27/11/2024

Ở nơi không có tết

Dưới cái lạnh thấu thịt, những đứa trẻ vùng biên giới ở tỉnh Kon Tum vẫn phải khoác tấm áo mỏng manh đi cạo mủ cao su, đi gọt mì thuê kiếm sống. Đối với những đứa trẻ nơi đây, tết cũng chỉ như ngày bình thường.

 

Ở nơi không có tết

 

Dưới cái lạnh thấu thịt, những đứa trẻ vùng biên giới ở tỉnh Kon Tum vẫn phải khoác tấm áo mỏng manh đi cạo mủ cao su, đi gọt mì thuê kiếm sống. 

 

Những đứa trẻ ở làng Đắk Nhỏ (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) vẫn miệt mài gọt vỏ mì thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày – Ảnh: B.D.

Đối với những đứa trẻ nơi đây, tết cũng chỉ như ngày bình thường.

Trưa 7-1, Y Gái – cô học trò đang học lớp 2, dân tộc Xê Đăng ở thôn 7 (làng Đắk Nhỏ, thị trấn Pleikần, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) – vẫn kiên trì ngồi bên vệ đường gọt vỏ từng củ mì cho thương lái. Ròng rã một buổi sáng gọt đến bầm các đốt ngón tay, đống củ mì mà Y Gái gọt được đã chất cao.

“Nếu buổi chiều mà không bị đau tay, cố gắng gọt thêm một đống như thế này nữa thì em được chủ trả 50.000 đồng tiền công” – Y Gái nói.

“Không biết tết là gì!”

Cuối năm cũng là thời điểm cây mì trên rẫy của người dân được nhổ lên rồi đem về tập kết bán cho các thương lái. Trong khi bố mẹ đang mướt mồ hôi trên nương rẫy, những đứa trẻ nghèo ở thị trấn Pleikần tìm về các địa điểm thu mua mì để ngồi gọt vỏ kiếm tiền.

Đi gọt mì thuê ở cùng chỗ với Y Gái còn có hàng chục em nhỏ khác, tất cả ngồi thành tốp rồi phân ra từng đống mì để gọt, có em còn mang theo cả em nhỏ vừa gọt mì thuê vừa chăm sóc em.

Làng Đắk Nhỏ mặc dù nằm ở trung tâm huyện nhưng cuộc sống người dân vẫn hết sức khó khăn. Ngôi làng nhỏ được bao quanh bằng những ngôi nhà cấp 4 nhỏ xíu nhưng là nơi sinh sống của cả đại gia đình.

Những người dân nơi đây cho biết quanh năm không trông đợi được khoản thu nào khác ngoài cây mì, tiền công đi làm thuê, cuộc sống chỉ chắp vá từng ngày.

Trong nỗi thiếu thốn đủ bề ấy, những đứa trẻ lớn lên mặc dù được đến trường, được đi học, nhưng cuộc sống so với học sinh miền xuôi thì “một trời một vực”.

Vậy mà vẫn có những đứa trẻ phải bỏ học giữa chừng. Chị Y Mút, 32 tuổi, nhưng trông già như ngoài 40 tuổi, vừa bế con vừa thở dài kể: “Chồng mình bị bệnh mất cách đây hai tháng, mình đi làm thuê nuôi bốn đứa con. Khổ trăm bề. Cũng vì nghèo quá mà đứa con đầu của mình là Y Su đã phải bỏ học khi vừa qua lớp 4 để đi làm thuê kiếm tiền nuôi em. Giờ mình chỉ mong làm sao cho con cái khỏi bị đói mỗi bữa cơm, mấy đứa nhỏ đủ quần áo, được đi học như tụi nhỏ trong làng là mừng lắm”.

Y Mút cho biết từ khi chồng mất, cuộc sống của năm mẹ con như gà lạc mẹ, cơm ăn hằng ngày bữa đực bữa cái. Để đủ quần áo cho con, chị Mút phải đi khắp làng rồi ra thị trấn xin quần áo cũ. Vậy mà từ đầu mùa lạnh đến nay quần áo không đủ ấm, mấy đứa nhỏ nhiều bữa lạnh đến thâm môi, hai hàm răng cắn vào nhau không cất được thành lời.

Chiều 7-1, khi chúng tôi tìm đến nhà thì chị Mút vẫn đang bế theo đứa con nhỏ lên rừng phát rẫy tìm thêm khoảnh đất trồng mì nuôi con. Ở nhà, mấy chị em Y Su dắt nhau đi mót mì tại các rẫy quanh làng. Hỏi sắp đến tết rồi đã có quần áo ấm chưa, Y Su cúi đầu trả lời: “Không biết”. “Thế đã năm nào cả nhà con đón tết chưa?” – tôi hỏi tiếp. Y Su vẫn cúi gằm mặt: “Không có tết, không biết tết là gì”.

Ông A Đía – già làng Đắk Nhỏ – cho biết trước đây người Xê Đăng chỉ coi lễ ăn lúa mới là tết cổ truyền nhưng dần dần người dân ở các làng cũng đã chuyển qua đón Tết Nguyên đán như người miền xuôi.

