Điều bất thường trong một xã hội đang chuyển đổi
Trong vòng chưa tới 10 ngày, Nhịp sống trẻ đã nhận được cả ngàn ý kiến, bài viết tham gia diễn đàn “Thói hung hãn lên ngôi?”.
Điều bất thường trong một xã hội đang chuyển đổi
Trong vòng chưa tới 10 ngày, Nhịp sống trẻ đã nhận được cả ngàn ý kiến, bài viết tham gia diễn đàn “Thói hung hãn lên ngôi?”.
Hôm nay, chúng tôi xin khép lại diễn đàn này bằng một cuộc trò chuyện bàn tròn giữa đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc với hai bạn trẻ Vũ Thị Lan Anh, Nguyễn Thái Bình đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội (thành viên tham gia Quốc hội trẻ) và phóng viên Lê Kiên (Tuổi Trẻ).
Ông Dương Trung Quốc (giữa) tại cuộc bàn tròn – Ảnh: Quang Thế |
Ta đang cố gắng xây dựng chuẩn giá trị mới nhưng chưa rõ ràng, trong khi những chuẩn giá trị cũ bị phá vỡ. Đó là vấn nạn của chúng ta hiện nay |
Ông Dương Trung Quốc |
Mở đầu cuộc trò chuyện, PV Lê Kiên đưa ra câu hỏi: Nhìn vào con số người nhập viện và nhiều lý do dẫn đến ẩu đả rất lãng xẹt, phải chăng xã hội chúng ta đang có điều gì đó bất thường?
– Ông Dương Trung Quốc: Nếu nhìn vào con số và với trải nghiệm của một người ở độ tuổi tôi, nhìn trong chiều dài của thời gian thì đúng là có nhiều biểu hiện mà mình khó giải thích được. Bản thân những con người ấy rơi vào một trạng huống cụ thể nào đó, có thể bị ảnh hưởng bởi giáo dục, đời sống gia đình, xã hội… và môi trường xã hội dễ làm nảy sinh ra.
Chúng ta không có số liệu của các nước khác nên không thể so sánh xem ở các nước có tình trạng như VN hay không. Như các cụ nói bản tính con người là tốt, tính bản thiện. Nhưng hình như có những yếu tố làm cho con người ở những tình huống nào đó, ở những môi trường nào đó thì cái xấu lại trồi lên, lấn át cái tốt.
– Vũ Thị Lan Anh: Tôi không quá bất ngờ khi nghe con số này bởi vì những năm trước, con số thống kê dịp nghỉ tết vẫn nhiều như thế. Sự việc đánh nhau thể hiện lối giao tiếp, ứng xử trong xã hội. Tôi nghĩ hiện trạng này đặt ra câu hỏi băn khoăn về kỹ năng giao tiếp của giới trẻ, thanh niên hiện nay. Đây là câu hỏi mà mọi người, đặc biệt là mỗi người trẻ như tôi cần phải suy nghĩ, tự vấn chính mình.
– Nguyễn Thái Bình: Trước dịp nghỉ tết, ở nhiều nơi tôi thấy chính quyền, đoàn thể cho treo các khẩu hiệu phòng chống tệ nạn xã hội… Điều đó chứng tỏ Nhà nước đã ý thức được việc này sẽ xảy ra vào giai đoạn như thế.
Tuy nhiên, năm nào cũng ý thức như thế nhưng số liệu thống kê vẫn không thay đổi, chứng tỏ những biện pháp, chính sách của Nhà nước đưa ra chưa thật sự hiệu quả.
Nguyễn Thái Bình |
Trước tết, ở nhiều nơi tôi thấy chính quyền, đoàn thể cho treo các khẩu hiệu phòng chống tệ nạn xã hội… Năm nào cũng ý thức như thế nhưng số liệu thống kê vẫn không thay đổi, chứng tỏ những biện pháp, chính sách chưa thật sự hiệu quả |
Nguyễn Thái Bình |
Chuẩn mực mới chưa định hình
* PV Lê Kiên: Chúng ta hãy thử phân tích xem nguyên nhân nào dẫn đến chuyện đáng buồn này?
