phải sống dè sẻn những ngày còn lại trong tháng. Giới nữ chúng tôi cũng muốn sòng phẳng với các bạn nam nhưng lại ngại góp ý vì nhiều người trong họ rất hay tự ái” – Mỹ Linh (30 tuổi, Q.5) nói.
…Kẻ ngó lơ
Ngược lại cũng có những bạn trẻ “cười ra nước mắt” khi lâm vào tình huống ngược lại. Vy Lâm (27 tuổi, du học sinh tại Texas, Mỹ) trong lần về VN gần đây đã phải viết một status (dòng trạng thái) đầy tâm trạng trên Facebook.
“Tôi đi ăn với vài anh chị lớn tuổi và họ đều đã có nghề nghiệp ổn định nhưng đến lúc tính tiền thì ai nấy đều ngó lơ, chắc họ nghĩ rằng tôi từ nước ngoài về thì nghiễm nhiên phải bao mọi người. Họ đâu biết bên kia tôi vừa đi học vừa nai lưng làm việc ngày đêm” – Vy than thở.
Nửa năm trước, N.Hưng (30 tuổi, trưởng phòng CNTT một công ty nước ngoài) đột ngột “bốc hơi” khỏi những cuộc vui của các nhóm bạn bè, chiến hữu dẫu trước đó luôn có mặt “trên từng cây số”. “Không phải “tu” gì đâu, chẳng qua là sợ phải “rửa” đó mà!” – N.Hưng cười gượng gạo giải thích.
N.Hưng cho biết do vợ có thai mà lại đi làm xa nên hai vợ chồng mượn tiền, gom góp lại mua chiếc xe hơi cũ trị giá vài trăm triệu để di chuyển cho an toàn.
“Căng thẳng không chỉ ở việc trả tiền mượn mà còn ở khoản “rửa” nữa, hết đồng nghiệp của cả hai thì đến bạn bè học chung, chiến hữu… Lần trước “rửa” căn hộ chung cư (mua trả góp), rồi “rửa” lên chức thì đã đi tong gần hai tháng lương của cả hai đứa nên lần này sợ lắm. “Rửa” nữa là không còn sữa cho con” – N.Hưng cười như mếu.
“Việc bắt người khác “rửa” đồ mới từng là nét văn hoá dễ thương, chủ yếu để tạo cơ hội cho mọi người gặp gỡ, giao lưu nhưng hiện đã bị nhiều người lạm dụng, đi chệch hướng” – bạn Nguyễn Viết Cường nhìn nhận.
“Có người bạn của tôi nói nhập gia tuỳ tục nhưng nói thật là tôi ngán những tục này lắm. Cái gì ở VN tôi cũng yêu chỉ trừ điểm này” – Yasuhiro Kawamura (31 tuổi, người Nhật) bộc bạch sau năm năm sống tại VN.