26/12/2024

Nghĩa tình những người nuôi bệnh

“Vô Chợ Rẫy” là câu cửa miệng chỉ người mắc bệnh nặng. Bệnh viện luôn đông nghịt người. Lần đầu vào cảm giác ngột ngạt, nhưng ở đây một thời gian lại thấy có một thứ cảm tình rất khác.

 

Nghĩa tình những người nuôi bệnh

 “Vô Chợ Rẫy” là câu cửa miệng chỉ người mắc bệnh nặng. Bệnh viện luôn đông nghịt người. Lần đầu vào cảm giác ngột ngạt, nhưng ở đây một thời gian lại thấy có một thứ cảm tình rất khác.

 

 

 

Nghĩa tình những người nuôi bệnh
Mọi người vây quanh an ủi bệnh nhân bị mất tiền chiều 31-10 – Ảnh: M.G.

Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện lớn ở miền Nam. 

8g sáng, sau khi đưa người nhà vào phòng mổ, chúng tôi được bác sĩ chỉ định xuống Trại 25 chờ. Trại 25 Bệnh viện Chợ Rẫy là một căn nhà tiền chế dài khoảng 30m, ngang khoảng 10m.

Phía trên lợp tôn, hai bên hông cũng được che chắn bằng những miếng tôn. Đây là nơi chờ của người nhà bệnh nhân nặng, phải mổ hoặc cấp cứu đặc biệt.

Trại 25

Ngay lối vào trại, người nhà bệnh nhân ngồi, nằm la liệt. Bên cạnh là lỉnh kỉnh đồ đạc quần áo, chăn mền, chiếu gối và các vật dụng nuôi người bệnh.

Phía trong, dọc hai bên hông trại là hai dãy ván được kê sát nhau, tất cả đều được trải chiếu, không còn chỗ trống. Ở giữa là dãy ghế đá nhưng đã kín người. Ngồi, nằm la liệt. Mệt mỏi.

Có một tivi treo ở cuối trại. Màn hình hiển thị tên bệnh nhân và trạng thái bệnh nhân (như đang mổ), thỉnh thoảng chèn vào những đoạn video liên quan đến y tế. Người nhà bệnh nhân ít quan tâm đến cái tivi này, chủ yếu chờ thông tin người nhà từ hệ thống loa của bệnh viện.

Vài phút một lần, hệ thống loa lại thông báo mời người nhà đến phòng thông tin nhận thông tin người bệnh.

11g, hệ thống loa phát thông báo mời người nhà bệnh nhân đến phòng thông tin nhận phiếu đi thăm bệnh. Người đàn ông lớn tuổi ngồi cạnh tôi đang ngả lưng ngồi bật dậy.

Ông quê ở Châu Thành, Long An. Con trai ông học lớp 11, đi xe bị một chiếc xe cẩu de từ trong hẻm ra tông phải làm gãy tay, chân và chấn thương sọ não. Sau 11 ngày nằm cấp cứu đặc biệt, con ông đã có phản ứng, không còn bất tỉnh như những ngày đầu.

“Chú lên thăm con chút, con lên chiếu của chú nằm tí cho khỏe chứ chắc chờ còn lâu đó” – ông quay lại nói với cho tôi rồi tất tả đi.

Trời nắng, trại lúc này rất nóng. Tám chiếc quạt treo ở dãy cột giữa trại quay về hai phía dãy ván vẫn ầm ì quay, nhưng không khí vẫn không mát hơn là mấy. Lúc này trại vắng hẳn, rất nhiều chỗ trống.

Những người còn ở lại tranh thủ ăn trưa. Người ăn cơm từ thiện, người “gặm” đỡ ổ bánh mì mua vội. Mặc cho sức nóng hầm hập, tiếng trò chuyện, tiếng khóc của trẻ con, nhiều người vẫn thiếp trong giấc ngủ. Có lẽ họ quá mệt mỏi sau nhiều đêm chờ đợi.

Giữa buổi chiều, người nhà chúng tôi mổ xong và được chuyển lên khu phòng bệnh khoa ngoại thần kinh. Các phòng bệnh đều kín người. Ngoài hành lang, người bệnh cũng nằm khắp nơi, hầu như không còn khoảng trống nào.

Ấm áp tình người

Trại 25 có lẽ là nơi đặc biệt nhất ở Chợ Rẫy. Trong trại người ta không hỏi tên nhau mà xưng hô bằng các đại từ nhân xưng như cô, dì, chú, bác… Dẫu vậy, họ biết rất rõ bệnh tình của người bệnh “hàng xóm”.

