27/11/2024

Gắn kết cộng đồng với Pro Bono

Pro Bono là nơi những chuyên gia, nhân sự cấp cao… trong nhiều lĩnh vực tự nguyện tư vấn không lương (hoặc lấy phí tượng trưng) cho những ai có nhu cầu học tập trong khoảng thời gian nhất định.

 

Gắn kết cộng đồng với Pro Bono

 

Pro Bono là nơi những chuyên gia, nhân sự cấp cao… trong nhiều lĩnh vực tự nguyện tư vấn không lương (hoặc lấy phí tượng trưng) cho những ai có nhu cầu học tập trong khoảng thời gian nhất định. 

 

 

 

Pro Bono tại VN sẽ được thiết kế để có thể cùng lúc tư vấn cho rất nhiều người như các lớp học trực tuyến – Ảnh: Giang Phạm

Nhằm kết nối, hỗ trợ trí thức trẻ trong nước, Hội Thanh niên – sinh viên VN tại Hoa Kỳ (AVSPUS), CLB Cựu du học sinh VN tại Mỹ khu vực Hà Nội (VUSAC) và CLB Cựu du học sinh VN tại Mỹ khu vực TP.HCM (US Alumni) vừa triển khai hoạt động Pro Bono.

Pro Bono (tạm dịch: đóng góp lại cho cộng đồng) khởi động dưới hình thức online vào tháng 4-2015.

Cho là nhận

Được cho là xuất hiện đầu tiên vào năm 1970 (theo từ điển Merriam-Webster), Pro Bono là nơi những chuyên gia, nhân sự cấp cao… trong nhiều lĩnh vực tự nguyện hỗ trợ tư vấn không lương (hoặc lấy mức phí tượng trưng) cho những ai có nhu cầu học tập, tìm hiểu về lĩnh vực đó trong một khoảng thời gian nhất định.

Ở giai đoạn đầu, hoạt động này chỉ phổ biến trong giới luật sư nhưng sau đó dần được hưởng ứng, lan rộng ra ở các lĩnh vực khác như y tế, kiến trúc, kinh tế… Pro Bono hiện phát triển mạnh mẽ ở các quốc gia như Mỹ, Anh, Hàn, Nhật…

“Thiết chế xã hội muốn phát triển thì mọi người phải chung tay xây dựng cộng đồng. Tôi có cơ hội quen biết nhiều bạn du học sinh và thấy ai cũng khao khát chia sẻ, cống hiến cho đất nước, nên tôi tin tính khả thi của hoạt động trên tại VN rất cao” – tiến sĩ Huỳnh Thế Du (giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) nói về lý do triển khai chương trình Pro Bono ở VN.

Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về chương trình và đăng ký tham gia thông qua: www.sinhvienusa.org hoặc email: [email protected]

“Về lâu dài, chúng tôi sẽ cố gắng thiết lập chức năng mà những người đăng ký tư vấn có thể xây dựng hình ảnh của mình trên đó.

Ngoài ra, cả người tư vấn lẫn người được tư vấn đều được tạo điều kiện đánh giá, xếp loại lẫn nhau. Chúng tôi cũng nghĩ đến việc sẽ thiết kế ứng dụng sao cho có thể tư vấn cùng lúc hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người như dạng lớp học trực tuyến” – tiến sĩ Du nói.

Sẵn lòng chung tay quảng bá

Khi được hỏi cảm nghĩ về chương trình Pro Bono, hầu hết phản hồi đều rất tích cực. Bạn Huỳnh Tuấn Anh (chuyên viên Công ty Phúc Tín) chia sẻ: “Đây là một mô hình mà tôi đã chờ đợi từ rất lâu, bởi trong thời đại công nghệ thông tin thì Internet rõ ràng là phương tiện tốt và tiết kiệm nhất trong việc kết nối, chia sẻ thông tin”.

Từng trải qua thời sinh viên ít nhiều hoang mang khi thiếu những định hướng nghề nghiệp, Tuấn Anh tin tưởng Pro Bono sẽ là “liều thuốc tinh thần” mà giới trẻ đang mong đợi.

Còn với bạn Mai Quyết Thắng (quản lý chiến lược nội dung Công ty truyền thông Awareness) thì mô hình này sẽ huy động được “tài nguyên chất xám” của cộng đồng để phục vụ ngược lại cho cộng đồng.

“Vấn đề là phải làm sao chương trình được truyền thông đúng cách để các đối tượng thật sự cần sự giúp đỡ biết mà tìm đến, tránh trường hợp người nghèo không biết đường lần mà người giàu được tận dụng “chùa” thoải mái” – Quyết Thắng cho biết.

Với thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng (chuyên viên tư vấn tài chính Công ty TNHH kiểm toán quốc tế PNT) thì “điểm cộng” vượt trội của Pro Bono là đem lại cơ hội và kiến thức cho các cá nhân không có điều kiện kinh tế nhưng ham học hỏi.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ mô hình sẽ có một số khó khăn nhất định cần phải dự trù. Chẳng hạn như trong lĩnh vực tư vấn tài chính, thường chúng tôi sẽ cần khoảng thời gian dài theo dõi, phân tích mới có thể đưa ra lời khuyên phù hợp”. Dẫu vậy, ông khẳng định sẽ sẵn lòng tham gia tư vấn miễn phí cũng như giới thiệu người quen tham gia Pro Bono.

CÔNG NHẬT