23/12/2024

Bao giờ có thì trả, không thì thôi…

Câu chuyện cảm động người bảo vệ một ngôi trường kể về tấm lòng người thầy sẵn lòng nộp học phí cho sinh viên kịp giờ thi, câu nói của thầy “Bao giờ có thì trả lại thầy, không thì thôi…”

 

Bao giờ có thì trả, không thì thôi…

 Câu chuyện cảm động người bảo vệ một ngôi trường kể về tấm lòng người thầy sẵn lòng nộp học phí cho sinh viên kịp giờ thi, câu nói của thầy “Bao giờ có thì trả lại thầy, không thì thôi…”

 

 

 

Bao giờ có thì trả, không thì thôi...
Học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM) tặng hoa cho cô giáo nhân Ngày nhà giáo VN – Ảnh: NHƯ HÙNG

Tôi làm bảo vệ cho trường tính đến hôm đó đã gần mười năm. Đây là trường dạy nghề, một nghề rất đặc biệt: đào tạo phóng viên, biên tập viên cho ngành phát thanh – truyền hình.

Hôm đó, tôi có công việc đến gặp thầy hiệu phó. Đi qua hội trường thấy mấy em đứng lấp ló trước cửa ra vào, thì thầm to nhỏ với nhau… Tôi hỏi, mới biết hôm nay lớp các em thi học kỳ môn phóng sự phát thanh – truyền hình. Các em này không được thi vì lý do chưa nộp học phí học kỳ 1. Tôi bèn nói chuyện với các em:

– Môn này, nếu chú không lầm, giáo viên là thầy Xuân. Theo chú biết, thầy rất tốt, sao các em không gặp thầy trình bày, nhờ thầy giúp đỡ?

Nghe vậy, cả mấy em nhao nhao lên cùng một lúc: “Tụi con biết thầy Xuân rất tốt. Nhưng thầy đã giúp đỡ quá nhiều sinh viên ở mấy khóa trước tiền nộp học phí. Nên giờ tụi con không muốn phiền thầy”.

Tụi nhỏ nói cũng đúng, nhưng nếu vậy thì lại dở dang chuyện thi cử. Vì thế, tôi mới bảo: “Các em ngại không muốn gặp thầy, để đó tôi lên gặp cho”.

Nói đến đó, tôi đi thẳng lên cầu thang. Vừa leo lên lầu một, tôi gặp thầy Tứ – tiến sĩ học ở Liên Xô về, cũng là giáo viên thỉnh giảng môn đạo diễn phim tài liệu.

Thầy Tứ hỏi tôi đi đâu có vẻ gấp gáp, tôi trình bày lại với thầy đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, thầy bảo tôi không cần lên gặp thầy Xuân, để thầy giải quyết. Nói rồi thầy Tứ dắt tay tôi đi xuống.

Gặp các em, năm em cả thảy, thầy nói: “Các em đi theo thầy vào phòng tài vụ”. Bước vào phòng tài vụ, thầy nói ngay với cô kế toán: “Chị ghi giấy biên nhận cho năm em này đã nộp học phí kỳ 1, rồi tôi sẽ nộp đầy đủ cho các em”. Cô kế toán gật đầu, làm biên nhận ngay cho từng em một.

Thầy Tứ giục các em đưa biên nhận nộp ngay cho thầy giáo vụ rồi vào thi. Năm em sinh viên râm ran cảm ơn thầy, một em hỏi: “Bao giờ chúng con phải trả lại số tiền này cho thầy?”. Thầy Tứ cười: “Bao giờ có thì trả, không có thì thôi, chẳng sao cả”.

Các em đi rồi, tôi thấy thầy mở ví đếm tiền nộp cho cô tài vụ, số tiền theo tôi là không nhỏ.

Tôi biết cả năm em hôm đó sau này ra trường đều có công ăn việc làm, hai em làm việc ở thành phố – một em làm ở báo hình, một em làm ở đài phát thanh, còn ba em về tỉnh công tác ở các báo đài địa phương. Hằng năm vào Ngày nhà giáo Việt Nam, không bao giờ thiếu năm em này đến tri ân các thầy cô đã dạy dỗ các em.

Một lần tôi cùng con gái (cũng là sinh viên của trường) đi theo các em đến tri ân thầy Tứ, thầy Xuân… Các em mang theo hoa và quà.

Thầy Xuân nói với các em: “Tặng hoa thầy là được rồi!”. Cầm món quà trên tay vuốt ve, thầy bảo: “Trong này là quần áo, có đúng không? Lần sau các em không được tặng quà mang tính vật chất. Dù các thầy vẫn sống trong thiếu thốn, nhưng không bao giờ muốn các em tri ân bằng cách này”.

Sau đó thầy giữ các em lại ăn bữa cơm đạm bạc với gia đình.

PHAN HỒ LÊ