Phải đánh vào túi tiền của tham nhũng
Trong năm 2013-2014, tỉ lệ tài sản tham nhũng thu hồi được chỉ trên dưới 20%. Có thực trạng là lâu nay việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa được chú ý đúng mức.
Phải đánh vào túi tiền của tham nhũng
Trong năm 2013-2014, tỉ lệ tài sản tham nhũng thu hồi được chỉ trên dưới 20%. Có thực trạng là lâu nay việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa được chú ý đúng mức.
Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Phạm Anh Tuấn (phải) trao đổi với ông Kenneth Norman (Úc) bên lề hội thảo “Thu hồi tài sản tham nhũng – thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” – Ảnh: V.V.T. |
Tại hội thảo về “thu hồi tài sản tham nhũng” do Ban Nội chính trung ương tổ chức ngày 13-3, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi xung quanh thực trạng lâu nay là chưa chú ý đúng mức đến việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Tại hội thảo, ông Phạm Quý Tỵ – nguyên thứ trưởng Bộ Tư pháp – cho biết nhóm nghiên cứu thuộc Ban Nội chính trung ương đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp để thu hồi tài sản tham nhũng.
Trong đó, có đề xuất nếu đối tượng trả lại hết tài sản tham nhũng, bồi thường đầy đủ thiệt hại thì có thể xem xét áp dụng hình phạt chính là phạt tiền, miễn hoặc giảm hình phạt.
Cân nhắc trừng trị và thu hồi tài sản
Bình luận về đề xuất nêu trên, ông Phạm Quý Tỵ nói trong thực tế giá trị tài sản tham nhũng thu hồi được rất thấp, đề xuất nêu trên nếu được áp dụng sẽ có tác động tích cực để các đối tượng tham nhũng nộp lại tài sản.
Tuy nhiên, ông Phạm Quý Tỵ cũng băn khoăn: “Đối tượng tham nhũng trả lại hết tài sản tham nhũng và bồi thường thiệt hại đầy đủ thì được miễn trách nhiệm hình sự, chuyển xử lý hành chính.
Vậy các đối tượng tội phạm khác cũng nộp tiền thì có được giảm hoặc miễn tội không? Ở đây cần có các quy định để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật”.
Từ số liệu trong các năm 2013 và 2014, tỉ lệ số tiền, tài sản tham nhũng được các cơ quan chức năng thu hồi chỉ trên dưới 20%, ông Đinh Văn Minh – phó viện trưởng Viện Khoa học thanh tra – cho rằng việc phát hiện tham nhũng đã ít, thu hồi tài sản tham nhũng cũng ít theo.
“Tôi còn nhớ năm 1998 tôi được tham gia xây dựng pháp lệnh chống tham nhũng, thái độ chung là trừng trị, thậm chí có ý kiến rằng tham nhũng 500 triệu đồng là bắn được rồi. Dần dần nhận thức ra án kinh tế, trong đó có án tham nhũng, không cần bắn, điều quan trọng là thu hồi tài sản” – ông Minh nói.
Xung quanh những vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn – phó trưởng Ban Nội chính trung ương – cho biết hiện đang có hai thái cực khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất theo hướng tập trung xử lý, áp dụng hình phạt thật nặng để đủ sức răn đe, chưa coi trọng đúng mức việc thu hồi tài sản.
Loại ý kiến thứ hai lại cho rằng tội phạm tham nhũng bản chất là tội phạm kinh tế, nên thiên về giải pháp thu hồi tài sản, giảm bớt hình phạt, đánh mạnh vào kinh tế, thậm chí nếu thu hồi và khắc phục được rồi thì “coi như xong”.
Nêu quan điểm của mình, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh cần thiết áp dụng đồng bộ các giải pháp để có thể thu hồi được cao nhất tài sản tham nhũng, nhưng không thể lấy thu hồi thay thế cho hình phạt.
Ông Tuấn nói: “Trong bối cảnh hiện nay, nếu nghiêng về thu hồi thì đối tượng sẵn sàng tham nhũng, chẳng may bị phát hiện thì đem trả lại, như vậy pháp luật không đảm bảo tính răn đe. Phải tiến hành song song cả hình phạt cũng như thu hồi tài sản tham nhũng”.