Những ngày tết người dân tập trung vui chơi, uống rượu cần, đi mua sắm đồ đạc, sắm sanh trong gia đình.

“Nhưng đó là đối với các hộ có điều kiện khá giả, còn phần lớn người dân vẫn rất nghèo, trẻ con may lắm mới có bộ quần áo mới mặc ăn tết” – già làng A Đía nói.

Tết không đến nơi “ốc đảo”

Xã Ia Tơi (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) là nơi tách biệt và heo hút nhất ở tỉnh Kon Tum, giáp ranh với Campuchia. Từ khi các công trình thủy điện chặn dòng tích nước, Ia Tơi bị cắt đứt và trở thành một “ốc đảo” nằm biệt lập giữa vùng biên giới. Để có thể tới được nơi này không còn cách nào khác ngoài việc đi theo đường sông hàng giờ đồng hồ. Ngày tết cận kề nhưng những ngôi làng nghèo nơi xa xôi này vẫn buồn hiu hắt.

“Dân làng ở đây chủ yếu là công nhân cao su của các công ty, mấy năm trước cao su có giá nên tết có không khí lắm. Từ đầu năm đến giờ thì cao su rớt giá thê thảm, các công ty nợ lương, nhiều người chán chường rồi bỏ việc nên cuộc sống hiện tại rất khó khăn, chưa khi nào nghĩ đến tết mà buồn như năm nay” – anh Lê Sĩ Thành, một người dân ở xã Ia Tơi, nói.

Những ngày giá lạnh giữa mùa đông, gió lạnh thổi khô khốc da của những đứa trẻ nghèo vùng biên giới. Tết là khoảng thời gian mong đợi nhất trong năm, nhưng tết này đến áo quần đủ ấm cũng là điều rất khó thành hiện thực đối với những đứa trẻ ở xã Ia Tơi.

Thầy Lê Văn Peng – giáo viên điểm trường thôn 9, xã Ia Tơi – cho biết cuộc sống của người dân Ia Tơi hiện đang rất khó khăn do không có nguồn thu nhập ổn định. Học trò ở đây phải đến trường trong những bộ cánh mỏng manh, dép nhựa thủng lỗ chỗ, nhiều em còn phải đi chân đất đến trường.

Chứng kiến cuộc sống thiếu thốn, tạm bợ của người dân ở đây trong những ngày giáp tết, thiếu tá Từ Đình Huy – cán bộ phụ trách đội công tác đặc biệt Nam Sa Thầy thuộc Công an tỉnh Kon Tum – giọng ái ngại: “Đi vào nhà các hộ dân ở Ia Tơi mới thấy người dân, trẻ con sống tạm bợ, thiếu thốn như thế nào. Cơm ăn có khi còn không đủ, trẻ con đứng run cầm cập vì lạnh giữa mùa đông. Cán bộ chúng tôi đi thực tế vào thấy dân vậy ai cũng thương, mỗi người tự nguyện bỏ ra một ít tiền góp lại mua gạo phát cho dân, mua sữa cho các cháu nhỏ”.

Mời bạn cùng tham gia “Tết cho học sinh biên cương”

Một chiếc áo mới, đôi dép mới hay chút bánh mứt mang hương vị ngày tết cổ truyền là điều rất đỗi bình thường với chúng ta khi tết đến, nhưng với rất nhiều trẻ em ở miền biên giới xa xôi của Tổ quốc lại là cả một mơ ước. Cuộc sống gia đình của các em quá khó khăn, vẫn thiếu ăn vào mùa giáp hạt, đến trường bằng chân trần, mặc không đủ ấm co ro trong giá buốt…

Với mong muốn mang đến một mùa xuân ấm áp, góp thêm nhiều niềm vui cho các em học sinh vùng biên giới, báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình “Tết cho học sinh biên cương”. Dự kiến, chương trình sẽ vận động trao tặng 5.000 phần quà cho các em học sinh (mỗi phần quà trị giá 400.000 đồng gồm 300.000 đồng tiền mặt và quà trị giá 100.000 đồng), cùng 500 phần quà cho giáo viên (trị giá 500.000 đồng/phần).

Tổng kinh phí chương trình hơn 2 tỉ đồng. Dự kiến chương trình sẽ tổ chức trao quà tết đến bảy tỉnh biên giới gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Lai Châu, Lào Cai, Kiên Giang, Bình Phước và Kon Tum từ ngày 29-1 đến 6-2-2015.

Báo Tuổi Trẻ rất mong được sự đồng hành sẻ chia tình yêu thương, góp thêm hơi ấm gửi ra biên cương của bạn đọc. Có thể là từng chiếc áo mới, đôi dép mới, những túi bánh kẹo, những bao lì xì… hay trọn cả phần quà 400.000 đồng cho học sinh hoặc 500.000 đồng cho giáo viên đều là tấm lòng đáng quý sẻ chia cùng thầy trò vùng biên cương.

Bạn đọc ủng hộ chương trình mời gửi về phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM hoặc tài khoản báoTuổi Trẻ số 102010000118248, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM. Ðiện thoại liên hệ 0913.804.883.

T.O.