23/12/2024

Mái nhà hi vọng của trẻ mồ côi

Thấy có khách, mấy đứa trẻ ở Trung tâm Hi vọng Lộc Bình (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) chạy ra mở cổng và chào hỏi ríu rít. Chúng kêu ơi ới: “Mẹ ơi, bác ơi, có mấy cô chú tới chơi này…”.

 

Mái nhà hi vọng của trẻ mồ côi

Thấy có khách, mấy đứa trẻ ở Trung tâm Hi vọng Lộc Bình (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) chạy ra mở cổng và chào hỏi ríu rít. Chúng kêu ơi ới: “Mẹ ơi, bác ơi, có mấy cô chú tới chơi này…”.

 

 

 

Mái nhà hi vọng của trẻ mồ côi
Sau giờ học, giờ chơi, mẹ Tươm (bìa phải) còn tập cho các con biết trồng rau, làm vườn, cũng là cách để trung tâm tự tăng gia sản xuất  - Ảnh: QUANG THẾ

Trung tâm Hi vọng Lộc Bình là nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ không nơi nương tựa. Thành lập từ năm 2003, đến nay sau 13 năm, trung tâm đã đón nhận và chăm nuôi 115 trẻ mồ côi. Em nào, cháu nào cũng được đi học. Trong số này nhiều em đã học đại học, cao đẳng, có em ra trường và đi làm.

Những phận đời bé mọn

5 tuổi nhưng bé Triệu Văn Cương (người dân tộc Dao, nhà ở xã Tri Phương, huyện Tràng Định) rất lanh lợi. Bé sà vào dắt tay từng người một kéo vào nhà: “Chú đến nhà cháu chơi phải không?”.

Bé Cương được đưa vào đây hồi đầu năm. Cũng như hầu hết những đứa trẻ ở đây, Cương mồ côi cha mẹ. Bà Vi Thị Tươm (67 tuổi, nguyên cán bộ phòng tài chính), một người làm tình nguyện ở trung tâm mà mấy đứa nhỏ hay gọi là “mẹ Tươm”, cho biết hễ nghe ở đâu có trẻ không nơi nương tựa là trung tâm cử cán bộ tới làm hồ sơ đưa các em về nuôi dưỡng, cho đi học.

Ở trung tâm, ngoài bà Tươm còn có ông Nguyễn Ngọc Biền (71 tuổi, nguyên cán bộ phòng giáo dục – đào tạo) hằng ngày lo lắng cái ăn, cái ở của tụi nhỏ và cả việc dạy nết người.

Nhiều bận các em đi học mắc lỗi này lỗi kia, bị thầy cô cho viết kiểm điểm, chính ông Biền là người dạy các em cách trình bày một văn bản, cách viết hoa, thụt đầu dòng, trao đổi về lỗi và giảng giải tận tường để các em nhận ra bài học.

Ông nói: “Các cháu vào đây bị tổn thương tinh thần do thiếu tình yêu của cha mẹ. Mắc lỗi gì cũng phải khuyên răn, nhắc nhở nhẹ nhàng, giải thích để các cháu hiểu là được”.

Hiện trung tâm đang nuôi dưỡng 49 em, nhỏ nhất là bé Cương. Nhiều em đã lớn, đang học đại học như Thuyền (Đại học Sư phạm Hà Nội), Hồng (Học viện Hành chính) và nhiều em đang học cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Bà Tươm nói: “Không chỉ nuôi dạy, liên hệ trường cho các con nhập học mà trung tâm còn gõ cửa từng đơn vị để xin công ăn việc làm cho chúng sau khi ra trường. Đứa nào đang đi học đại học vẫn được hỗ trợ tiền hằng tháng, có cái mà chi tiêu. Cha mẹ các con đã mất hết rồi, người thân thì nghèo túng. Nếu trung tâm không giúp thì chúng chẳng biết dựa vào ai…”.

Trong những đứa trẻ ở trung tâm có hai chị em ruột là Sầm Thị Trúc (học sinh lớp 11) và Sầm Thị Vân Anh (học sinh lớp 7). Trúc và Vân Anh (nhà ở thôn Pắc Cáp, xã Nam Quan, huyện Lộc Bình) đã vào trung tâm được bảy năm.

Mẹ Trúc sinh được năm người con gái rồi chết, cha em sau đó cũng chết do lâm bệnh. Mấy chị em có bà nội là chỗ dựa tinh thần duy nhất, nhưng được một thời gian bà cũng qua đời. Lúc đó Trúc mới học lớp 4, nhưng đã nghĩ đến chuyện bỏ học lên rừng kiếm củi đổi gạo nuôi em.

