27/12/2024

Giấc mơ từ cái bánh mì đến phòng học hiện đại

Tại buổi gặp mặt giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với giáo viên tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo năm 2016 diễn ra tại Hà Nội sáng qua (13.11), các thầy cô không nói về gian khổ hay thành tích mà dành thời gian kể về ước mơ và mong mỏi có điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh ở đảo xa.

 

Giấc mơ từ cái bánh mì đến phòng học hiện đại

Tại buổi gặp mặt giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với giáo viên tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo năm 2016 diễn ra tại Hà Nội sáng qua (13.11), các thầy cô không nói về gian khổ hay thành tích mà dành thời gian kể về ước mơ và mong mỏi có điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh ở đảo xa.





Ông Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với giáo viên tiêu biểu ở các xã đảo, huyện đảo  /// Ảnh: Đăng Lương

Ông Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với giáo viên tiêu biểu ở các xã đảo, huyện đảoẢNH: ĐĂNG LƯƠNG

Mở đầu buổi trò chuyện, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, biểu dương và ghi nhận sự cống hiến thầm lặng mà to lớn của các thầy cô giáo đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo trên cả nước. Tuy nhiên, ông Nhạ cũng đề nghị các thầy cô chia sẻ những vấn đề rất thực, rất đời thường, góp ý cho những chính sách giáo dục, nêu những tâm tư, nguyện vọng của các thầy cô để lãnh đạo ngành GD-ĐT được lắng nghe và có quyết sách hợp lý hơn. Làm thế nào để chất lượng giáo dục ở các vùng khó khăn được nâng lên, giảm những bức xúc không đáng có.
Bình thường với đất liền nhưng xa xỉ ở đảo xa
Thầy giáo Lê Xuân Quyết, người đang công tác tại huyện đảo Trường Sa, bắt đầu bằng câu chuyện mà thầy cho là “cổ tích giữa đời thường” của học sinh (HS) trên đảo. “Có em mong muốn được ăn một ổ bánh mì ở đất liền bao nhiêu ngày nay nhưng điều tưởng như quá nhỏ nhoi ấy vẫn chỉ là mơ ước. Có lần trong lúc ngủ em mơ thấy mình đang ăn những miếng bánh mì thơm ngon thì bị mẹ gọi dậy và em cứ khóc mãi vì tiếc nuối… Chỉ là một chiếc bánh mì quá đỗi bình thường ở đất liền nhưng lại là một món ăn xa xỉ của trẻ em trên đảo”, thầy Quyết kể. 

 
 
Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô do Hội LHTN VN, Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

 


Các thầy cô ở đảo ngoài nhiệm vụ dạy học còn đóng vai trò là những người bù đắp phần nào những thiếu hụt về tinh thần, vật chất cho HS. Thầy Quyết kể tiếp: “Tết Trung thu năm 2015, do chứng kiến cảnh nhiều năm trẻ em ở đảo không có một cái tết trung thu đúng nghĩa, các thầy cô đã bàn nhau cùng HS tự nhặt nhạnh các vật dụng phế thải, sẵn có để làm một cái đầu lân và giáo viên (GV) chính là nghệ sĩ biểu diễn cho HS. Ở đảo, có những đêm không có điện, GV phải ôm giáo án, bài tập của HS ra cột đèn ngoài đường để soạn, chấm bài. Đánh răng cũng chỉ dám đánh một nửa cốc nước, nửa cốc còn lại phải để dành cho lần sau. Nhiều khi mơ được ăn một bữa rau xanh thoả thích…”. Theo thầy Quyết, điều mà thầy trăn trở là đến nay, các thầy cô ở Huyện đảo Trường Sa vẫn không có internet để cập nhật thông tin nên GV vốn lạc hậu thông tin sẽ ngày càng lạc hậu hơn. 

 
 
“Sẽ mãi gắn bó với nơi này”
Cô giáo Nguyễn Hoàng Yến (29 tuổi), Trường tiểu học và trung học Cái Chiên, xã đảo Cái Chiên (H.Hải Hà, Quảng Ninh), kể ngày mới vào nghề khó có thể tưởng tượng HS phải ngồi học trong ánh đèn dầu leo lét. Ở đảo thiếu thốn từ rau xanh đến thức ăn, mỗi lần trở về đất liền, GV phải mang cá khô, rau củ theo dự trữ. Để thích nghi với cuộc sống ở đảo, GV phải học trồng rau, thậm chí mò cua bắt ốc, đánh cá ngoài biển, vừa cải thiện bữa ăn hằng ngày vừa kiếm thêm thu nhập.
Trở về từ nơi xa nhất, thầy giáo Lê Xuân Quyết (26 tuổi), GV trường tiểu học trên đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hoà), cho biết trời nắng gắt, gió biển mặn chát, HS vừa học bài vừa đưa tay quệt mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn say mê với từng con chữ, phép toán. “Mỗi lần nhìn những hình ảnh ấy, tôi lại rưng rưng xúc động vì ý chí khát khao học tập của HS trên đảo và tâm nguyện sẽ mãi gắn bó với nơi này”. Phan Hậu