– Ông Dương Trung Quốc: Tôi cho là chuẩn giá trị xã hội đang bị lệch. Rất nhiều chuẩn giá trị cũ đã bị coi là lạc hậu, nhưng chưa có chuẩn giá trị mới. Lấy câu chuyện lễ hội, đó là nơi con người tập hợp nhau lại, rất dễ tạo ra những xung đột lợi ích.
Câu chuyện rất thời sự là lễ hội chém lợn, nếu chỉ nằm trong cộng đồng nhất định của một làng thì có hệ thống chuẩn của nó, nhận thức như các nhà nghiên cứu nói, thì việc chém một con lợn… có những nội hàm phù hợp với cộng đồng nhỏ. Nhưng mà ra cộng đồng lớn thì phải khác, rộng lớn hơn là văn hóa khác.
Ngay gia đình tôi xem trên truyền hình thấy cũng ghê rợn người, bởi họ quay toàn bộ cảnh vung dao chém lợn, máu me vung vãi… Tức là một lễ hội cũ diễn ra trong một môi trường không phải như môi trường của lễ hội ấy, của cộng đồng tạo ra lễ hội ấy, thì đương nhiên từ linh thiêng biến thành cách hành xử rất bạo lực.
Đó là những vấn đề trong một xã hội đang chuyển đổi, cho nên những chuyện này cần nhìn nhận hết sức tỉnh táo, khoa học. Còn bây giờ ta khái quát ngay người VN thích bạo lực hay không thích bạo lực cũng cần phải thận trọng, dù hiện tượng này có thật và đáng được quan tâm.
– Nguyễn Thái Bình: Tôi đã từng đọc bài của một chuyên gia người Nhật nói về giai đoạn chuyển giao giữa hai thời kỳ văn hóa. Nhật Bản cũng trải qua giai đoạn này, đó là giai đoạn mà khi con người có vật chất nhưng văn minh lại chưa cao lắm.
Nhiều nước phương Đông cũng trải qua giai đoạn này. Hiện tượng thanh niên, giới trẻ kích động đánh nhau không phải là mới.
* PV Lê Kiên: Nhiều người nói rằng nền tảng gia đình ở VN hiện nay khác xưa rất nhiều, sự giáo dục trong gia đình như truyền thống trước một nền kinh tế đang chuyển đổi thì nó đang bị phá vỡ. Giáo dục trong nhà trường, quan hệ thầy – trò cũng không còn như xưa nữa. Xã hội thì như mọi người vừa nói là chưa định hình được những chuẩn mực chung, tồn tại nhiều tiêu cực, như ở Quốc hội các ông nghị vẫn nói về những vấn nạn như chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp khiến người ta không biết đâu là giá trị thật…
– Ông Dương Trung Quốc: Thật ra khi nói đến giáo dục, chúng ta vẫn nói đến giáo dục học đường, và quên mất giáo dục là toàn bộ đời sống con người. Vì thế không phải tự nhiên mà người xưa thường nói “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Tự mình phải tu thân, dựa trên những chuẩn xã hội, tất nhiên có thể có yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng.
Bây giờ con đường phấn đấu của không ít người đã bỏ qua những điều đó, chỉ muốn ngay lập tức “bình thiên hạ”. Sự biến tướng mất đi chuẩn giá trị cho lớp con trẻ. Ta đang cố gắng xây dựng chuẩn giá trị mới nhưng chưa rõ ràng, trong khi những chuẩn giá trị cũ bị phá vỡ. Đó là vấn nạn của chúng ta hiện nay.
Mỗi người phải tự vấn chính mình
– Ông Dương Trung Quốc: Điều đặc biệt tôi thấy ở phương Đông mình có yếu tố rất quan trọng là tính gương mẫu. Trong xã hội luôn có thế thứ về tuổi tác, nhưng phải trên tinh thần là anh càng ở cao, anh càng nhiều tuổi thì càng phải gương mẫu.
Vì vậy, những sự không nghiêm túc của cha mẹ dẫn đến sự hư hỏng của con cái. Những người lãnh đạo của một cơ quan không nghiêm túc thì nhân viên sẽ học theo. Nên tôi cho rằng những chuẩn mực giá trị của con người là quan trọng.
