26/12/2024

Cô trò đến trường với giáo án, sách vở lấm bùn đất

Sáng 19-12, các trường học tại tỉnh Bình Định đón học sinh trở lại. Tại những ngôi trường bị ảnh hưởng nặng bởi cơn lũ vừa qua, các thầy cô lẫn học sinh phải đối mặt với nhiều khó khăn khi trường lớp ngổn ngang bùn đất, giáo án lên lớp cũng tan tành dưới những lớp bùn non.

 

Cô trò đến trường với giáo án, sách vở lấm bùn đất

Sáng 19-12, các trường học tại tỉnh Bình Định đón học sinh trở lại. Tại những ngôi trường bị ảnh hưởng nặng bởi cơn lũ vừa qua, các thầy cô lẫn học sinh phải đối mặt với nhiều khó khăn khi trường lớp ngổn ngang bùn đất, giáo án lên lớp cũng tan tành dưới những lớp bùn non.

 

 

 

Cô trò đến trường với giáo án, sách vở lấm bùn đất
Niềm vui được đi học lại sau khi lũ rút của các em học sinh xã Phước Quang, H.Tuy Phước (Bình Định). Ảnh chụp sáng 19-12 – Ảnh: Hữu Khoa

Tại Trường tiểu học số 1 Cát Trinh (H.Phù Cát, tỉnh Bình Định), khi nghe cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Bích Hải gọi lên hỏi thăm tình hình lũ lụt ở nhà, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thuỷ rưng rưng nước mắt:

“Nhà em ngập hết không còn thứ gì, mấy hôm nay dọn dẹp mà chưa đâu vào đâu, cả tập giáo án, học bạ của học sinh cũng bị ngâm nước, không thể lên lớp được nữa”.

Cô phải ở lại lớp 
giữ học trò

Nhà cô Thuỷ cách trường học chỉ khoảng 500m, nhưng cô kể ngày nước lũ tràn về cô không thể thoát ra được khỏi sân trường vì nước lũ quá lớn, ở trong lớp cô dạy đang có 8 đứa học trò không có ai trông coi nên cô phải ở lại giữ các em cho an toàn.

“Chiều hôm đó mưa rất lớn. Đầu giờ chiều chúng tôi đang dẫn học trò chạy lên tầng hai của các dãy phòng học thì bất ngờ nghe cái “ầm”. Rồi nước đổ về trường từ nhiều phía, không ai kịp chạy cất cái gì hết” – cô Thủy kể.

Khoảng 16g chiều, khi nước bắt đầu rút ở sân trường, mẹ cô gọi điện giọng hốt hoảng thông báo nhà cô đã bị nước vào cao đến gần nửa bức tường.

“Lúc đó tôi chỉ muốn khóc, không biết phải làm sao mà chạy về vì bên cạnh mình còn mấy đứa học sinh nữa, phía trước trường thì nước lụt mênh mông mà các cháu thì nghịch. Tôi không thể bỏ các em để về nhà được. Khi nước rút, gần sẩm tối về tới nhà thì không còn gì nữa”.

Sáng 19-12, tại nhà cô Thủy toàn bộ khoảng trống đều được tận dụng tối đa để phơi quần áo, trang thiết bị đồ dùng trong nhà. Lẫn trong mớ lộn xộn ấy, mấy tập học bạ của học sinh nằm thảm hại, mực viết bị ngấm nước dây đỏ tràn ra cả các trang giấy.

Ở một góc nhà, mấy xấp giáo án bị nước ngâm, bìa giấy “nở” ra mềm đến nỗi chỉ cần lấy ngón tay lẩy nhẹ là giấy tan ra thành bột. Cô Thuỷ đứng tần ngần nhìn toàn bộ tài sản của hai vợ chồng tích cóp, đau xót trước toàn bộ giáo án, học bạ của học trò đã bị hư hại sạch.

Cô Thủy nói mà như khóc: “Giờ tôi cũng không biết phải làm sao nữa cả. Mỗi tuần lên lớp đều phải soạn giáo án từ trước, giáo án soạn trong máy tính cũng bị nước vào hư ổ cứng, ngập hết màn hình. Còn bộ giáo án soạn tay cũng không còn gì nữa”.

Ngồi thâu đêm làm lại giáo án

Tình cảnh thảm thương sau lũ cũng làm các thầy cô Trường tiểu học số 2 Cát Tài (H.Phù Cát, Bình Định) không thể ăn ngủ mấy hôm nay. Khung cảnh ngôi trường nằm ở sát các dãy núi này vẫn đang ngập ngụa bùn đất.

