27/11/2024

Ngôi nhà 3.000 đồng

3.000 đồng mua được… nửa ly nước mía, nhưng nếu mỗi bạn góp mỗi ngày, trong một tháng thì toàn trường sẽ mang đến ngôi nhà mới cho bạn khó khăn cạnh mình.

 

Ngôi nhà 3.000 đồng

 

 3.000 đồng mua được… nửa ly nước mía, nhưng nếu mỗi bạn góp mỗi ngày, trong một tháng thì toàn trường sẽ mang đến ngôi nhà mới cho bạn khó khăn cạnh mình.



 

 

 

Bạn Lê Phước Vinh (bìa trái), cán bộ đoàn Trường ĐH Đồng Tháp, phụ giúp sinh viên Tạ Thị Mỹ Linh xây dựng nhà mới – Ảnh: Ngọc Tài

Với ý nghĩa đó, “Ngôi nhà 3.000 đồng” – công trình thanh niên mà Đoàn Trường ĐH Đồng Tháp phát động đã cuốn hút hàng ngàn sinh viên.

Trong ngôi nhà sực nức mùi sơn mới, cô sinh viên khoa tài chính ngân hàng ĐH Đồng Tháp Nguyễn Thị Ngọc Huyền cười thật tươi: “Như nằm chiêm bao”.

Khi cả một tập thể cùng quyết tâm thì từ công sức nhỏ, chi phí nhỏ của từng người cộng lại sẽ hình thành một sức mạnh to lớn, tạo ra được kết quả lớn lao
Bà TRẦN THỊ THÁI
(phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp)

Vui đến rơi nước mắt

Ngọc Huyền thiếu vắng tình thương của mẹ từ khi còn ẵm ngửa. Cha Huyền hay ốm đau nên khi mẹ mất Huyền được ông bà nội cưu mang.

“Hồi trước nhà cửa rách rưới hết trơn, lại còn thấp hơn mặt đường nên mưa một trận là nước lênh láng. Lúc Huyền học cấp III, hai bà cháu phải lui cui trong một góc nhà nên tui phải che mưa cho nó học bài. Lúc dỡ nhà cũ ra xây nhà mới, cột kèo mục nát hết chỉ có thể làm củi chụm” – bà Nguyễn Thị Hồng Nga (bà nội của Huyền) bồi hồi nhớ lại.

Con đường vào nhà Tạ Thị Mỹ Linh, sinh viên khoa tiểu học mầm non Trường ĐH Đồng Tháp, quanh co và lởm chởm đá. Mỹ Linh nở nụ cười hạnh phúc vì sắp được ở nhà mới.

32 căn nhà với 660 triệu đồng

Theo thống kê của Đoàn Trường ĐH Đồng Tháp, hơn bốn năm qua từ khi phát động, chương trình “Ngôi nhà 3.000 đồng” đã thu hút hơn 9.000 sinh viên góp sức với số tiền 660 triệu đồng, xây được 32 căn nhà.

Công trình không chỉ xây nhà cho sinh viên trong tỉnh Đồng Tháp mà còn mở rộng sang bốn tỉnh khác là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang.

Ngôi nhà cũ bị tháo dỡ còn trơ những gốc cột mối ăn mục ruỗng này gắn liền với Linh từ khi còn nhỏ. Linh kể lúc mưa to gió lớn, hai chị em chen chúc bên nhà nội cũng chẳng khá hơn là bao.

Nhà mới, hai chị em có hẳn mỗi người một phòng riêng. “Cha mẹ em vì hoàn cảnh khó khăn nên đi làm công nhân ở Bình Dương. Em gái em học rất khá nhưng đành đi làm xí nghiệp” – Linh chia sẻ.

Bà Lê Thị Huệ (74 tuổi, bà nội của Linh) vui mừng khôn xiết. Mái tóc bà Huệ đã hoa râm, dáng người còm cõi vì bệnh, ấy vậy mà cả tháng nay bà “thấy khỏe hẳn trong người”.

“Cứ thấy mây đen hay sấm chớp là tui kêu hết tụi nó qua nhà tui. Nhà tui cũng xuống cấp lắm rồi nhưng dù sao còn đỡ hơn. Nay có nhà mới cho sắp nhỏ rồi, vui mà rơi nước mắt cô ơi” – bà Huệ nhớ lại.

