17/11/2024

Cái chết bí ẩn gây rúng động Argentina

Cái chết bí ẩn của một công tố viên đang đẩy chính quyền Tổng thống Argentina Cristina Fernández de Kirchner vào cuộc khủng hoảng chính trị lớn.

 

Cái chết bí ẩn gây rúng động Argentina

 

 

Cái chết bí ẩn của một công tố viên đang đẩy chính quyền Tổng thống Argentina Cristina Fernández de Kirchner vào cuộc khủng hoảng chính trị lớn.

 

 

 

Cái chết bí ẩn gây rúng động ArgentinaBiểu tình đòi điều tra cái chết của công tố viên Nisman (ảnh nhỏ) – Ảnh: AFP
Ngày 26.1, phóng viên Damian Pachter của tờ Buenos Aires Herald đã phải chạy khỏi Argentina đến Israel vì bị doạ giết. Anh này không nói rõ chi tiết nhưng tiết lộ thêm là điện thoại của mình đã bị một thế lực nào đó ở Argentina theo dõi, theo AFP. Cuộc tháo chạy của Pachter, người đầu tiên đưa tin về cái chết bí ẩn của công tố viên Alberto Nisman, càng khiến vụ này thêm đậm màu sắc âm mưu.
Ông Nisman, 51 tuổi, bị phát hiện nằm gục trong phòng tắm tại nhà riêng ở Buenos Aires vào đêm 18.1, bên cạnh là khẩu súng ngắn nòng 5,6 li cùng một vỏ đạn rỗng duy nhất. Viên đạn đã găm thẳng vào trán nạn nhân. Cái chết đầy bất ngờ của người đang đòi truy tố Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner lập tức gây ra làn sóng phản đối lớn với đủ loại giả thuyết ly kỳ có thể làm chao đảo chính quyền của nữ tổng thống.
Cáo buộc chấn động
 
 

Vụ đánh bom xe trước trung tâm cộng đồng Do Thái tại Buenos Aires vào ngày 18.7.1994 xảy ra trong lúc cuộc chiến bí mật giữa Israel và Hezbollah tại Li Băng lên đến đỉnh điểm. Lâu nay, phương Tây luôn nghi ngờ Iran cung cấp tài chính cho tổ chức này. Theo AFP, vào năm 2006, công tố viên Alberto Nisman chính thức cáo buộc chính quyền Tehran chỉ đạo vụ đánh bom và Hezbollah trực tiếp ra tay. Ông Nisman còn kêu gọi bắt khẩn cấp cựu Tổng thống Iran Hashemi Rafsanjani và 7 quan chức khác.

 

Theo Reuters, cuộc khủng hoảng tại Argentina bắt đầu khi thi thể của ông Nisman được phát hiện chỉ vài giờ trước khi công tố viên này chuẩn bị điều trần trước quốc hội về các cáo buộc chống lại bà de Kirchner và nhiều quan chức cấp cao khác. Trong hơn 2 thập niên qua, công tố viên Nisman luôn theo đuổi không mệt mỏi cuộc điều tra về khả năng Iran nhúng tay vào vụ đánh bom một trung tâm cộng đồng của người Do Thái vào năm 1994 tại Buenos Aires khiến 85 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Đây được xem là vụ khủng bố nghiêm trọng nhất tại Argentina trong thời hiện đại và đến nay vẫn chưa xác định được thủ phạm. Trước khi chết, ông này cũng đã nộp đơn lên toà án đòi làm rõ nghi vấn chính quyền đương nhiệm có âm mưu phá hoại cuộc điều tra.

AFP dẫn hồ sơ tòa án cho hay ông Nisman cáo buộc Tổng thống de Kirchner và Ngoại trưởng Héctor Timerman hồi năm 2013 đã thông qua một thoả thuận bí mật với Iran nhằm che đậy sự dính líu của chính quyền Tehran trong vụ đánh bom.
Theo đó, Iran đồng ý cho Argentina dùng lương thực đổi dầu mỏ với điều kiện bà de Kirchner bí mật ra lệnh huỷ yêu cầu bắt giữ và dẫn độ nhiều cựu và đương kim quan chức cấp cao của Tehran đến Buenos Aires để điều tra vụ đánh bom. Trước khi chết, ông Nisman tuyên bố mình nắm các chứng cứ vững chắc chống chính quyền bà de Kirchner, bao gồm các đoạn băng ghi âm của một số quan chức tình báo và ngoại giao, đồng thời hứa hẹn sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin liên quan trong cuộc điều trần ngày 19.1. Chính quyền Buenos Aires gọi cáo buộc trên là “hết sức lố bịch” còn Iran vẫn khẳng định không liên quan đến vụ đánh bom.
Bàn tay của tình báo ?
Theo tờ The Wall Street Journal, gần như ngay khi thi thể công tố viên Nisman được phát hiện, Bộ trưởng An ninh Sergio Berni đã có mặt tại hiện trường và tuyên bố đây là một vụ tự sát. Tuy nhiên, người thân của nạn nhân khẳng định ông không có lý do gì để tự sát trong khi giới truyền thông chỉ ra nhiều điểm đáng ngờ trong quá trình điều tra. Một số quan chức nói cửa căn hộ bị khoá bên trong nhưng thợ bẻ khóa tại hiện trường phủ nhận chuyện này. Kế đến, có thông tin căn hộ chỉ có 2 lối vào, nhưng sau đó các nhà điều tra phát hiện ngõ vào thứ ba, cũng như tìm thấy dấu vân tay lạ trong khi không hề có dấu vết thuốc súng trên tay Nisman. Đội cận vệ 10 người của vị công tố viên cũng không đứng gác trước căn hộ như thường lệ.
Bản thân Tổng thống de Kirchner cũng có những tuyên bố gây hoang mang. Đầu tiên, dường như bà chấp nhận giả thuyết Nisman tự sát nhưng sau đó lại cho rằng ông Nisman bị “một số phần tử xấu” trong giới tình báo Argentina ám sát hòng đổ tội giết người diệt khẩu cho chính phủ, theo Reuters. Trong một động thái mới nhất sau cái chết của ông Nisman, Tổng thống de Kirchner hôm qua đã lên truyền hình công bố kế hoạch giải tán cơ quan tình báo của nước này và thúc đẩy dự luật nhằm thành lập một cơ chế mới, với tên gọi Cục Tình báo liên bang. Trước đó, bà de Kirchner vào giữa tháng 12.2014 đã sa thải lãnh đạo tình báo và một loạt điệp viên kỳ cựu. Đáng chú ý là trong số này có nhiều người hỗ trợ cuộc điều tra của Nisman.
Tấm màn bí ẩn xung quanh cái chết của Nisman dẫn tới nhiều cuộc biểu tình lớn tại Buenos Aires và nhiều thành phố lớn tại Argentina để đòi công lý cho ông này. Ngoài ra, phe đối lập chỉ trích thái độ bất nhất của Tổng thống de Kirchner là nhằm “cố tình đánh lạc hướng điều tra”. Đến ngày 26.1, chính quyền tiếp tục bị phản đối khi đăng công khai lịch trình bay từ Buenos Aires đến Tel Aviv (Israel) của phóng viên Damian Pachter, theo AFP.

Thụy Miên