Sáng 19-12, dù sáng thứ hai đầu tuần nhưng nhà trường không thể cho học sinh dự lễ chào cờ, học sinh cũng không mặc áo trắng quần xanh như những ngày thứ hai khác mà mặc quần áo bình thường, mang theo chổi, xẻng để… cào bùn ở sân trường.

Dẫn chúng tôi tới gian nhà lưu trữ hồ sơ, tài liệu và học bạ, giáo án của giáo viên toàn trường, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Thuận – hiệu phó Trường tiểu học số 2 Cát Tài – giọng chùng xuống:

“Cả trường giờ không còn cái gì nữa. Máy móc, thiết bị thì có thể mua lại nhưng giáo án, bài giảng của 28 giáo viên giờ “nở” như bánh đa ngâm trong nước, mấy hôm nay đưa ra phơi nhưng trời cũng không có nắng, lật trang nào ra giấy tan ra thành bột trang đó”.

Cô Thuận kể ngoài chuyện trường bị lũ vùi, hầu hết nhà của thầy cô cũng bị nước lũ tràn vào nên sáng 19-12 dù học sinh tới trường nhưng thầy cô chưa thể lên lớp trở lại được.

Tại lớp 3A2, cô giáo Phan Thị Kiểm vừa đứng nhìn học sinh mang chổi quét bùn trên nền lớp học, vừa tần ngần lật những tập giáo án lấm lem bùn đất mà cô để lại trong lớp học trước khi lũ về. Cô Kiểm kể mấy ngày qua cô phải vừa chạy lũ, dọn dẹp nhà cửa vừa đi xin giấy khô về ngồi thâu đêm làm lại giáo án…

Thầy Nguyễn Bá Hậu – hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Cát Tài – cho biết vì toàn bộ giáo án của thầy cô đã bị ướt sũng nên trường sẽ xin ý kiến của phòng giáo dục để giải quyết cho thầy cô giáo.

Nhiều trường chưa thể học trở lại

Ông Đào Đức Tuấn, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, cho biết đến ngày 19-12 vẫn còn một số trường học sinh chưa thể trở lại lớp do ngập lụt hoặc bùn đất tràn vào lớp học gây hư hại cơ sở vật chất.

Trong đó, khối cấp III có ba trường, gồm: THPT số 2 Tuy Phước, THPT số 3 Tuy Phước 3 và THPT Nguyễn Diêu (H.Tuy Phước). Khối cấp mầm non và khối THCS còn một số trường đang khẩn trương khắc phục hậu quả sau lũ để đón học sinh trở lại trường.

“Thống kê của chúng tôi trong đợt lũ đến nay, ngành giáo dục thiệt hại 31 tỉ đồng, khó khăn bộn bề ở các nơi, cơ sở vật chất bị hư hại nặng. Hiện nay chúng tôi đang kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp sách giáo khoa, tập vở cho học sinh cấp I, cấp II; về lâu dài tỉnh đang tính toán các phương án khác” – ông Tuấn nói.

Cùng Tuổi Trẻ “Tiếp sức học sinh vùng lũ 
đến trường”

Để tiếp sức các em học sinh vùng lũ Bình Định, Phú Yên… trở lại trường, báo Tuổi Trẻ phát động học bổng “Tiếp sức học sinh vùng lũ 
đến trường”.

Theo đó, mỗi học bổng cho học sinh tiểu học là 1 triệu đồng/suất, THCS 1,5 triệu đồng/suất và THPT là 2 triệu đồng/suất cùng quà tặng là đồ dùng học tập… Bạn đọc báo Tuổi Trẻ có thể ủng hộ kinh phí học bổng hoặc dụng cụ học tập (tập trắng, sách, bút…) cho học sinh vùng lũ để các em không phải bỏ học vì gia cảnh khó khăn. Hoặc ủng hộ trang thiết bị cho các điểm trường bị thiệt hại do cơn lũ gây ra trong những ngày qua.

Trước mắt, báo Tuổi Trẻ sẽ trao 300 suất học bổng cho tỉnh Bình Định và Phú Yên tổng trị giá khoảng 400 triệu đồng từ đóng góp của bạn đọc.

Địa điểm tiếp nhận đóng góp tại trụ sở báo Tuổi Trẻ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻtại các khu vực.

Thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ: Ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ: 0961705042.

Báo Tuổi Trẻ

THÁI BÁ DŨNG