27/11/2024

Nếu ngày đó cô buông xuôi…

Hôm 20-11 năm ấy có lẽ là ngày ý nghĩa nhất trong đời cầm phấn của tôi khi gặp lại người học trò cũ của mình, đó là T….

 

Nếu ngày đó cô buông xuôi…

 

Hôm 20-11 năm ấy có lẽ là ngày ý nghĩa nhất trong đời cầm phấn của tôi khi gặp lại người học trò cũ của mình, đó là T….

 

 


 

 

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Cách đây sáu năm, tôi dạy môn hóa và chủ nhiệm lớp 12 một trường THPT tại Thanh Hóa. Trong lớp có một học trò tên T. có thể gọi là cá biệt. T. vốn khá thông minh, lanh lợi nhưng lại thường xuyên bỏ tiết đi chơi.

Nghe học trò trong lớp nói T. chơi cá độ bóng đá nên nợ nần ngập đầu, rồi sau đó em đi lừa tiền của bạn bè.

Tôi đã rất thương em. Mặc dù có rất nhiều ý kiến của các thành viên trong lớp gửi đến bí mật kêu than về sự quấy phá của T., vả lại số tiết T. bỏ ngày càng nhiều, sự vắng mặt của em trên lớp càng dày đặc, tôi vẫn không dùng hình phạt nào nặng với em mà chỉ nhắc nhở, động viên ân cần.

Nhưng T. vẫn tiếp tục mượn tiền và… “bùng” của bạn bè. Nếu bạn bè đòi, T. sẽ đe doạ. Nhiều học sinh sợ nên chỉ biết im lặng. T. đã nợ không biết bao nhiêu người. Thi thoảng lại có người vào lớp đòi nợ T. khiến lớp bị xáo trộn rất nhiều.

Ban đầu tôi đã không hiểu rằng cho học trò cơ hội nhưng không “vẽ đường đúng” thì các em rất dễ lặp lại sai lầm. Tôi chỉ nghĩ rằng mình phải “mềm” với em, phải biết thông cảm với những giọt nước mắt của em, về hoàn cảnh của em để học trò không bị đuổi học, vậy là đủ.

Tôi đã phải nói chuyện với em không biết bao nhiêu lần. Tôi cũng phải làm việc riêng với mẹ em không hiếm lần. Nhưng T. dường như vẫn chứng nào tật nấy. Rồi hết lần này đến lần khác tôi cho em cơ hội sửa chữa lỗi lầm.

Trước 53 thành viên trong lớp, T. đã cúi đầu nhận lỗi: “Em xin lỗi vì đã phụ niềm tin của cô và của lớp. Nhưng em không thể bị đuổi học cô ơi”. Mẹ em cũng nói với tôi: “Xin cô giáo và nhà trường hãy cho con tôi cơ hội. Tất cả là tại tôi, cô giáo ạ”.

Nhìn đôi mắt non nớt của em, tôi đã tự dặn lòng không thể để em bị đuổi học. Kể từ hôm ấy, tôi chia sẻ với em không chỉ với tư cách là cô – trò nữa. Tôi hiểu hoàn cảnh khó khăn, bố theo người đàn bà khác, mẹ bệnh tật, thiếu thốn.

Tôi còn nhớ T. đã nói: “Em cá độ vì em ghét cái nghèo, em muốn mẹ được sung sướng”. Dù không chấp nhận lý do em đưa ra nhưng tôi đã giúp em thấy rằng không thể giúp mẹ đổi đời nhờ việc cá độ bóng đá…

Có lẽ với một người đứng trên bục giảng, điều quan trọng không chỉ là giúp các em tiếp nhận kiến thức, đỗ đạt thật nhiều, mà hạnh phúc hơn cả chính là dạy các em những bài học làm người. Thật khổ tâm khi học trò mắc lỗi.

Nhưng giúp các em đứng dậy sau những vấp ngã mới là điều mà những người cầm phấn nên hướng tới. Biết rằng một vài học trò cá biệt có thể khiến lớp đi xuống về mặt thi đua trong trường, nhưng trên hết là tương lai của các em. Sự độ lượng, tận tâm của người thầy luôn được đền đáp xứng đáng.

Cuối cùng, T. đã không làm tôi thất vọng khi tu tỉnh học hành và đỗ vào một trường cao đẳng tại Hà Nội. Có lẽ câu chuyện về T. đã nhắc cho chính bản thân tôi nhớ rằng bản lĩnh sư phạm không chỉ thể hiện khi đứng trên bục giảng mà còn chứng tỏ ở cả bên ngoài lớp học.

Cô trò gặp lại nhau sau sáu năm, T. nói với tôi: “Cảm ơn cô vì ngày đó đã giúp em tỉnh ngộ. Mắc sai lầm thì dễ lắm nhưng thoát được vũng bùn ấy đúng là khó lắm cô ạ. Nếu ngày đó cô buông xuôi thì có lẽ em…”. Nói đến đây T. rơi nước mắt.

Đối với tôi, bó hoa T. mang tặng không chỉ đơn thuần là bó hoa tri ân, đó còn là quả ngọt trong nghề giáo của tôi.

NGUYỆT LINH (Thanh Hóa)