27/11/2024

Những thông tin mới nhất về đăng ký THPT quốc gia

Hôm nay 1-4, thí sinh bắt đầu đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia, nhưng nhiều thí sinh vẫn tỏ ra băn khoăn, chưa hiểu rõ cụm thi hay việc đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.

 

Những thông tin mới nhất về đăng ký THPT quốc gia

 

Hôm nay 1-4, thí sinh bắt đầu đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia, nhưng nhiều thí sinh vẫn tỏ ra băn khoăn, chưa hiểu rõ cụm thi hay việc đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.




 

 

Các sở GD-ĐT phía Bắc làm thủ tục bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 cho các trường ĐH, CĐ – Ảnh: Nguyễn Khánh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết:

– Bộ GD-ĐT vừa công bố tài liệu những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015 trên trang thông tin điện tử của bộ.

Đây là tài liệu cần thiết để thí sinh có thông tin thực hiện đăng ký dự thi. Hướng dẫn tuyển sinh cụ thể hóa quy chế tuyển sinh chỉ liên quan đến công tác xét tuyển vào ĐH, CĐ nên có thể ban hành chậm hơn, dự kiến trước ngày 15-4.

Chỉ cấp giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ

* Thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT, nhưng có thể đăng ký thi ở cụm thi do ĐH chủ trì để phù hợp với điều kiện cá nhân được không? Nếu được phép thì kết quả thi THPT quốc gia của thí sinh đó có được sử dụng để xét tuyển ĐH, CĐ không?

– Theo quy chế thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì dành cho thí sinh lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Cụm thi tại địa phương do sở GD-ĐT chủ trì, tổ chức thi tại trường hoặc liên trường THPT dành cho các thí sinh dự thi lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Năm 2015 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nên để tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT có thể đăng ký dự thi ở cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì nếu thấy thuận tiện.

Trong trường hợp này, khi đăng ký dự thi thí sinh chỉ đánh dấu vào ô dự thi để xét tốt nghiệp THPT, chỉ thi bốn môn (ngữ văn, toán, ngoại ngữ và một môn tự chọn) và không phải nộp phí dự thi. Kết quả thi của những thí sinh này sẽ được chuyển về sở GD-ĐT liên quan để xử lý xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh đã đăng ký chỉ xét tốt nghiệp THPT trong phiếu đăng ký dự thi thì dù các em dự thi ở cụm liên tỉnh, trường ĐH chủ trì cụm thi cũng sẽ không cấp các giấy báo kết quả thi để thí sinh tham gia xét tuyển ĐH, CĐ.

Song nếu đã chọn thi tại cụm thi liên tỉnh và đánh dấu vào cả hai ô gồm ô thi để xét tốt nghiệp THPT và ô thi để xét tuyển ĐH, CĐ thì ngay cả khi các em chỉ thi bốn môn như yêu cầu xét tốt nghiệp THPT, các em vẫn có cơ hội xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi ở cụm thi liên tỉnh nếu các em có nguyện vọng sau này. Tất nhiên khi đó các em phải nộp phí dự thi.

Ngày 1-4 thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi, nhưng các em còn có thể thay đổi môn đăng ký dự thi và mục đích dự thi cho đến ngày 30-4.

* Vậy thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp có cơ hội được xét tuyển vào ĐH, CĐ không? Đã có ý kiến lo ngại nếu không thi ở cụm liên tỉnh mà kết quả thi ngay tại trường hoặc liên trường cũng xét tuyển được vào ĐH, thì tuyển sinh ĐH năm nay có phần hơi dễ dãi, thưa thứ trưởng?

– Thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT vẫn có cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng dựa vào kết quả học tập và tốt nghiệp phổ thông. Các trường này khi xây dựng đề án tuyển sinh riêng đều có quy định ngưỡng tối thiểu để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Thường các trường chọn điểm bình quân học tập ở các năm phổ thông là 6,0 để xét tuyển vào ĐH và 5,5 để xét tuyển vào CĐ. Thực tế năm ngoái một số trường đã tuyển sinh theo phương thức này. Năm nay số lượng các trường có đề án tuyển sinh riêng tăng lên rất nhiều (khoảng 165 trường). Khi các trường đưa đề án ra tham khảo ý kiến dư luận, phản hồi chung nhận về là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào như vậy phù hợp.

Thứ tự ưu tiên ngành đăng ký xét tuyển có giá trị gì?

* Trong xét tuyển đợt 1, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh đăng ký tối đa đến bốn ngành học, nhưng lại yêu cầu các em phải đánh số thứ tự ưu tiên cho từng ngành. Thứ tự này dùng làm căn cứ ưu tiên xét tuyển của một thí sinh giữa các ngành đăng ký khác nhau hay sẽ có giá trị so sánh, tạo ưu thế so với thí sinh khác đăng ký cùng ngành nhưng thứ tự ưu tiên ngành đó thấp hơn, thưa thứ trưởng?

– Ở đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh sử dụng giấy báo kết quả thi dùng cho đợt xét tuyển này để đăng ký xét tuyển vào một trường với bốn nguyện vọng vào các ngành/nhóm ngành theo thứ tự ưu tiên.

Ví dụ thí sinh Nguyễn Văn Tèo đăng ký (1) ngành A, (2) ngành B, (3) ngành C và (4) ngành D. Thí sinh sẽ có tên trong danh sách xét tuyển của cả bốn ngành đã đăng ký của trường. Tất nhiên, sẽ có tỉ lệ ảo nhưng dữ liệu thuộc trường nên có thể xử lý dễ dàng vì thí sinh Tèo chỉ được đăng ký vào một trường trong đợt xét tuyển đầu tiên.

Khi xét tuyển, nếu đã trúng tuyển nguyện vọng trước thì không còn được xét tiếp nguyện vọng sau. Ví dụ thí sinh Tèo không trúng tuyển ngành A nhưng trúng tuyển ngành B, thì không còn được xem xét các ngành C và D. Việc xếp thứ tự ưu tiên trong đợt 1 để giúp thí sinh trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất có thể của các em. Ở ví dụ trên, thí sinh có thể trúng tuyển cả ngành C, ngành D nhưng sẽ được báo trúng tuyển ngành B có thứ tự ưu tiên cao hơn. 

Công tác xét tuyển sẽ được thực hiện công bằng dựa trên kết quả thực tế của từng thí sinh ở từng tổ hợp môn xét tuyển, dù các em đăng ký thứ tự ưu tiên thế nào.

Theo đó, tuyệt nhiên không xảy ra trường hợp cùng đợt xét tuyển, hai thí sinh bằng điểm nhau mà lại xét trúng tuyển cho thí sinh đăng ký ngành học đó là ưu tiên 1, còn thí sinh đăng ký ngành đó là ưu tiên 2,3 thì lại rớt. Khi đăng ký xét tuyển, thí sinh cần lưu ý nếu đã trúng tuyển nguyện vọng trước thì không còn được xét các nguyện vọng tiếp theo như ví dụ vừa nêu.

NGỌC HÀ thực hiện