27/11/2024

Hướng tới múi giờ chung ASEAN

Ý tưởng về một múi giờ chung cho ASEAN đang được các nhà lãnh đạo khu vực khơi gợi lại trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) sắp hình thành.

 

Hướng tới múi giờ chung ASEAN

 

Ý tưởng về một múi giờ chung cho ASEAN đang được các nhà lãnh đạo khu vực khơi gợi lại trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) sắp hình thành.

 

 


 

 

Nếu dùng múi giờ GMT+8 làm chuẩn, sinh hoạt hằng ngày của Myanmar sẽ có nhiều đảo lộn – Ảnh: V.Phương

Sau 10 năm kể từ khi ý tưởng về một múi giờ chung cho ASEAN được Singapore đưa ra, tại Hội nghị hẹp các ngoại trưởng ASEAN ở Kota Kinabalu (Malaysia) hôm 28-1, nước chủ nhà một lần nữa đem vấn đề này ra thảo luận.

Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman gọi vấn đề múi giờ chung cho các thủ đô của ASEAN là “một ý tưởng đáng để xem xét”. Vấn đề này lập tức được Singapore ủng hộ nhiệt liệt và sau đó là Indonesia.

Hôm 6-2, như Bernama cho biết, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói Jakarta sẽ “theo đuổi ngay lập tức một thoả thuận về múi giờ chung như một biểu tượng của sự đoàn kết ASEAN”.

Tranh cãi múi giờ chuẩn

Theo Straits Times, các cuộc thảo luận về múi giờ chung mới chỉ ở bước đầu trong khi các nước thành viên chưa thể nhất trí chọn múi giờ nào làm giờ chung cho ASEAN.

Hiện nay các nước ASEAN trải dài từ tây sang đông với bốn múi giờ, cách biệt nhau tối đa 150 phút.

Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam thuộc múi giờ GMT+7. Brunei, Malaysia, Singapore, Philippines theo múi giờ GMT+8. Riêng đất nước vạn đảo Indonesia trải dài qua ba múi giờ là GMT+7, GMT+8 và GMT+9. Chỉ mỗi Myanmar là có múi giờ lẻ loi GMT+6:30.

Theo Establishment Post – một trang quan sát và phân tích khu vực Đông Nam Á, ý tưởng về múi giờ chung cho ASEAN những năm về trước đã bị xếp xó do những tranh cãi việc múi giờ nào sẽ là giờ chuẩn.

Nếu áp dụng múi giờ GMT+8 thì khu vực sẽ cùng giờ với Trung Quốc, đặc khu Hong Kong, đặc khu Macau, đảo Đài Loan và khu vực phía tây nước Úc.

Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc các nước Đông Dương, Thái Lan phải nhích lên một giờ. Myanmar “mệt mỏi” nhất khi phải dịch lên tới 1 giờ 30 phút. Riêng Indonesia phải dịch chuyển cả lên và xuống đối với múi giờ GMT+7 và GMT+9.

Múi giờ GMT+8 cũng sẽ gây rắc rối cho một số khu vực ở Myanmar vào mùa hè vì khi đó, theo múi giờ chung, mặt trời sẽ mọc vào 7g20 sáng và lặn lúc 20g45.

Do đó, nhiều ý kiến nói nên lấy múi giờ GMT+7 làm chuẩn. Theo Straits Times, nếu xét trên phương diện múi giờ địa lý thì cả Singapore và Kuala Lumpur đều rơi vào khu vực GMT+7. Nhưng nếu lấy GMT+7 làm chuẩn thì kết nối với những trung tâm tài chính quan trọng như Hong Kong sẽ không còn.

Cũng có người chủ trương lấy mốc GMT+8 làm chuẩn rồi dời Myanmar lên múi giờ GMT+7 và vẫn để khu vực phía đông ít dân cư của Indonesia ở múi giờ GMT+9.

Dù cho lấy múi giờ nào làm chuẩn thì cũng sẽ có những lời than phiền về việc học sinh phải đến trường khi trời còn tối hay phải thức dậy quá sớm.

Lợi nhưng chưa cấp thiết

Múi giờ chung ASEAN lần đầu tiên được cựu thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đưa ra năm 1995 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 5. Đến năm 2004, nó lại được cựu thủ tướng Malaysia Abdullah Badawi đề xuất lại.

Trước đó, vào năm 1993, Thái Lan nói nước này nên dịch chuyển múi giờ sang GMT+8 để tăng sức cạnh tranh. Theo Straits Times, ý tưởng này được cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra nêu ra lại năm 2001 khi mới lên nắm quyền nhưng rồi bị rơi vào quên lãng.

Một múi giờ chung cho ASEAN được nói sẽ đem lại nhiều lợi ích, trong đó có việc cải thiện các kết nối về kinh doanh, tài chính, ngân hàng cũng như hoạt động giao thông, nhất là giao thông đường không. Các giao dịch giữa các nước cũng sẽ có thêm thời gian hoạt động chung.

Các ngân hàng, thị trường tài chính sẽ phối hợp nhịp nhàng hơn nếu mở cửa và đóng cửa cùng thời điểm. Múi giờ chung cũng sẽ giúp các cơ quan chính phủ giữa các nước, nhất là những cơ quan thực thi pháp luật, có thể sắp xếp hợp lý các thủ tục và hoạt động.

Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam nói: “ASEAN ngày nay là nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới với dân số hơn 600 triệu người, GDP hơn 2.000 tỉ USD. Bất cứ điều gì giúp cho các doanh nghiệp hội nhập, hàng hoá lưu thông, dịch vụ hoạt động nhuần nhuyễn đều đem lại lợi ích”.

Tuy nhiên, theo Establishment Post, việc AEC có chung múi giờ sẽ đem lại nhiều lợi ích nhưng không phải quá cấp thiết. Liên minh châu Âu (EU) có tới ba múi giờ và các nước thuộc Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) trải dài qua tám múi giờ mà vẫn hoạt động hiệu quả.

Một số nhà quan sát cho rằng ASEAN không nhất thiết phải có cùng một múi giờ bởi giữ nguyên bốn múi giờ hay co lại hai hoặc ba múi giờ thì cũng đem lại lợi ích kinh tế như nhau.

Thay vào đó, giá trị thật sự của việc lập múi giờ chung, cũng như những sáng kiến ASEAN khác, nằm ở quá trình thực hiện để đem các nhà lãnh đạo và nhân dân khu vực lại với nhau, tăng cường tính đồng nhất của ASEAN trước thềm hình thành AEC.

Singapore nhiều lần đổi múi giờ

Trước năm 1982, Singapore và phần bán đảo của Malaysia thuộc múi giờ GMT+7:30. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-1982, hai nơi này dịch chuyển lên múi giờ GMT+8 để khớp với khu vực phía đông Malaysia.

Ban đầu Malaysia đổi múi giờ để đồng nhất thời gian trên toàn quốc. Sau đó, Singapore cũng đổi theo để tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp và chuyện đi lại giữa hai nước.

Suốt thời gian diễn ra Thế chiến thứ hai, hòn đảo này cũng phải vặn đồng hồ từ GMT+7:30 sang GMT+9. Khi ấy phát xít Nhật đang chiếm đóng muốn toàn bộ vùng bán đảo Malaysia đi theo giờ Tokyo.

VIỆT PHƯƠNG