Bằng cấp trong xã hội có cần không? Nhưng bằng giả cứ tràn lan thì bằng cấp chỉ là cái bề ngoài, và nó kích thích sự giả dối. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất của xã hội chúng ta hiện nay chính là giá trị giả nhiều quá. Trong quan hệ, chúng ta không đề cao sự trung thực, và chính vì thế tôi cho rằng đó là yếu tố quan trọng nhất.
Bây giờ hỏi bắt đầu từ đâu, ai cũng hỏi bắt đầu từ trên, từ chính sách. Điều đó không sai. Nhưng hãy bắt đầu từ chính bản thân mỗi người. Trong xã hội, tôi bắt gặp nhiều người, trong bối cảnh nhiễu nhương như hiện nay nhưng họ cố gắng giữ những giá trị của mình, gia đình mình.
Chúng ta phải có cuộc đấu tranh để xác lập lại những giá trị chuẩn. Đây là sự nghiệp của mọi người chứ không phải của riêng ai cả.
* PV Lê Kiên: Một trong những yếu tố rất quan trọng của giáo dục, như nhà sử học Dương Trung Quốc vừa đề cập, chính là giáo dục từ những tấm gương: lãnh đạo làm gương cho dân chúng, người lớn làm gương cho con trẻ noi theo… Nhưng, quan sát thì thấy có những hiện tượng bất bình thường, ví dụ như ở công viên, bờ hồ chúng ta vẫn gặp cảnh con trẻ nhắc bố mẹ phải bỏ rác vào thùng, không được xả rác bừa bãi…
– Ông Dương Trung Quốc: Chúng ta phải nhìn nhận hiện tượng trong tổng hòa của nó. Có người nói rằng đến nhà trường thì phải tốn tiền cho cô giáo, đi bệnh viện thì tốn tiền cho bác sĩ, ra đường phải tốn tiền cho cảnh sát giao thông… Cái khó nhất của chúng ta bây giờ là bắt đầu từ đâu, từ con gà hay quả trứng, để khỏi rơi vào cái vòng luẩn quẩn?
Theo tôi, phải có giải pháp rất căn bản. Dẫu sao chúng ta phải tính đến những giải pháp và giải pháp không có cách nào khác là tạo chỗ đứng cho những chuẩn xã hội. Và muốn làm được điều đó, tôi nghĩ rằng phải đồng bộ chứ không phải chỉ một ai đó mong muốn mà làm được.
Sự đồng bộ này trong một xã hội chúng ta luôn đặt cao vai trò của những người lãnh đạo thì những người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Trước đây, toàn bộ công cuộc đổi mới bắt đầu từ việc chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nói, dám đương đầu với sự thật để làm tốt hơn. Bây giờ tôi thấy chúng ta vẫn chưa dám nhìn thẳng vào sự thật.
Vũ Thị Lan Anh |
Theo tôi, việc nêu gương là rất quan trọng. Chính những nhân vật nổi tiếng, được nhiều người thần tượng, họ tham gia các hoạt động xã hội, giải trí thì thường tác động đến những người hâm mộ của mình |
Vũ Thị Lan Anh |
* PV Lê Kiên: Bạn Vũ Thị Lan Anh đã từng đóng vai chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội trong dự án Quốc hội trẻ, xin hỏi là với con số gây lo lắng như vậy về tình trạng bạo lực trong xã hội, bạn có trình ra Quốc hội các nghị quyết kêu gọi người dân, thanh niên chấm dứt thói hung hăng, côn đồ?
– Vũ Thị Lan Anh: Nếu được giữ vai trò đó, tôi sẽ lên tiếng mạnh mẽ về vấn nạn này. Theo quan điểm của tôi, việc nêu gương rất quan trọng. Chính những nhân vật nổi tiếng, được nhiều người thần tượng, họ tham gia các hoạt động xã hội, giải trí thì thường tác động đến những người hâm mộ của mình. Nên kết nối các thần tượng ấy với lối sống của giới trẻ để tạo nên những tấm gương cho giới trẻ học tập.
– Nguyễn Thái Bình: Việc xây dựng tấm gương từ những thần tượng rất tốt, tuy nhiên những thần tượng mang tính chất thời điểm chứ không thể mãi mãi. Ở nước ngoài các chính khách rất chú trọng xây dựng hình ảnh của bản thân và gia đình mình.