Lúc tôi mới đến, một bà khá lớn tuổi quê ở An Giang liền hỏi về bệnh tình người nhà của tôi vì sao phải mổ, bác sĩ nói thế nào. Con bà nằm ở phòng cấp cứu đặc biệt do chấn thương sọ não đã 15 ngày. Loa gọi nhận phiếu thăm bệnh nhân, bà vội vàng đi. Hộp cơm bỏ dở hơn phân nửa…

“Tiền bạc phải cất giữ cẩn thận nghen con. Ở đây người tốt cũng nhiều mà người gian cũng có. Hôm bữa có cô kia mới vào đây, chẳng biết sao mà bị kẻ gian lấy hết tiền bạc. Cổ khóc quá chừng.

Người ta bệnh tật đau khổ mới vào đây mà cũng có người ác nhơn vậy đó. Cháu phải cẩn thận” – một vị lớn tuổi dặn đi dặn lại.

Chiếc băng ca vừa đẩy vô phòng, chúng tôi còn chưa kịp mở lời nhờ giúp đỡ, thân nhân những người bệnh trong phòng người xách giúp chai nước biển, người kê lại cái giường rồi cùng giúp chúng tôi chuyển người từ băng ca qua giường bệnh.

Chỉ mới ở phòng bệnh một ngày, chúng tôi biết chị nằm bên cạnh chở con đi học về bị té xe gãy cột sống, cô nằm đối diện mổ khối u tái phát, cách đó một giường cô luôn nằm nhắm mắt bị té gãy cổ khi hái trái cây vườn nhà…

Ở cuối phòng có một bệnh nhân mới chuyển vô. Một cậu bé hơn 10 tuổi, nước da đen nhẻm, mổ u não. Cậu bé người Campuchia. Cha mẹ cậu bé chắc cũng nghèo, quần áo sờn cũ, khuôn mặt khắc khổ. Không ai nói ai nhưng trong phòng người giúp cậu bé vài lon sữa, người cho hộp cơm.

Người nhà một bệnh nhân nói với tôi: ở đây lâu sẽ thấy như người nhà. Mọi người vô đây đều như nhau hết, giúp được cái gì thì giúp.

Một buổi chiều tôi đang trong phòng bệnh thì nghe ngoài hành lang xôn xao. Một bệnh nhân đi tắm, thay đồ nhưng quên lấy tiền trong túi áo. Khi nhớ ra chạy vô tìm lại, số tiền 6,5 triệu đồng trong túi không còn. Ngày mai chị lên bàn mổ, tiền vẫn chưa đóng.

Rất đông người nhà bệnh nhân vây quanh chị. Người an ủi: của đi thay người. Người lại nói: người ta lấy tiền của chị thì họ sẽ rước bệnh thay chị, đừng buồn nữa để ngày mai còn mổ cho tốt.

Rồi không ai nói ai, mọi người tự động góp tiền giúp bệnh nhân đáng thương. Người vài chục, người vài trăm ngàn, có chú kia giúp chị 1 triệu đồng. Chỉ một lúc, số tiền mọi người góp cũng gần 6 triệu đồng.

Chị Trần Thị Ngọc Hà (Quảng Ngãi) có 15 ngày ở Chợ Rẫy chăm cha trước và sau mổ. Ngày xuất viện, chị nói cảm giác quyến luyến rất khó tả.

“Nói người ta không tin chứ thật sự là như vậy. Đó là cảm giác lẫn lộn giữa vui mừng khi người nhà mình đã khoẻ mạnh và bứt rứt khi phải chia tay những con người mình đã gắn bó bấy lâu nay” – chị xúc động.

Một cậu bé ở phòng số 8 được xuất viện. Đây là phòng dành cho bệnh nhi. Cậu ngồi trên băng ca, người nhà đẩy ra khỏi phòng. Mọi người trong phòng chúc cậu bé mau khoẻ, cố gắng ăn nhiều cho có sức. Cậu vừa cười vừa vẫy tay tạm biệt: con sẽ không trở lại bệnh viện nữa đâu…

Đồng cảnh ngộ, đồng cảm

Bệnh viện Chợ Rẫy đông lắm. Lừa gạt có, mất tiền mất bạc cũng có, nhưng đó chỉ là những sự việc cá biệt. Sự cảm thông, chia sẻ, động viên nhau của những người thân bệnh nhân, giữa người thân bệnh nhân với bệnh nhân khác lại rất nhiều.

Một cộng đồng nhỏ có tính chất hợp tan, nhưng khi con người ta cùng cảnh ngộ, nhất là cảnh khốn cùng, thì dễ gần nhau và đồng cảm với nhau hơn chăng?

MINH GIẢNG