 


Mong cho HS có được cuộc sống học tập gần hơn với HS ở đất liền cũng là đề xuất của nhiều GV tại buổi gặp gỡ với người đứng đầu ngành GD-ĐT.
Cô Nguyễn Thị Hợi, GV Trường phổ thông cơ sở Bản Sen, H.Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, người có thời gian công tác tại đảo lâu năm nhất trong số 42 GV tiêu biểu đợt này, bày tỏ mong muốn HS ở đảo không còn phải học chay vì thiếu phòng học chức năng, học thực hành thí nghiệm như hiện nay nữa.
Cô Nguyễn Thị Bích Thủy, công tác 29 năm ở đảo Lại Sơn (Kiên Giang), chia sẻ: “Nếu như được mong muốn, tôi mong muốn tất cả HS trên xã đảo Lại Sơn nói riêng và xã đảo cả nước nói chung được tiếp cận các công nghệ hiện đại như công nghệ thông tin, máy chiếu, phòng học ngoại ngữ…”. Cô Phan Hồng An, Trường THCS Phước Thể, H.Tuy Phong, Bình Thuận, thì kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có chính sách miễn giảm học phí cho HS đến cấp THCS ở vùng biển đảo.
Điều chỉnh chính sách phù hợp hơn cho GV
Ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định lợi ích kép khi các thế hệ trẻ, những “hạt giống” ở vùng biển đảo được tạo điều kiện tốt nhất để học tập, không chỉ ngay tại quê hương mà kể cả khi được đào tạo ở hệ thống các trường ĐH, CĐ. Chính vì vậy, ngoài việc hứa sẽ xem xét, đề xuất với Chính phủ về việc miễn học phí với HS, ông Nhạ còn cho biết sẽ đề nghị với các trường ĐH, CĐ có chính sách miễn học phí cho HS ở xã đảo, huyện đảo là sinh viên của trường.


Đối với đội ngũ GV, ông Nhạ nhắn nhủ: “Tất cả đều từ người thầy, thầy không chỉ gieo con chữ mà còn là tấm gương. Người dân ở đó sẽ nhìn vào các thầy cô để có niềm tin vào giáo dục, cho con mình đi học…”. Ông Nhạ đề nghị Cục Nhà giáo thống kê cụ thể số lượng GV, chính sách đối với GV ở xã đảo, huyện đảo hiện nay để có những điều chỉnh phù hợp, không chỉ về đồng lương mà tạo điều kiện dạy học của GV tốt hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tiếp cận nâng cao trình độ.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng nhấn mạnh quan điểm chú trọng phổ cập nhưng phải quan tâm tới những vùng khó khăn để tránh càng phát triển thì khoảng cách lại càng xa giữa vùng thuận lợi và khó khăn. “Mong các thầy cô là những điểm sáng, là “đại sứ” ở các vùng, truyền tải được những vấn đề thiết thực nhất để những hỗ trợ đến với vùng miền đó được trực tiếp và hiệu quả”, ông Nhạ nhắn nhủ.
Giấc mơ từ cái bánh mì đến phòng học hiện đại - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Trường CĐ, TCCN sư phạm ‘về’ đâu?

Đến 31.12 là kết thúc giai đoạn chuyển giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, các trường CĐ, TCCN sẽ do Bộ LĐ-TB-XH quản lý về mặt chuyên môn.
Ý kiến
Tấm gương tiêu biểu nhất về sự vượt khó
Các thầy cô giáo là những tấm gương tiêu biểu nhất về sự vượt qua khó khăn, nỗ lực để hoàn thành trách nhiệm của người GV nhân dân.
Bà Trương Thị Mai (Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư)
Thông điệp về truyền thống tôn sư trọng đạo
Mong muốn của Hội LHTN VN là mỗi năm chọn được một đối tượng GV tiêu biểu để tôn vinh, qua đó muốn truyền tải một thông điệp đến thế hệ trẻ về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, đồng hành cùng với ngành để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu.
Ông Nguyễn Phi Long (Chủ tịch Hội LHTN VN)
Phải biến ước mơ thành hiện thực
Có thầy cô nói ở đảo “sóng biển thì mênh mông nhưng sóng mạng thì không có” hay những ổ bánh mì mà vẫn là giấc mơ xa vời của các em bé VN. Tôi nghĩ rằng có trách nhiệm của chúng tôi, phải biến những giấc mơ đời thường đó trở thành hiện thực.
Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa (Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long)
Phan Hậu – Tuệ Nguyễn (ghi)

 

Tuệ Nguyễn