May sao Phòng Lao động – thương binh và xã hội huyện Lộc Bình hay tin, giới thiệu chị em Trúc tới trung tâm.

Hay như bốn chị em ở bản Chuồi, xã Hiệp Hạ, huyện Lộc Bình là Hiệu, Hành, Hoài và Hằng. Nghèo khó, bữa cơm hằng ngày chỉ có rau dại. Cha nghiện rượu rồi bị tâm thần. Mẹ làm thuê bữa có bữa không, rồi bỗng một ngày chợt mất tích khi đang làm thuê gần biên giới Trung Quốc.

Trước hoàn cảnh éo le của gia đình Hiệu, trung tâm làm thủ tục đưa các em về nuôi. Đến nay đứa lớn đã học lớp 9, đứa bé đang học lớp 2. Tết đến, người thân tới trung tâm đưa về nhà sum họp cùng gia đình nhưng các em bịn rịn vì ở đây quen rồi.

“Có năm đầu tiên bé Hiệu về chơi tết, đang nửa đêm ông bố bệnh tâm thần gọi dậy đánh cho một trận, từ ngày đó tới giờ nó không muốn về nữa…” – bà Tươm kể.

“Gửi mẹ Tươm 
thân thương…”

Trong bữa cơm trưa hôm gió mùa tràn về, bà Tươm ngồi ở vị trí trung tâm. Đàn con xúm xít vây quanh. Để các em thương yêu nhau, ông Biền, bà Tươm luôn căn dặn, chỉ vẽ cho đứa lớn biết chăm sóc, bảo vệ đứa nhỏ hơn. Bé lớn phải có trách nhiệm dạy học cho các em lớp dưới.

“Chúng em xem mọi người như anh em trong một gia đình nên không cảm thấy buồn khi thiếu cha mẹ. Ví dụ như bài toán nào khó lắm các chị không thể giải được thì em mới nhờ đến bác Biền” – em Hoàng Văn Toán (học sinh lớp 9) chia sẻ.

Điều đặc biệt nhất ở trung tâm có lẽ là các em dù nhỏ hay đã lập gia đình đều gọi bà Tươm – người phụ nữ có khuôn mặt hiền hậu – là mẹ. Ngày 8-3 hay 20-10, điện thoại di động của bà luôn bận rộn bởi các cuộc gọi từ những người con ở xa.

“Có nhiều đứa học ở trung tâm, sau đó tốt nghiệp đại học rồi lấy chồng ở Hà Nội, thi thoảng vẫn gọi về hỏi thăm. Mỗi khi gọi mẹ con nói chuyện lâu lắm. Đứa nào cũng chúc tôi có sức khỏe để chăm các em của bọn chúng. Vậy nên dù mệt tôi cũng cố gắng chỉ bảo, dặn dò để các con yêu thương nhau…” – bà Tươm bộc bạch.

Cũng chính từ tình thương mẹ Tươm dành cho những đứa trẻ bất hạnh nên trong cuộc thi “Thư gửi mẹ hiền” do Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Lạng Sơn phát động tháng 8-2016, bức thư của Trần Thị Huyền (học sinh lớp 11) đoạt giải nhất, mở đầu bài viết:

“Gửi mẹ Tươm thân thương. Hôm nay bầu trời đẹp lắm phải không mẹ? Con nhìn bầu trời và nghĩ tới mẹ bao la rộng lớn. Hằng đêm khi chúng con đã chìm vào giấc ngủ, mẹ vẫn đến tận từng giường kiểm tra màn đã buông chưa, có ai bị lạnh hay không… Những lúc đó con tỉnh giấc, chỉ biết gạt nước mắt, biết ơn mẹ vô bờ bến…”.

Một người giàu lòng trắc ẩn

Trung tâm Hi vọng Lộc Bình là cơ sở ngoài công lập do ông Nguyễn Trung Chất (65 tuổi, nguyên cán bộ biên phòng) làm giám đốc. Là cơ sở ngoài công lập nên để có tiền trang trải việc học, chi tiêu cho các cháu ở đây, ông Chất chạy vạy nhiều nơi xin từng cuốn vở, đôi dép, kem đánh răng…

Ông Chất chia sẻ: “Tôi trước đây công tác ở huyện Lộc Bình, gặp nhiều hoàn cảnh éo le mà không giúp được gì. Sau khi nghỉ hưu, tôi đã bàn với người thân mở trung tâm, mong phần nào giúp được những đứa trẻ bất hạnh.

Phần lớn là trẻ mồ côi nhưng trung tâm mang tên là “Hi vọng” nhằm tiếp thêm động lực để các con quên đi những buồn đau, sống có ước mơ, hoài bão”.

QUANG THẾ