Như gia đình của Tổng thống Mỹ Barack Obama, vợ ông được xây dựng là hình ảnh người phụ nữ rất giỏi giang, giáo dục con cái rất tốt. Những hình ảnh đó rất gần gũi như với hình ảnh gia đình ông Lý Hiển Long, và đều nhằm mục đích tác động đến toàn xã hội, tạo ra sự thay đổi nào đó và hạn chế tình trạng trên.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng quan trọng nhất vẫn là mỗi người tự ý thức về mình.
Nhà nước phải vào cuộc Theo báo cáo chính thức của Bộ Y tế, trong dịp Tết Ất Mùi (từ 27 tháng chạp đến mùng 4 tháng giêng) đã có hơn 6.200 người nhập viện do… đánh nhau. Trước thông tin gây sốc này, ngày 25-2, Nhịp sống trẻ đã mở diễn đàn “Thói hung hãn lên ngôi?”. Để lý giải về những hình ảnh xấu xí, có ý kiến bảo rằng đó là do giáo dục. Giáo dục ở đây không chỉ trong nhà trường mà cả gia đình, xã hội. Lại có ý kiến cho rằng kinh tế khó khăn khiến người ta dễ phát khùng! Nhưng, rồi cũng có ý tranh luận lại, cho rằng một người có giáo dục, có đạo đức thì khó khăn đến mấy cũng phải “giữ lấy lề” chứ không phải để rách te tua được! Khi đúc kết, có ý kiến cho rằng đã quá chậm để gióng lên hồi chuông báo động: người Việt đang ngày càng hung hãn! Nhưng cũng có người cho rằng không đến mức như thế, với lý giải: Mọi chuyện do Internet mà ra. Ngày xưa, một vụ án rùng rợn chỉ gói gọn trong phạm vi hẹp làng xã, huyện, tỉnh; còn bây giờ, với chiếc điện thoại trong tay, nhanh trong chớp mắt, những thông tin xấu xí đã lan truyền khắp năm châu chứ đừng nói là trong nước. Qua cả ngàn ý kiến phân tích, lý giải câu chuyện hơn 6.200 người nhập viện vì đánh nhau, chúng tôi thấy quả là rất khó để có một kết luận cuối cùng nhằm trả lời chính xác, thuyết phục hai câu hỏi: 1- Do cái gì? 2- Có đáng lo thật sự không? Từ đây mới thấy rằng Nhà nước mà cụ thể là các bộ ngành có trách nhiệm về văn hóa, giáo dục phải vào cuộc một cách thật nghiêm túc, bằng những cuộc nghiên cứu, hội thảo khoa học để trả lời hai câu hỏi vừa nêu trên. Chúng tôi nhớ vào cuối thế kỷ 20 – đầu thế kỷ 21, ở Hàn Quốc cũng đã có những nỗi lo trước hiện tượng giới trẻ đua nhau nhuộm đầu vàng, mang kính áp tròng màu xanh. Người Hàn lo sợ rằng, phải chăng giới trẻ đang chối bỏ dân tộc, muốn trở thành phương Tây? Đến năm 2002, trước hình ảnh hàng triệu thanh niên Hàn mặc áo đỏ truyền thống tràn xuống đường để ủng hộ đội nhà tại World Cup 2002, các cơ quan văn hóa, giáo dục Hàn Quốc mới an tâm kết luận: Tóc vàng mắt xanh chỉ là hình thức, là phong trào nhất thời. Vấn đề quan trọng là trái tim vẫn tràn đầy tình yêu tổ quốc. Từ đó, những hình ảnh liên quan đến sự kiện World Cup 2002 đã được đưa vào sách giáo khoa để giáo dục lòng yêu nước. Đến nay, phong trào “đầu vàng – mắt xanh” đã không còn rầm rộ ở Hàn và cũng không còn là mối lo ngại. Tóm lại, các bộ ngành phụ trách văn hoá, giáo dục phải vào cuộc để trả lời những vấn đề nổi cộm trong xã hội như thói hung hãn, nạn mê tín… đang có những biểu hiện hết sức đáng lo ngại. |