Cần nghiên cứu thêm
Tiếp cận từ góc độ của cơ quan lập pháp, Phó chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng đề tài nghiên cứu của Ban Nội chính trung ương nên bao hàm cả vấn đề kiểm soát thu nhập, tài sản và thu hồi tài sản tham nhũng.
Ông Quyền nói ở Việt Nam muốn thu hồi được thì trước hết phải kiểm soát được thu nhập, tài sản, quy định pháp luật hiện nay lại chưa cho phép áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt, nên rất khó thu hồi tài sản tham nhũng.
Theo ông Quyền, Hiến pháp 2013 quy định quyền sở hữu tài sản của công dân là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, không dễ đụng vào, cho nên những khái niệm tài sản tham nhũng, tài sản phái sinh từ tham nhũng, tài sản có nguồn gốc tham nhũng… phải có tiêu chí cụ thể.
Ông Phạm Quý Tỵ góp ý không nên mở rộng việc thu hồi, tịch thu tài sản tham nhũng bằng biện pháp hành chính, nên áp dụng phán quyết của toà án để đảm bảo công bằng và minh bạch hơn.
Ông Kenneth Norman – giám đốc điều hành Công ty Pario Solutions Group, chuyên gia Úc – cũng cho biết việc thu hồi tài sản không qua xét xử ở Úc ít khi diễn ra, chỉ một vài vụ liên quan đến quan chức đương chức xuất bản sách và sách đó thuộc dạng bán chạy, Chính phủ Úc thu hồi tiền bản quyền và xác định đó là tiền có được do lạm dụng chức vụ.
Tiếp cận từ góc độ sự đòi hỏi của dư luận xã hội, ông Nghiêm Xuân Cường – phó trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy Quảng Ninh – lấy ví dụ về trường hợp vừa qua khi dư luận phản ánh, cơ quan kiểm tra Đảng vào cuộc thì đã thu hồi được một số tài sản lớn của một quan chức về hưu, đó là những tài sản dù chưa xác định do tham nhũng mà có nhưng là tài sản bất hợp pháp.
Ông Nghiêm Xuân Cường đề nghị nên tiếp tục nghiên cứu sử dụng “kênh” thu hồi tài sản dựa trên sự đồng thuận của xã hội.
Kết luận hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn nói bên cạnh việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua tố tụng tư pháp, cần nghiên cứu sâu thêm về các biện pháp khác.
Ví dụ một đảng viên được cơ quan kiểm tra kết luận có tham nhũng nhưng chưa cần thiết áp dụng biện pháp hình sự, đảng viên đó tự giác nộp lại tài sản cho Nhà nước thì sẽ được xử lý như thế nào?
Ông Tuấn khẳng định dù thu hồi tài sản về cho Nhà nước bằng “kênh” nào cũng phải đảm bảo chặt chẽ, theo đúng các quy định có liên quan.
Đề xuất cấm lãnh đạo gửi tiền, sở hữu tài sản ở nước ngoài Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu tại hội thảo về đề tài nêu trên diễn ra sáng 13-3, bà Vũ Thu Hạnh – phó vụ trưởng Vụ nghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính trung ương – cho biết trong các nhóm giải pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra, có đề xuất quy định cấm cán bộ, đảng viên có chức vụ từ cấp vụ, cục trở lên gửi tiền, tài sản hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài. Đây là quy định giúp phòng ngừa khả năng đối tượng tham nhũng tạo dựng cơ sở kinh tế để trốn ra nước ngoài sau khi thực hiện hành vi tham nhũng ở trong nước. Bên lề hội thảo, trả lời câu hỏi về việc trong giai đoạn chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc của Đảng, Ban Nội chính trung ương có tiếp nhận được các tố cáo về tài sản của quan chức hay không và xử lý như thế nào, ông Phạm Anh Tuấn nói: “Hiện nay thông tin tương đối nhiều. Vấn đề quan trọng phải là thông tin chính thức, vì có những thông tin trên mạng xã hội, mới đọc tưởng như có cơ sở, nhưng muốn xác định đúng hay không thì phải có quy trình chặt chẽ”. |