Còn Kiến Thị Tuyết Mai, cô sinh viên dân tộc Khmer hiện đang học năm 3 khoa nghệ thuật, bày tỏ sự biết ơn đối với đoàn trường ĐH Đồng Tháp với “Ngôi nhà 3.000 đồng”.

“Thấy đoàn trường triển khai mô hình ngôi nhà 3.000 đồng trong khi căn nhà của gia đình cũng đã mục nát, dột lỗ chỗ nên em mạo muội chụp hình và gửi lên. Không ngờ gia đình em được chọn để xây nhà mới sau chuyến đi khảo sát của thầy cô” – Mai nói thêm.

Căn nhà mới tại xã Núi Tôn, huyện Tri Tôn (An Giang) được xây dựng nhờ hỗ trợ của đoàn trường và vốn vay hộ cận nghèo, cùng tiền góp từ hai anh trai của Mai. Trước Tết Nguyên đán, căn nhà hoàn thành trong niềm vui vô bờ bến của gia đình Mai.

“Chưa năm nào gia đình em ăn tết vui như vậy cả. Dù hiện tại cha mẹ em vẫn bán nước ở căng tin trong trường gần nhà nhưng em thấy có chút gì đó tươi sáng hơn, bản thân vững tâm hơn trên chặng đường dài phía trước” – Mai chia sẻ.

Xây nhà cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là chương trình do Đoàn Trường đại học Đồng Tháp phát động – Ảnh: Ngọc Tài

Giá trị của nửa ly nước mía

Lần giở những tấm ảnh chụp 31 ngôi nhà mới, bạn Lê Phước Vinh, cán bộ đoàn Trường ĐH Đồng Tháp – người đã theo suốt hành trình từ những buổi đầu, chia sẻ: “Mỗi nhà mỗi cảnh nhưng tựu trung lại nhà cửa các bạn đều đã lụp xụp. Có nhà bạn nằm ở chỗ heo hút, đoàn khảo sát đi lạc mấy bận mới đến. Mình chỉ đi khảo sát mấy lần đã thấy cực, nhưng các bạn ngược xuôi đi học thấy thương lắm. Lúc trao nhà thấy các bạn mừng vui mình cũng rơi nước mắt”.

Bạn Trương Tấn Đạt, bí thư đoàn Trường ĐH Đồng Tháp, cho biết: Để thực hiện công trình thanh niên, đích thân từng cán bộ đoàn các khoa xuống giải thích tận tình cho các bạn sinh viên hiểu ý nghĩa của việc làm này.

Đoàn Duy Trúc Ngọc, sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp, nói bạn biết chương trình “Ngôi nhà 3.000 đồng” từ khi còn là học sinh THPT. Cảm nhận được đây là mô hình rất có ý nghĩa nên Ngọc đã chủ động đến văn phòng đoàn đóng góp ngay từ ngày đầu là tân sinh viên.

“Mình thấy vui lắm” – Ngọc thổ lộ ngắn gọn.

Bên cạnh việc hỗ trợ tiền cất nhà, đoàn trường còn vận động địa phương và các mạnh thường quân chung sức. Đoàn viên trong xã gom góp ngày công, chính quyền giúp thêm vốn vay ưu đãi. Còn vào mùa hè, các chiến sĩ tình nguyện của trường lại “đổ quân” làm… thợ hồ.

PGS.TS Nguyễn Văn Đệ, hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, nói: “Đáng quý nhất của chương trình là thể hiện tính trách nhiệm với cộng đồng của sinh viên, gần nhất là với bạn khó khăn ở ngay cạnh mình, lớp mình, trường mình”.

“Nếu được bạn bè cùng các thầy cô san sẻ giúp đỡ thì chắc chắn các em sẽ cố gắng học tốt hơn. Tôi tin một mai các em sẽ chọn chính mảnh đất này để cống hiến” – thầy Đệ chia sẻ.

Đúng như thầy nói, từ ngày có nhà mới Ngọc Huyền an tâm vừa đi học vừa đi làm thêm, hiện tại sắp hoàn thành kỳ thực tập. “Em nguyện với lòng sau này khi ra trường sẽ trở lại giúp những bạn sinh viên nghèo khó như mình hôm nay” - Huyền nói.

THÀNH NHƠN – NGỌC TÀI